Dạy trẻ tiêu tiền vì chính mình (bài trên báo Dân Trí)

Giáo dục cách suy nghĩ đúng và căn bản về tiền bạc, cách sử dụng đồng tiền và hành xử với tiền bạc có ảnh hưởng rất lớn đến thành công, thất bại, tương lai của mỗi người.

Bài trên báo Dân Trí: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/day-tre-tieu-tien-vi-chinh-minh-693525.htm

Ngày 8/1/2013, Bộ GD-ĐT đã chủ trì hội thảo bàn về việc đưa chương trình giáo dục kiến thức và kỹ năng kinh doanh vào bậc trung học. Đây là ý tưởng hay, phù hợp xu thế phát triển kinh tế cũng như chuẩn bị tốt tinh thần doanh nhân cho thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước. Dưới giác độ của người làm trong lĩnh vực tài chính, thiết nghĩ, nếu có định hướng dạy kinh doanh cho học sinh trung học thì cũng nên nghĩ đến việc triển khai đào tạo quản lý tài chính cá nhân cho học sinh từ tiểu học.

Tiêu tiền vì chính mình và vì tương lai kinh tế đất nước

Trong bức thư nổi tiếng của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng có nhắc đến đoạn: “…xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đôla nhặt được trên hè phố…”. Tuy chưa nói trực tiếp đến vấn đề dạy con tiêu tiền, tổng thống Lincoln đã đề cập đến việc dạy trẻ hiểu về giá trị của tiền bạc.

Ở các nước phát triển, khái niệm thu chi, cân bằng tài chính là khái niệm rất căn bản mà gần như người nào cũng biết, trong sổ tay cá nhân in và bán đại trà tại các nhà sách thường có những trang về thu chi hàng ngày, tuần, tháng, quý, năm cho người mua sử dụng.

Dù muốn hay không, đồng tiền luôn gắn liền với cuộc sống của mỗi người chúng ta bất kỳ màu da hay quốc gia nào. Có khái niệm và biết quản lý đồng tiền chắt chiu của cha mẹ nuôi lớn ta, đồng tiền mồ hôi nước mắt mà ta kiếm được sẽ giúp ta trang trải cuộc sống và lại dành dụm tiền bạc cho nhu cầu tương lai hay cho việc chăm sóc, học hành của con cái sau này là điều tốt mà ai cũng muốn.

Ngày nay, không ít người chỉ biết vế sau của câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng ít người biết vế đầu “Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chính tâm”. Muốn thành người có ích cho xã hội, trước hết cần Nhận thức tự nhiên để thành người Hiểu biết, hơn thế nữa cần Thành ý, Chính tâm để làm cơ sở Tu thần từ đó mới đển những điều lớn lao hơn. Dạy trẻ hiểu giá trị của tiền, ứng xử có văn hóa với đồng tiền, theo tôi là nền tảng quan trọng để trẻ làm chủ đồng tiền, làm cho cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc. Kiến thức về tiêu dùng, thu chi, ứng xử với đồng tiền… thường được biết đến với tên gọi tài chính cá nhân (TCCN).

day tre bao dan tri

Học trò Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM học về quản lý tiền bạc. (Ảnh: Hoài Nam)

Chúng tôi đã gặp nhiều người tốt nghiệp đại học kinh tế mà không đọc và hiểu được bản cân đối thu chi, nhiều em làm tài chính kế toán, làm chật vật mà vẫn phân loại sai định phí và biến phí… hẳn nhiên số đông còn khó hơn nhiều. Vì vậy, giáo dục cách suy nghĩ đúng và căn bản về tiền bạc, cách sử dụng đồng tiền và hành xử với tiền bạc có ảnh hưởng rất lớn đến thành công, thất bại, tương lai của mỗi người.

Ở các nước tiên tiến, các nhà giáo dục và xã hội đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục TCCN cho trẻ em và đã sớm đưa vào chương trình đào tạo chính thức và trong các giáo dục thường thức hàng ngày.

Theo U.S. Money, đến tháng 10/2012 đã có 13/50 bang của Mỹ có luật yêu cầu học sinh trung học phải học môn TCCN mới có thể tốt nghiệp.

Ít ai biết được, với vai trò tương đương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là đầu tàu trong việc giáo dục TCCN cho người dân. FED có một hệ thống website riêng phục vụ cho việc giáo dục cộng đồng về kiến thức tài chính nói chung và tài chính cá nhân nói riêng (federalreserveeducation.org). Tài nguyên của website được biên soạn công phu cho nhiều đối tượng khác nhau: dùng trong lớp học cho từng nhóm cấp lớp (5-10 tuổi, 10-14 tuổi, 14-18 tuổi), dùng cho đối tượng đại trà. Các nhà nghiên cứu của FED còn tinh tế đến mức thiết kế cả kho trò chơi và giả lập (games and simulations) cho từng nhóm cấp lớp để học sinh có thể tiếp thu dễ dàng hơn. Trong bộ giáo trình “Bankers in the classrooms” được biên soạn để các ngân hàng đến dạy tại trường học, trang đầu tiên trích dẫn rất trang trọng lời của Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang rằng “Việc định hướng tài chính cho thanh niên của nước nhà rất cần thiết cho hạnh phúc của chính họ và là điều quan trọng sống còn cho tương lai kinh tế của đất nước”.

Bộ Giáo dục Anh đang xem xét để đưa giáo dục tài chính cá nhân trở thành bắt buộc, và đây là một phần của chương trình giáo dục đổi mới sẽ được công bố vào 9/2014.

Tài chính cá nhân là một nền tảng quan trọng

Ở Việt Nam, TCCN chưa được chính thức dạy trong nhà trường thậm chí cả ở nhiều môi trường học và làm việc khác. Chúng ta dường như sai khi chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý tiền bạc cho đến lớn, có lẽ vậy mà nhiều cá nhân, thậm chí cả xã hội còn rất nhiều người nghèo.

Đặc biệt khi tình hình kinh tế khó khăn, việc kiếm tiền trở nên vất vả hơn, mà không biết quản lý TCCN thì tiêu đúng hay giữ được lại càng khó hơn nữa. Thực trạng đó nhắc đến tính cần thiết thậm chí cấp bách về việc dạy và học về quản lý TCCN.

Một số đơn vị đã có những bước đi đầu tiên trong việc đưa giáo dục TCCN đến với học sinh. Ngày 27/4/2011, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Quỹ Citi Foundation và Tổ chức Save the children tổ thức hội thảo “Giáo dục tài chính cho thanh thiếu niên”. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD – ĐT TP.HCM cho biết: “Sở ủng hộ triển khai đại trà dự án “Giáo dục tài chính cho học sinh THPT” vì tính thiết thực cho học sinh.” Được biết, dự án “Giáo dục tài chính cho học sinh THPT” do Sở GD-ĐT TPHCM và tổ chức Save the children phối hợp thực hiện đang trong giai đoạn thí điểm tại 40 lớp học của 4 trường THPT nhằm cung cấp cho HS những kiến thức và kĩ năng về tiền và giá trị sống, tiết kiệm tiền, lập kế hoạch chi tiêu.

Từ tháng 10/2011, HSBC phối hợp với tổ chức Junior Achievement – một tổ chức phi lợi nhuận – xây dựng nội dung và triển khai cho một số học sinh tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5 tại Hà Nội và TPHCM nhằm giảng dạy những kỹ năng tài chính cơ bản để các em hiểu về các khoản thu nhập, chi tiêu, chia sẻ, tiết kiệm và xác định ngành nghề mà các em có thể khởi nghiệp kinh doanh phù hợp với lứa tuổi của các em thông qua các buổi học sinh động và các trò chơi tương tác.

Bên cạnh đó, có thể kể ra một số đơn vị đã có khởi xướng cho chương trình dạy TCCN: chương trình Finance for kids của công ty Beautiful Mind, chương trình miễn phí huấn luyện kỹ năng “Dạy con sử dụng tiền thông minh để thành đạt” do Cung văn hóa lao động TPHCM tổ chức…

Cá nhân tôi cùng một thân hữu là giảng viên đại học, cũng đã thử nghiệm đưa việc hướng dẫn và giáo dục quản lý chi tiêu trong chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho một số lớp ở ĐH Quốc gia TPHCM, được sinh viên rất nhiệt tình tìm hiểu. Chúng tôi đã yêu cầu sinh viên ghi chép lại chi tiêu của mình trong vòng 3 tháng, để hỗ trợ, các bạn sinh viên có thể sử dụng phần mềm ghi chép chi tiêu trên Berich.vn (do một nhóm sinh viên ĐH KHTN TPHCM phát triển). Nhiều bạn sinh viên tham gia khóa học tỏ ra khá hào hứng với nội dung môn học cũng như yêu cầu. Một SV cho biết nhờ áp dụng kiến thức học được, em đã tiết kiệm được tiền từ các khoản không cần thiết và có thể tự mua cho mình một đôi giày mới.

Thiết nghĩ, với định hướng của chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta sẽ cần trang bị cho người dân chúng ta mà bắt đầu là các em học sinh kiến thức về kinh doanh, về tinh thần doanh chủ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, chắc chắn kiến thức quản lý TCCN sẽ là một kiến thức nền tảng không thể thiếu vì nó không chỉ giúp việc xây dựng phẩm chất doanh nhân mà cũng là một kiến thức quan trọng để các em trở thành người biết làm chủ đồng tiền, là công dân tốt cho xã hội.

Cao Trần Liên Khiêm

Chuyên viên Ngân hàng, Nghiên cứu về Tài chính cá nhân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Bên cạnh các khóa học quản lý tài chính cá nhân cho người đi làm,

BeRich còn có các khóa học về giáo dục tài chính cá nhân cho trẻ em.

TRUY CẬP BERICH