Dấu hiệu cho thấy tài chính của bạn thuộc nhóm trung bình và cách cải thiện

Có rất nhiều số liệu thống kê bình quân giúp chúng ta nhận diện được các xu hướng. Chiều cao trung bình của người phụ nữ ở Mỹ là 162.56 cm, tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 78,74 năm. Một đứa trẻ 4 tuổi hỏi trung bình 437 câu mỗi ngày – Ok, đây thực ra là 1 lời đồn, nhưng thử dành một buổi chiều với một triết gia nhí, có khi số liệu này lại đúng thực tế hơn chúng ta nghĩ.

Khi nói đến tài chính cá nhân, nhắm đến mức trung bình lại là điều mà bạn muốn tránh trong hầu hết các trường hợp.

(Những số liệu thống kê đề cập sau đây với người Mỹ, bạn đọc có thể chia cho 10 để ước lượng mức tương đương với người Việt, dựa trên chênh lệch mức sống giữa 2 nước) Dữ liệu từ cuộc điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2014 liệt kê mức lương trung bình của người Mỹ là hơn 70,000 đô, nhưng cũng theo các chỉ số bình quân thì người Mỹ đang có cuộc sống khá bấp bênh về khía cạnh tài chính. Trung bình mỗi hộ gia đình nợ 132,000 đô. Một người trong độ tuổi từ 55 đến 64 tuổi chỉ có khoảng 104,000 đô để nghỉ hưu. Trung bình mỗi người dân không có tới 500 đô trong tài khoản tiết kiệm phòng những trường hợp khẩn cấp.

Nếu bạn đang trong tình trạng kiếm được bao nhiêu sử dụng hết bấy nhiêu, không thể trả hết nợ thẻ tín dụng mỗi tháng, hoặc bỏ bê khoản tiết kiệm hưu trí của mình thì rất có thể bạn đang nằm trong nhóm trung bình như trên. Dưới đây là một vài điều bạn cần tập trung để cải thiện tình hình tài chính tốt hơn mức tàm tạm hiện tại.

1. Trả hết nợ và luôn giữ các khoản nợ ở mức thấp nhất

Cải thiện tỷ lệ tiết kiệm thật sự là một việc khó khi bạn đang quen với lối sống vượt quá thu nhập nhờ vay mượn. Tiếp tục gia tăng chi tiêu sẽ khiến bạn khó khăn trong việc dành dụm tiết kiệm. Loại bỏ được các khoản nợ thẻ tín dụng hàng tháng, khoản vay tiêu dùng hoặc vay mua xe sẽ giúp bạn có một khoản tiền dư, đồng thời tránh được các chi phí phát sinh như lãi vay hay phí phạt thanh toán trễ. Ngoài ra việc này còn giúp bạn giảm căng thẳng khi phải tính toán quản lý các khoản này hàng tháng.

Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp, lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm để có thể chi trả cho các hạng mục lớn từ tiền tích lũy… sẽ giúp bạn hạn chế được việc vay mượn để đáp ứng cho lối sống của mình. Thoát khỏi trạng thái nợ nần là một bước ngoặc giúp bạn cải thiện tình hình tài chính.

2. Trở thành người biết tiết kiệm hợp lý

Có thể hiện tại bạn không thể trích ra 60% thu nhập của mình để tiết kiệm ngay lập tức như Blogger trên trang DistillsDollar.com đã thực hiện. Trên thực tế, thói quen tiết kiệm của Matt được thiết lập và cải thiện trong suốt 3 năm. “Chúng tôi bắt đầu tiết kiệm với mức 10% thu nhập,” ông nói.

Bằng việc xem xét các biện pháp cắt giảm những chi tiêu đơn giản như tự giặt giũ hoặc nấu ăn ở nhà, Matt đã có thể thực hiện nhiều điều chỉnh hữu ích. Anh chuyển đến một căn hộ nhỏ hơn gần cơ quan để có thể đi bộ và cắt giảm thêm phần nào chi phí đi lại. Ít chi phí hơn đồng nghĩa với Matt có thể giữ lại nhiều hơn số tiền mà mình kiếm được.

Khi mà bạn dành 10% từ thu nhập của mình để tiết kiệm (không bao gồm khoản tiết kiệm hưu trí) thì bạn đã thực hiện được tốt hơn so với những người trong nhóm trung bình.

3. Học cách đầu tư

Rủi ro mất tiền là điều mà người bình thường khó chấp nhận được, nên cũng dễ hiểu tại sao nhiều người né tránh đầu tư. Nhưng học cách đầu tư là một trong những điều bắt buộc nếu bạn muốn thoát khỏi tình trạng tài chính tàm tạm.

Hilary Hendershott, nhà hoạch định tài chính và đồng thời là chủ nhân kênh podcast The Profit Boss, cho rằng hầu hết mọi người chưa tận dụng các kênh đầu tư hưu trí  (quỹ hưu trí, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm xã hội…).

Ngoài việc tối đa hóa lợi nhuận của những lựa chọn đầu tư có ưu đãi hoãn thuế, bạn có thể bắt đầu đặt chân vào thế giới đầu tư bằng cách trao đổi, đặt câu hỏi về những vấn đề bạn muốn biết với các cố vấn tài chính (chuyên viên tư vấn đầu tư) để hiểu rõ hơn kênh đầu tư bạn sắp tham gia. Mặt khác chủ động trang bị thêm kiến thức cho mình qua các khóa học và sách tham khảo…

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

4. Hài lòng với những gì mình đang có

Khi chúng ta sống một cuộc sống vượt khả năng của mình bằng cách lạm dụng vay mượn thì việc thiếu sự hài lòng với những gì mình đang có có thể là một nguyên nhân. Theo khảo sát của Harris vào năm 2016, chỉ số Hạnh phúc của người Mỹ chỉ đạt 31 trên tổng thang điểm 100. Chỉ số này hiện đang giảm nhẹ nhưng qua các năm thì tương đối ổn định ở mức thấp, trong khoảng xấp xỉ 30.

Hãy nên hài lòng với những gì hiện có cho đến khi bạn có thể tiết kiệm và chi trả các món đồ mình muốn bằng nguồn lực của mình. Điều này sẽ giúp bạn tránh được việc quá tải về tài chính và luôn cảm thấy không hạnh phúc như rất nhiều người xung quanh.

nhom-trung-binh_Asapscience

5. Kiểm soát các mối quan hệ

Bàn về những mối quan hệ xung quanh, có một đúc kết nổi tiếng của Jim Rohn như thế này: “Bạn là trung bình của năm người mà bạn thân thiết nhất”. Rohn, một doanh nhân thành đạt và diễn giả truyền cảm hứng, đã dựa vào quy luật trung bình để đưa ra đúc kết này. Đó là, kết quả của 1 tình huống là trung bình của tất cả kết quả tiềm năng.

Nếu lý thuyết trên là chính xác, thì để cải thiện tài chính của mình, bạn hãy bắt đầu kết giao với những người có trách nhiệm về tài chính. Thử suy nghĩ về điều này. Nếu bạn gái của bạn được biết đến với những kế hoạch du lịch ngẫu nhiên vào giờ chót, còn bạn thường có xu hướng chiều theo, thì những chuyến đi này có thể góp phần vào sự bất ổn tài chính của bạn. Nếu gia đình bạn thường tiêu xài cho các mặt hàng xa xỉ mà không quan tâm đến khả năng thanh toán, thì bạn cũng có khả năng bị cuốn vào lối sống lạm chi đó.

Liệu ta có nên ngó lơ bạn bè hoặc gia đình mình khi họ chi tiêu quá mức? Điều này không thực tế tí nào. Thay vào đó, thử dành thời gian với những người ít có trách nhiệm tài chính theo cách của mình. Hãy mời họ đến các sự kiện và các chuyến dã ngoại phù hợp với ngân sách cho phép. Trong khi đó, dành nhiều thời gian cho những người tôn trọng và hỗ trợ hành trình cải thiện tình hình tài chính của mình. Tìm kiếm các nhóm bạn như câu lạc bộ đầu tư hoặc các buổi tọa đàm về chủ đề tài chính để có dịp gặp gỡ những người có cùng suy nghĩ. Bằng cách này, bạn có thể cân bằng các ảnh hưởng tài chính tiêu cực.

(Toni Husbands, cây bút tài chính cá nhân ở Chicago, IL, đã vượt qua khó khăn với món nợ tiêu dùng 107.000 đô. Bài viết của cô được đăng tải trên Yahoo Finance và CreditCards.com. Cô cũng đóng góp những lời khuyên về tiền bạc cho một phân mục hàng tháng trên Business First AM… – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: AsapScience)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH