Phong tục ngày Tết: Lễ chùa, đình, đền

Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Và nhân dịp này người ta thường xin quẻ đầu năm.

Khi đi lễ, người ta kén giờ và kén hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp sự may mắn quanh năm. Ngày nay, người ta đi lễ nhưng ít người kén giờ và kén hướng.

Hái lộc

Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là lấy lộc của trời đất phật thần ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá sum suê, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc.

Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. Với tin tưởng lộc hái về trong Ðêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, người Việt Nam trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn.

Về tục xuất hành cũng như tục hái lộc, có nhiều người không đi trong Ðêm giao thừa, mà họ kén ngày tốt giờ tố trong mấy ngày đầu năm và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để có thể có được một năm hoàn toàn may mắn.

1_reference

Hái lộc đầu năm – Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Hương lộc

Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu bằng các đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ công ở nhà.

Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa tự các nơi thờ tự mang về, tức là xin phật thánh phù hộ cho được phát đạt tốt lộc quanh năm. Trong lúc mang nắm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nắm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.

(ST – Đặng Chi)

TRUY CẬP BERICH