Thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhiều sinh viên (SV) rơi vào tình cảnh thiếu hụt tiền bạc triền miên.
Có tiền cũng… thiếu
Tân, SV năm nhất được gia đình gửi cho mỗi tháng 3 triệu đồng. Tuần thứ nhất, khi mới nhận được tiền, Tân tự chiêu đãi mình bữa ăn thật ngon. Tuần thứ hai, anh chàng sắm sửa áo quần đi chơi với bạn bè trong lớp mới. Tuần thứ ba, mặc dù gần hết tiền nhưng Tân cũng ráng mua món quà sinh nhật tươm tất dành cho bạn gái. Tuần thứ tư, anh chàng đành cầm cự bằng cách ăn mì gói qua ngày… Đó là nội dung phản ánh của nhóm thí sinh F4 – Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng trong tác phẩm đạt giải nhất cuộc thi sáng tác video với chủ đề “Kỹ năng quản lý tài chính” dành cho SV.
Sinh ra trong một gia đình giàu có, hằng tháng Thu Hương (ngụ TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, hiện là SV ĐH Quốc gia TP.HCM) được gia đình chu cấp trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, cứ sau khoảng 2 tuần, Hương thường nhăn nhó than hết tiền và xin viện trợ thêm. Một người bạn sống cùng nhà trọ với Hương quả quyết: “Cho dù cha mẹ Hương có cho đến 20 triệu – 30 triệu đồng/tháng đi nữa, cô ấy cũng vẫn bị “viêm màng túi” như thường. Hương có thói quen thích gì mua nấy, chẳng màng quan tâm đến việc chúng hữu ích với mình hay không”.
Thạc sĩ Bùi Trọng Giao, chuyên gia huấn luyện các chương trình Tổ hợp Giáo dục CML và là người đồng hành thực hiện chuỗi hoạt động quản trị tài chính cá nhân tại 20 trường ĐH, CĐ ở TP.HCM đã nhận xét: “Đa số SV thiếu trầm trọng kỹ năng hoạch định cuộc đời nói chung, trong đó có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Do đó, các bạn thường sống trong tình trạng bị động, được chăng hay chớ”. Thạc sĩ Giao nhấn mạnh: “Vấn đề không phải ở chỗ bạn có nhiều hay ít tiền mà chính là ở khả năng quản lý tài chính cá nhân của bạn như thế nào”.
Chi tiêu thông minh
Thi Hường, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay: “Mỗi tháng, chi phí trung bình của một SV khoảng từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng, gồm cả mức học phí trường công”. Theo Hường, trong 3 tháng đầu, SV năm nhất rất “xót ruột” khi phải tiêu tốn nhiều tiền để sắm sửa đồ đạc phòng trọ. Hường bộc bạch: “Cha mẹ em ở quê làm rẫy nuôi 3 con ăn học nên sự chu cấp có giới hạn. Em thường tiết kiệm bằng cách xem cái gì thật cần thiết và hợp túi tiền mới mua, rồi tự nấu ăn…”.
Nhóm thí sinh F4 Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đã rút ra một kinh nghiệm đáng tham khảo: “Càng ước đoán chi tiêu vào đầu mỗi tháng chính xác bao nhiêu thì số tiền tiết kiệm được càng nhiều”.
Theo thạc sĩ Bùi Trọng Giao, để quản lý tài chính cá nhân, trước hết mỗi người cần lập kế hoạch về những nguồn thu (chủ động và thụ động) và các khoản chi của mình. Trong các khoản chi, nhất thiết phải để lại một khoản dự phòng để đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. “Hầu như SV nào cũng nhận ra thực tế “khủng khiếp” sau khi lập bảng thu – chi, vì các khoản chi luôn cao hơn nhiều lần so với khoản thu”, ông Giao nói.
Ông cũng đưa ra một số giải pháp giúp bạn trẻ có thể cân đối lại chi tiêu, như: tiêu dùng thông minh (chẳng hạn tự nấu ăn thay vì ăn hàng quán…); học một số kỹ năng để kiếm tiền một cách chính đáng và phù hợp; học cách quản trị thời gian; thay đổi thói quen, thái độ, tâm lý về chi tiêu… “Đa phần bạn trẻ hiện nay thích có nhiều tiền nhưng lại không coi trọng đồng tiền, tiêu xài phung phí. Các bạn cần có thái độ đúng là trân trọng đồng tiền bởi đó là kết tinh của mồ hôi nước mắt, là thước đo giá trị sức lao động. Từ trân trọng, bạn sẽ tạo ra những đồng tiền chân chính và chi tiêu một cách có kiểm soát”, thạc sĩ Giao lưu ý.
Như Lịch
(Nguồn: Thanh Niên)