Độc giả Cao Hòa, TP HCM gửi đến VnExpress.net những thắc mắc về mức lãi suất cao liên quan đến khoản vay tại công ty tài chính:
– Tôi đang làm công nhân, có vay số tiền 24 triệu đồng (trừ một triệu tiền bảo hiểm) của Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) kỳ hạn một năm rưỡi, theo hình thức trả góp, số tiền mỗi tháng đóng là 1,751 triệu đồng. Tôi đã đóng được 5 tháng, tổng cộng là 8,88 triệu đồng với lãi suất 5% một tháng. Sau đó, tôi xin thanh lý hợp đồng và số tiền mà tôi phải nộp là 24,2 triệu đồng.
Xin hỏi với mức lãi suất 5% mỗi tháng như thế này thì có phải là cho vay nặng lãi không? Trong khi đó, nhân viên đi phát tờ rơi chỉ ghi có 1,6 – 2,7% một tháng nhưng vay rồi thì lên tới 5%.
Đại diện VPB FC trả lời:
– Thông thường có những yếu tố sau đóng góp vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng khiến sản phẩm cho vay này cao hơn so với sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân tại các ngân hàng.
Thứ nhất là chi phí vốn của công ty tài chính cao do không có chức năng huy động vốn. Thứ hai là giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 – 8 tháng, thậm chí 4 – 5 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường. Thứ ba là do ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao, mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khi bóc tách các chi phí thì sẽ thấy mức lãi suất là hợp lý và lợi nhuận từ một khoản vay sẽ tương đối phù hợp so với chi phí mà công ty phải trả.
Hơn nữa, mức lãi suất cho vay của công ty tài chính được điều chỉnh cho nhiều đối tượng khác nhau tùy vào chất lượng hồ sơ khách hàng và mức rủi ro của khoản vay tín chấp. Mức độ rủi ro được xác định theo các tiêu chí: mức thu nhập, lịch sử tín dụng và đối tượng khách hàng…
Ngoài ra, hiện nay có hai định nghĩa về lãi suất mà khách hàng cần phân biệt là lãi suất tính trên dư nợ ban đầu và lãi suất tính trên dư nợ giảm dần. Chẳng hạn như trong câu hỏi của khách hàng, theo thứ tự là 1,6 – 2,7% một tháng (có thể được tính trên dư nợ ban đầu) và 5% mỗi tháng (dư nợ giảm dần). Cần lưu ý rằng đây không phải là mức lãi suất cố định mà sẽ dao động tùy vào đối tượng khách hàng như đã giải thích ở trên. Hai mức lãi suất này có sự khác biệt với nhau do phương pháp tính, nhưng thực tế, khoản vay khách hàng cần thanh toán là như nhau.
Đại diện VPB FC cho biết thêm, tùy theo sản phẩm muốn mua, người vay có thể chọn lựa khoản vay có giá trị và thời hạn thanh toán phù hợp với tình hình tài chính cá nhân. Để đảm bảo khoản vay an toàn, người tiêu dùng nên lựa chọn công ty tài chính uy tín, có chính sách cho vay trách nhiệm (minh bạch mức lãi suất, các loại phí khi sử dụng dịch vụ, số tiền khách hàng cần góp mỗi tháng và thời hạn trả góp).
Ngoài ra, người tiêu dùng cần đọc kỹ hợp đồng tín dụng và đảm bảo hiểu rõ các điều khoản được nêu trong hợp đồng trước khi đặt bút ký. Khi vướng phải bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình yêu cầu khoản vay tiêu dùng, bao gồm thuật ngữ tài chính, khách hàng có thể yêu cầu nhân viên tư vấn trực tiếp giảng giải để hiểu rõ những nội dung mình sẽ đặt bút ký.
Điều cần quan tâm nữa là trước khi quyết định vay, khách hàng cần đặt các câu hỏi sau để đảm bảo khả năng thanh toán của chính mình.
Thứ nhất là thu nhập sau khi trừ đi các chi phí có đủ thanh toán cho khoản trả góp mỗi tháng? Bởi người có ý định vay cần tính toán thu nhập và các chi phí sinh hoạt thường kỳ. Chi phí sinh hoạt bao gồm: các khoản chi phí thiết yếu cần trả, học phí, ăn uống, nhà ở, các khoản trả góp khác… Khoản thu nhập còn lại là số tiền sau khi lấy tổng thu nhập trừ đi các chi phí sinh hoạt thường kỳ. Khách hàng có thể tham khảo nguyên tắc số tiền trả góp của khoản vay mới không nên vượt quá 50% thu nhập còn lại.
Thứ hai là tình hình tài chính của mình có ổn định hay không? Khách hàng bắt buộc phải thanh toán tất cả các khoản trả góp từ tháng đầu tiên của hợp đồng tín dụng cho đến hết kỳ thanh toán cuối cùng. Do đó, thu nhập ổn định trong thời gian trả góp là điều quan trọng để đảm bảo khả năng thanh toán.
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của khách hàng trong thời gian này: thu nhập của họ có mang tính thời vụ hay không? Tình hình tài chính của công ty nơi mà họ đang công tác, thị trường lao động có tốt và có dễ tìm việc mới hay không?
Cuối cùng là hỏi xem mình có cần khoản vay này? Có nhất thiết phải vay tiêu dùng hay không? Bởi các khoản vay tiêu dùng giúp giải quyết nhu cầu tài chính gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng mỗi khoản vay là một cam kết dài hạn. Nó yêu cầu khách hàng cần có tính kỷ luật trong quản lý tài chính và thực hiện các khoản thanh toán thường kỳ trong nhiều tháng, hay thậm chí nhiều năm. Vì thế, khách hàng cần cân nhắc xem khoản vay tiêu dùng đang yêu cầu có đáng để trả góp trong dài hạn hay không.
(Nguồn: VnExpress)