Rộn rã đón xuân bên cánh mai vàng, bên cành đào thắm, bên mâm ngũ quả, còn hiện diện một loại trái cây không thể thiếu: Dưa hấu. Ruột đỏ ẩn bên trong lớp áo xanh – quả dưa tròn căng, mọng nước – được bày trang trọng trên bàn thờ.
Ngày đầu xuân, trái dưa bổ đôi , màu đỏ ngọt ngào như lời chúc một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc.
Màu sắc dưa hấu cũng nói lên sự hưng thịnh ít nhiều của gia chủ trong năm. Người ta tin rằng, nếu trái dưa hấu đầu năm mà ruột đặc, màu đỏ tươi, mọng nước, ngọt lịm thì đó là báo hiệu một năm tuyệt vời. Bởi thế, mua dưa hấu bày Tết phải rất thận trọng… vì nhiều người coi như đó là quẻ bói đầu năm.
Ngày Tết, có miếng dưa hấu, như chiếc thuyền rồng sơn son mịn cát lóng lánh, ăn vào thì còn gì tuyệt bằng, nhất là khi đã chán thịt mỡ, bánh chưng, bánh kẹo. Với người phương nam, dưa hấu làm dịu cơn khát, làm mát lòng người.
Thơm nhất, ngọt nhất là dưa có “quê” ở châu Á, đặc biệt là vùng Nam và Đông Nam Á – nơi mà nắng gió gần như quanh năm, chủ yếu với hai màu khi chín: đỏ tươi và màu vàng, còn vỏ cũng có màu xanh và màu vàng.
Ngoài mục đích khoái khẩu, dưa hấu ngày Tết có thể biến thành hình cắm hoa nhờ đôi bàn tay khéo léo của bạn. Bạn cũng có thể bổ đôi quả dưa, khoét ruột, cắt thành từng miếng nhỏ, vuông vừa ăn, và dùng ngay vỏ dưa làm tô đựng. Với trái dưa bày trên mâm ngũ quả ngày Tết, bạn đừng quên dán thêm lên những chữ Hán (chọn nền vàng, chữ đỏ để nổi bật trên nền vỏ xanh) những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Cát… thật ý nghĩa.
Không những thế, theo phân tích của các nhà dinh dưỡng học, không có loại giải khát nào tốt hơn, tinh khiết hơn, quý hơn dưa hấu. Thứ quả ngon ngọt này không chứa bất cứ một hoạt chất gây hại nào đến cơ thể, và dường như chứa tới 100% thành phần nước giải khát hảo hạng. Vì vậy, không làm cho người mập phải đắn đo khi “”cắn miếng dưa hấu ngọt lịm””.
Món quả giải khát tuyệt vời ấy còn là một vị thuốc thanh nhiệt, tiêu khát. Trong trường hợp bị sốt cao ra mồ hôi do cảm nắng, trúng nóng, việc dùng nước ép thịt quả dưa hấu làm thuốc uống sẽ giúp mau khỏi. Những người say rượu, nếu được uống nước ép thịt quả dưa hấu, hoặc ăn mấy miếng dưa là giã rượu ngay.
Hầu như mọi bộ phận của quả dưa hấu (vỏ dưa, cùi dưa… ) đều có thể làm thuốc chữa bệnh. Lớp vỏ xanh, trắng của quả dưa hấu (tây qua bì) tính hàn, vị ngọt, có thể chữa các chứng cảm nắng, cảm nóng, phát sốt… Dân gian thường dùng cùi trắng (gọt sạch lớp vỏ xanh phía ngoài) ngâm nước vôi trong 5-6 giờ, vớt ra rửa kỹ bằng nước sạch, tráng lại bằng nước đun sôi để âm ấm (50-60 độ C), rồi đem thái chỉ hoặc nạo nhỏ, thêm nước đường, đổ cùi dưa vào, múc ra bát để nguội, làm món ăn giải khát, giải nhiệt rất tốt. Cũng có thể lấy toàn bộ cùi dưa hấu (không gọt bỏ vỏ xanh) đem phơi khô, những khi cần thì sắc uống để làm thuốc giải nhiệt.
Cách chọn dưa hấu:
Muốn chọn quả dưa đỏ và ngọt thì phải chọn quả đủ già (trừ loại ruột vàng). Trước hết, cần xem:
– Cuống dưa: nhỏ, héo khô lại là dưa đã già. Cần để ý những quả dưa cuống héo do hái non nên cuống không teo lại.
– Núm dưa: Tròn đều, hơi lõm xuống.
– Vỏ dưa: căng tròn, láng bóng, các sọc đen phải nổi rõ. Nhấc quả dưa lên, dùng ngón tay ấn nhẹ vào vỏ, dưa tốt thì vỏ cứng.
– Đít dưa: Xem phần đít của quả dưa lớn hay bé (càng bé càng tốt), đồng thời, xem nó có lõm vào hay không. Lõm càng sâu dưa càng ngọt. Đối với quả dưa hình cầu cần chú ý: nếu lõm sâu thì thường là quả đã chín già.
– Phần giáp đất của quả dưa có vàng không, nếu càng vàng càng tốt. Nếu vỏ xanh và hơi vàng là dưa còn non.
Ngoài ra, để tránh dưa xốp vì quả già, cần chọn quả tròn đều, nặng tương xứng kích cỡ. Sau đó, đặt hoặc ôm trái dưa trên tay, lấy tay kia vỗ nhẹ lên quả, nếu nghe tiếng kêu là trầm đục là dưa chín, không bị xốp.
(ST – Hoài Nam)