Thẻ tín dụng đang ngày càng phổ biến bởi tính tiện ích của nó, nhưng nếu không cẩn trọng, chủ thẻ rất dễ trở thành con nợ.
Mua sắm tiết kiệm
Chị Thanh Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dùng thẻ tín dụng của HSBC mua một máy lạnh trị giá 20 triệu đồng tại một trung tâm điện máy lớn. Do sử dụng thẻ tín dụng thanh toán, ngoài được giảm 4 triệu đồng (tương đương 20% giá trị tủ lạnh) theo chương trình của trung tâm, chị Tâm còn được giảm thêm 5% trên số tiền 16 triệu đồng theo chương trình của ngân hàng (tức 800.000 đồng). Chiếc máy lạnh trị giá 20 triệu đồng nay chị Tâm chỉ phải trả 15,2 triệu đồng, tiết kiệm được 24%. Theo quy định, nếu chị Tâm trả lại ngân hàng số tiền này trong vòng 45 ngày sẽ không bị tính phí, lãi suất phát sinh, nhưng ngân hàng đang triển khai chương trình không thu lãi suất, chi phí cho hình thức trả góp trong vòng 12 tháng, vì vậy chị Tâm có thể góp hằng tháng cho ngân hàng với số tiền hơn 1,266 triệu đồng/tháng.
Ngoài mua sắm hàng điện máy, dịp cuối năm một số ngân hàng còn triển khai chương trình ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng khi thanh toán tiền ăn uống, mua quần áo… Đại diện một ngân hàng đang tổ chức chương trình ưu đãi cuối năm cho biết, dù chỉ mới “chạy” chương trình được hơn 3 tuần nhưng đã thu kết quả khả quan do đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Số lượng người đến đăng ký làm thẻ trực tiếp tại phòng giao dịch tăng hơn 50% so với kế hoạch; lượng đơn được chấp nhận mở thẻ cũng tăng hơn 10% so với dự kiến và tăng 15% so với tháng 12.2012 – tháng cao điểm nhất trong năm cho việc kinh doanh thẻ tín dụng; lượng tiền chi tiêu qua thẻ cũng tăng 10% so với tháng 12.2012.
Những lưu ý
Tiện ích nhiều, nhưng “thượng đế” cũng cần lưu ý khi dùng thẻ tín dụng. Trước khi mở thẻ, khách hàng cần tìm hiểu mức phí phải trả cho ngân hàng. Mỗi ngân hàng tính một mức phí khác nhau, nhưng thường cao hơn các loại thẻ khác. Chẳng hạn, mức phí thường niên từ 200.000 – 900.000 đồng tùy loại thẻ tín dụng chuẩn, vàng…; phí rút tiền mặt 4% tổng số tiền rút (một số ngân hàng quy định mức tối thiểu 60.000 đồng). Trong trường hợp ngân hàng tính lãi suất khi quá 45 ngày, lãi suất vay trên thẻ cũng cao các phương thức vay bình thường, khoảng 2 – 2,5%/tháng (tương đương 24-30%/năm). Nếu khách vượt quá hạn mức tín dụng, ngân hàng sẽ tính phí 0,075%/ngày (tối thiểu 50.000 đồng), tương đương 2,25%/tháng…
Việc dùng thẻ tín dụng để giải quyết nhu cầu mua sắm cấp bách chỉ nên xem là giải pháp tạm thời, tránh lạm dụng. Đặc biệt, không ít chủ thẻ là nữ nghiện mua sắm, khi có trong tay thẻ tín dụng như được “thêm cánh”, thỏa thích mua những hàng hóa, dịch vụ mà mình ưa thích… đến khi nhận thông báo từ ngân hàng với số tiền thâm thủng mới “giật mình tỉnh giấc” thì đã muộn. Chị Vân, trưởng phòng một công ty ở Q.4, TP.HCM, tâm sự: “Thu nhập của tôi là 20 triệu đồng/tháng. Vừa rồi nghe theo mấy đứa bạn rủ mua tour qua Hồng Kông mua đồ, ham đồ đẹp và rẻ, tôi mải mê quẹt thẻ với số tiền lên đến 60 triệu đồng. Về nước, mấy tháng nay phải gác hết các sở thích mua sắm, tụ tập ăn uống để tập trung trả nợ ngân hàng, thật oải!”…
Hạn chế rút tiền từ ATMTheo thông tin từ một tổ chức thẻ tín dụng quốc tế, để không rơi vào tình trạng nợ nần, chủ thẻ không nên lạm dụng thẻ mua hàng hóa, dịch vụ nếu không cân đối được nguồn tiền trả nợ đúng hạn. Cuối mỗi tháng, chủ thẻ nên thanh toán toàn bộ các khoản tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng để không phát sinh các khoản lãi phải trả cho ngân hàng. Ngoài ra, người Việt thường có thói quen dùng thẻ để rút tiền từ máy ATM, điều này là không nên vì phí rút tiền từ thẻ tín dụng tính khá cao. |
Thanh Xuân
(Nguồn: Thanh Niên)