Khi vay ngân hàng, vì lý do nào đó mà không tuân thủ đúng quy định, khách có thể chịu nhiều khoản phạt như rút vốn không đúng hạn, trả nợ trước hạn, nợ quá hạn, thanh toán dư nợ định kỳ trễ…
Ông Nguyễn Thành Trung từng vay ngân hàng một tỷ đồng để mua ôtô. Hợp đồng vay vốn theo loại cấp tín dụng từng lần, trong đó quy định rút vốn nhiều lần theo thời hạn quy định. Nếu ông không rút, rút không đúng thời hạn hoặc không đủ số tiền quy định sẽ bị phạt 0,5% giá trị phần vốn rút sai hoặc không rút này.
Trong lần rút vốn thứ hai (lệnh chuyển khoản từ ngân hàng sang đơn vị bán xe), ông trễ hạn so với quy định nên bị ngân hàng phạt 0,5% trên tổng số tiền xin rút. “Lúc vay, không lường trước những tình huống này nên giờ phải ngậm ngùi đóng phạt theo quy định”, ông bộc bạch.
Một số trường hợp khác như việc khách hàng xài thẻ tín dụng, bất kể dư nợ là bao nhiêu, thậm chí 1.000 đồng nhưng đóng trễ hạn một ngày thì cũng bị phạt, tuỳ ngân hàng thì mức phí phạt dao động 50.000-300.000 đồng.
Trường hợp anh Hải Nam là ví dụ điển hình. Anh cho biết, có một lần, dư nợ thẻ tín dụng của anh là 100.000 đồng (nạp card điện thoại online), nhưng hôm đến hạn thanh toán bị ốm nên qua hôm sau anh mới lên thanh toán thì bị ngân hàng phạt 150.000 đồng tiền trễ hạn. “Tính về giá trị tuyệt đối thì số tiền phạt không lớn nhưng so với dư nợ gốc thì bằng 150%, là con số quá lớn”, anh nói.
Hiện nay còn có rất nhiều khoản phạt khác mà các ngân hàng hay áp dụng như trả nợ quá hạn, trước hạn, lãi chậm trả, thu hồi các khoản lãi suất ưu đãi do trả nợ trước hạn… trong đó, phạt trả nợ trước hạn là khoản mà các khách hàng hay gặp nhất.
Thông thường, khoản phạt này được các ngân hàng áp dụng mức 1-3% trên tổng số tiền trả nợ trước hạn, nhưng cũng có nhà băng áp dụng theo các công thức khác khiến số tiền mà khách phải nộp phạt là rất lớn.
Như trường hợp chị Tuyền, TP HCM vì tâm lý nôn nóng của người đi vay và ký nhanh để hoàn tất hồ sơ nhận tiền nên đã không trao đổi kỹ về điều khoản trả nợ trước hạn sẽ bị phạt như thế nào để cập nhật cụ thể vào hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.
Do đó, khi phát sinh nhu cầu phải bán căn nhà là tài sản thế chấp, chị buộc phải đến ngân hàng xin thanh lý hợp đồng tín dụng trước hạn sau 5 tháng vay (hợp đồng tín dụng có thời hạn vay gần 9 năm). Kết quả là chị bị nhà băng phạt đến 248 triệu đồng cho số dư nợ gốc 2,777 tỷ đồng.
Điều chị bức xúc là thay vì áp dụng cách tính phạt 1% hay 3%… trên tổng dư nợ gốc còn lại thì ngân hàng nơi chị vay lại áp công thức mà theo chị là quá vô lý: 40% x (lãi suất cho vay hiện tại-lãi suất huy động tiết kiệm tại ngày trả nợ) x số tiền trả nợ trước hạn x số ngày trả nợ trước hạn/360. Với công thức này, chị Tuyền phải trả hơn 248 triệu đồng, tương đương gần 9% dư nợ gốc.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều thu phí trả trước hạn, nhưng cách tính thì khác nhau. Với một số ngân hàng cổ phần, phí được tính theo nguyên tắc thời hạn trả trước càng dài thì phí càng cao. Với những ngân hàng tính theo cách này, nếu khách hàng vay dài hạn chỉ trả trước một số kỳ thì mức phí không nhiều, nhưng muốn trả dứt nợ gốc nhằm giảm tiền lãi phải nộp thì phí phạt “ngang ngửa”, thậm chí còn cao hơn nếu thời hạn vay còn dài.
Đại diện OceanBank nhìn nhận, những trường hợp như chị Tuyền không hề hiếm. Đứng ở vị thế của người đi vay tiền, khách hàng thường muốn nhanh chóng ký vào hợp đồng tín dụng để mau được việc. Chính vì vậy không ít người vô tình chỉ kiểm tra qua loa hoặc không hỏi kỹ quy định phí phạt trả nợ trước hạn, dẫn đến cách tính phí không rõ ràng, mập mờ hoặc quá cao.
Để khuyến khích và thu hút khách vay tiền, hiện nay một số ngân hàng đã miễn phí trả nợ trước hạn hoặc có quy định rất cụ thể, rõ ràng với mức phí khá thấp, đơn cử như OceanBank. Theo đó, với các khoản vay ngắn hạn(từ một năm trở xuống), phí phạt trước hạn sẽ là: 1% x số tiền trả nợ trước hạn (mức thu tối thiểu là 100.000 đồng).
Còn với các khoản vay trung, dài hạn (các khoản vay có thời gian trên một năm), khách sẽ được miễn phí nếu trả từ thời điểm tròn 3 năm hoặc từ thời điểm tròn nửa thời gian vay trên hợp đồng. Các trường hợp còn lại thì khách trả 1,5% số dư nợ trả trước hạn và mức thu tối thiểu là 200.000 đồng.
“Đặc biệt, với các chương trình ưu đãi lãi suất áp dụng cho sản phẩm vay mua nhà dự án, OceanBank không yêu cầu khách hàng hoàn lại phần tiền lãi đã được ưu đãi, trong trường hợp khách hang trả nợ trước hạn”, đại diện Ngân hàng Đại Dương nhấn mạnh.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, để tránh bị phạt những khoản phí nêu trên, trước hết về phía khách hàng nên cố gắng tuân thủ đúng các thoả thuận đã quy định trong hợp đồng. Trường hợp bất khả kháng, khách hàng nên đến thương lượng với phía nhà băng để làm sao có thể đóng mức phạt thấp nhất. “Điều quan trọng là nên đọc kỹ hợp đồng trước khi ký”, ông nói.
Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:
Theo thông lệ quốc tế, việc thu các khoản phí phạt nêu trên là bình thường và được quy định trong hợp đồng. Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng thông tin, trên thực tế, phí trả nợ trước hạn hay các loại phí phạt khác thực chất là biện pháp chế tài vi phạm hợp đồng tín dụng của người vay để bù đắp chi phí trả lãi huy động vốn của tổ chức tín dụng trong thời gian họ sắp xếp đưa số tiền này ra cho vay khách hàng khác. Vì vậy, việc thu các loại phí của các nhà băng không trái với quy định pháp luật hiện hành.
Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng Đại Dương khẳng định các ngân hàng được phép thu phí trả nợ trước hạn theo Thông tư số 05/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Còn việc thu mức phí bao nhiêu là tùy thuộc vào từng ngân hàng và do người vay thỏa thuận với ngân hàng. Điều quan trọng là khách hàng cần hỏi cụ thể, rõ ràng trước khi ký hợp đồng để tránh bị thiệt thòi.
Hoài Thương
(Nguồn: VnExpress – Ảnh: Kredist – Tựa do BeRich đặt lại)