Mua sắm tiết kiệm (bài trên báo Phụ nữ TPHCM)

PhuNu_mainstory1

Để tiết kiệm chi phí trong thời buổi kinh tế khó khăn, ngoài việc tính toán mua hàng giá rẻ, các bà nội trợ có thể mở sổ tiết kiệm để tích lũy tiền hoặc tìm đến các công cụ quản lý tài chính nhằm kiểm soát chi tiêu.

Mua hàng giá rẻ

Trong thời buổi giá cả hàng hóa đắt đỏ, không ít gia đình đã chọn cách thường xuyên dùng thực phẩm mua từ quê gửi lên vì giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thực phẩm ở thành phố. Mỗi đợt đóng hàng thường đủ loại rau củ quả, trứng, thịt, hải sản… có thể bảo quản dùng trong cả tuần. Chị Ngân (Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, với cách này, mỗi tuần chị tiết kiệm được gần 200.000đ đi chợ.

“Săn” thực phẩm giá rẻ trực tiếp tại các chợ đầu mối là cách nhiều bà nội trợ áp dụng. Ghi nhận tại các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn (TP.HCM), buổi chợ kéo dài hơn từ hai-bốn tiếng so với trước đây vì ngoài tiểu thương chợ lẻ, ngày càng có nhiều bà nội trợ chuyển sang đi chợ đầu mối nên các sạp hàng cũng tranh thủ bán thêm. So với đầu buổi chợ, càng về sáng, giá thực phẩm càng rẻ. Chị Trâm (ngụ Thủ Đức) mua hàng ở chợ đầu mối Thủ Đức so sánh: “Cà chua, khổ qua, dưa leo, cải xanh thời điểm này ở chợ lẻ bán 10.000đ/kg nhưng mua chợ đầu mối buổi sáng hàng tươi ngon mà giá chỉ có 6.000đ/kg”.

Hiện một số hệ thống siêu thị mở thêm trung tâm bán sỉ cho khách hàng. Mua hàng gói theo lố gồm từ ba-năm sản phẩm, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được từ 5-15% so với giá bán lẻ. Các loại dầu gội, sữa tắm, nước rửa chén, dầu ăn, đường, bột ngọt… là những mặt hàng người tiêu dùng thường chọn mua theo lố. Ngoài tranh thủ mua quần áo, giày dép, túi xách vào những đợt khuyến mãi, giảm giá, nhiều người thích hàng hiệu giá mềm đã chọn mua sắm ở những cửa hàng outlet bán những mẫu quần áo qua mùa hoặc bị lỗi nhỏ của các thương hiệu lớn với giá rẻ hơn từ 30-70% so với giá gốc.

Nắm bắt nhu cầu mua sắm tiết kiệm, một số đơn vị kinh doanh hàng điện tử, điện máy đua nhau mở gian hàng bán điện thoại, máy tính cũ đã qua sử dụng. Một laptop mua mới giá từ 10-12 triệu đồng, nhưng khi mua đồ cũ chỉ còn sáu-tám triệu đồng. Nhiều nơi còn cam kết bảo hành sản phẩm từ 3-12 tháng, hoặc cho khách hàng sử dụng sản phẩm thử ba ngày trước khi quyết định mua và cho đổi trả hàng trong vòng một tuần.

Tuy nhiên, với dịch vụ này, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ, vì kèm theo đó có thể là mức phí đổi trả tương ứng từ 2-10%/giá mua.

Quản lý chi tiêu thời @

Kế hoạch tiết kiệm không chỉ dừng lại ở việc mua sắm tiết kiệm, mà việc quản lý chi tiêu cũng hết sức quan trọng với những chị em là “tay hòm chìa khóa”. ThS Cao Thị Thùy Liên – giảng viên Bộ môn Kỹ năng mềm ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho rằng, mua hàng giá rẻ là một trong những cách tiết kiệm chi tiêu, tuy nhiên, quan trọng hơn là hình thành được thói quen, kỹ năng quản lý chi tiêu bằng cách ghi nhận chi tiết cụ thể những chi tiêu hàng ngày để từ đó vạch ra những khoản chi chưa hợp lý (như mua sắm, ăn ngoài, đi chơi… quá nhiều), từ đó siết chặt lại các khoản này bằng cách đưa ra hạn mức nhất định cho từng khoản chi.

Gần đây, giới văn phòng đang mách nhau sử dụng các website như caibop.com, berich.vn, quanlythuchi… để ghi chép việc chi tiêu hàng ngày, từ đó kiểm soát, quản lý chi tiêu. Không cần tải hay cài đặt phần mềm, chị em chỉ cần đăng ký tài khoản và sử dụng các tính năng nhập chi tiêu, xem báo cáo ngay trên website. Nhiều trang web còn có phiên bản trên điện thoại di động smartphone, giúp người dùng chỉ cần mất vài giây để cập nhật thông tin chi tiêu ngay khi vừa mua hàng. Điểm chung của các phần mềm quản lý chi tiêu là hỗ trợ lập kế hoạch chi tiêu, quản lý các khoản thu chi theo từng hạng mục đã lên kế hoạch.

Nguyễn Cẩm

TRUY CẬP BERICH