Lập quỹ tiết kiệm tại gia

Bước vào năm mới, mọi người đều mong muốn gia đình mình có sức khỏe và tài chính tốt hơn. Để đảm bảo mục tiêu tài chính, bạn nên lập kế hoạch ngay từ bây giờ, trong đó bao gồm cả việc xây dựng một quỹ tiết kiệm tại nhà để phục vụ những mục tiêu khác của gia đình.

Tiết kiệm từ đầu tháng

Với những gia đình đi làm có tiền lương ổn định hằng tháng hay thậm chí với những người kinh doanh, thì mục tiêu đặt ra đến cuối năm thường là sẽ để dành được bao nhiêu tiền hoặc sẽ mua sắm được cái gì? Bạn cũng nên đặt ra mục tiêu cụ thể cho bản thân mình và gia đình thì khả năng thành công sẽ cao hơn, thay vì chỉ nói suông. Khi xác lập một mục tiêu, từ đó sẽ quyết định cần tiết kiệm bao nhiêu một tháng để đạt được mục tiêu đó. Đây là cách mà nhiều cặp vợ chồng trẻ, dù thu nhập không cao nhưng sau nhiều năm họ vẫn tích cóp được tiền để mua nhà và sắm vật dụng trong gia đình. Chị Thu Hồng, một nhân viên văn phòng tại Q.Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: “Thu nhập của hai vợ chồng tôi chỉ khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng. Từ khi mới cưới nhau, mỗi tháng chúng tôi quyết tâm tiết kiệm 3 – 4 triệu đồng. Tháng nào có thêm thu nhập thì để dành hết khoản thêm đó. Mức tích lũy này tính ra không nhiều, nhưng cố định hằng năm chúng tôi đều có một khoản vài chục triệu đồng. Sau gần chục năm, tiền tích lũy tăng dần và hai vợ chồng cố gắng vay mượn thêm người thân để mua được căn hộ gần 1 tỉ đồng”.

Tuy nhiên, một số người lại không kiên nhẫn được như chị Hồng nên cũng khó đạt được mục tiêu đề ra. Theo chị Ngọc (ngụ Q.3, TP.HCM), vì nhà có 2 con nên dù thu nhập của hai vợ chồng đến hơn 20 triệu đồng/tháng nhưng hầu như chị không để dành được bao nhiêu. “Sau nhiều năm “trắng tay”, nhất là những lúc con ốm phải đi vay tiền…, tôi quyết tâm lập quỹ tiết kiệm. Ngay khi nhận lương, tôi đều trích riêng 5 triệu đồng vào quỹ tiết kiệm này mà không chờ đến cuối tháng như trước. Để tiền đến cuối tháng đôi khi lại chi tiêu vào rất nhiều việc mà quên mất là phải bỏ vào quỹ tiết kiệm. Vì vậy, tôi thấy nên trích hẳn tiền tiết kiệm ngay từ đầu tháng, số tiền còn lại buộc phải chi tiêu đúng theo kế hoạch đã đưa ra”.

lập quỹ tiết kiệm

Kiểm soát chi tiêu

Một việc đơn giản khác mà có thể nhiều người bỏ qua vì cho rằng nó quá vụn vặt là liệt kê danh sách những món chi tiêu cố định hằng tháng. Thậm chí, có thể đưa vào danh sách này cả những việc dự kiến xảy ra như tiệc cưới, thôi nôi, sinh nhật… mà bạn hoặc chồng/vợ có thể được mời bất ngờ trong tháng. Thỉnh thoảng, bạn nên rà soát danh sách xem có những khoản nào mình đang chi tiêu quá trớn hay vượt khỏi ngân sách gia đình hay không. Điều đó sẽ giúp bạn đảm bảo được chi tiêu của mình trong điều kiện tài chính eo hẹp nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, điều này sẽ không khiến bạn phải bối rối khi bắt gặp hàng loạt hóa đơn cần thanh toán như truyền hình cáp, điện thoại, điện, nước, tiền học cho con… Anh Phong, sống tại Q.7, TP.HCM, cho biết tháng đầu tiên sau khi lên kế hoạch chi tiêu cho cá nhân và cả nhà, mọi người cảm thấy gò bó, khó chịu vì trước đây quen kiểu tùy hứng, thích gì mua đó hay cuối tuần thích thì ra ngoài ăn uống. “Sau gần nửa năm kiên quyết thực hiện, đến nay mọi việc đều suôn sẻ và cũng không ảnh hưởng đến bất cứ sinh hoạt nào trong gia đình” anh Phong nói.

Một chuyên gia tư vấn tín dụng cho biết, tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu là những cách khá đơn giản, có thể áp dụng cho tất cả mọi người, mọi gia đình dù thu nhập nhiều hay ít. “Đó cũng là cách đơn giản nhưng hiệu quả mà các nhà tư vấn tín dụng đưa ra cho những người muốn trả các khoản nợ đang gánh nặng trên vai”, vị chuyên gia này nói, nhưng cũng khuyến cáo: “Sau khi lập kế hoạch tiết kiệm hoặc lên danh sách chi tiêu trong tháng, cần tuân thủ nghiêm ngặt theo những nguyên tắc vàng đó để đảm bảo kế hoạch thành công”.

Thảo Vy

(Nguồn: Thanh Niên)

TRUY CẬP BERICH