Làng nghề ngày tết cũng nhiều, nhưng một trong những làng nghề được quan tâm nhiều nhất là làng nghề gói bánh trưng ngày tết, Có tiếng nhất là làng Tranh Khúc (H.Thanh Trì), cách gói rất riêng là làng bánh Lỗ Khê (H.Đông Anh). Xa xôi hơn, bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên) đậm đà hương vị của núi rừng Việt Bắc…
1. Làng bánh Tranh Khúc
Làng Tranh Khúc thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có lẽ được nhiều người biết tới nhất. Làng cung cấp tới 50%-60% số lượng bánh chưng cho thành phố Hà Nội không chỉ trong dịp Tết cổ truyền. Hầu như nhà nào tại làng cũng làm nghề bánh. Ngày thường thì làm bánh nhỏ bằng lòng bàn tay bán cho các quán làm món ăn sáng, một ít bánh to nếu khách có nhu cầu cưới hỏi…
Năm nay, theo một số người làm bánh lâu năm trong làng, giá mỗi chiếc bánh chưng vào khoảng từ 40.000-50.000 đồng (đắt hơn từ 10.000-15.000 đồng/cái so với năm ngoái). Nguyên nhân là vì giá nguyên liệu đầu vào từ chiếc lá gói bánh cũng tăng gấp đôi, đậu xanh lên tới 45.000 đồng/kg, gạo nếp 19.000 đồng/kg, than nấu bánh 1 triệu đồng/tấn (năm ngoái 500.000 đồng/tấn)…
Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng bởi sự lâu đời (làng nghề có tuổi khoảng 100 năm), cách làm bánh sạch sẽ, chất lượng bánh thơm ngon, dày dặn, bảo quản được lâu. Hiện tại, bánh chưng của làng có mặt ở khắp các siêu thị trong nội thành Hà Nội, được ép chân không, bảo quản được khoảng 1 tháng mà bánh vẫn xanh, dền, thơm ngon.
2. Làng bánh Lỗ Khê
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh, HN) không được nhiều người biết tới giống Tranh Khúc. Tuy nhiên, nếu ai một lần được thưởng thức bánh chưng ở đây chắc chắn sẽ quay lại lần thứ 2.
Nếu bạn là người thích ăn nhân bánh thì không nên bỏ qua bánh chưng của làng. Nhân bánh được người làng làm rất cầu kỳ, có vị đậm đà, bùi bùi. Đỗ xanh được tuyển rất kỹ, hạt đều hạt, mà phải là đỗ hạt tiêu nhỏ, hạt tròn mây mẩy. Sau khi vỡ đỗ, người làm bánh ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo và hấp chín. Thịt lợn là loại nạc vai, dính chút mỡ tạo vị béo ngậy, thêm vào đó là hạt tiêu xay tạo điểm nhấn và mùi thơm.
Vỏ bánh được làm bởi các loại nếp trứ danh như cái hoa vàng, nếp hoa trắng, nếp nhung. Thông thường, gạo làm bánh chỉ cần đãi qua, không ngâm. Nhưng người làng Lỗ Khê vẫn ngâm gạo từ 30-phút -1 tiếng để gạo ngấm nước, khi luộc sẽ chóng nhừ lại không bị lại gạo, bết gạo. Thêm một bí quyết nữa, khi luộc bánh, chỉ để lửa nhỏ, bánh cũng sẽ nhanh chín hơn.
Khác với nhiều cách làm của các làng nghề làm bánh trên cả nước. Bánh ở Lỗ Khê được nhiều người gọi là “bánh đặc chủng”, bởi lẽ lá bánh được luộc, vớt ra, phơi khô mới mang gói. Bánh có thời gian luộc khá nhanh, chỉ khoảng 4 tiếng.
Luộc xong, bánh được vớt ra, rửa sạch cho hết nhớt và mỡ, sau đó dùng tay lăn. Bánh vuông còn được ép và nén bằng cối đá theo độ nặng dần, sau lại vỗ bằng tay để cho kết cấu gạo liền, lại rất rền bánh, deo dai như bánh dày. Người nơi khác khi ăn bánh tại đây đều khá ngạc nhiên và ngờ ngợ rằng người làng đã giã bánh trước khi gói lại.
Tới Lỗ Khê buổi tối, bạn không chỉ được ngồi quây quần bên nồi bánh chưng chờ chín mà còn được thưởng thức hát cà trù tại sân đình.
Giá mỗi chiếc bánh chưng tại đây từ 30.000-40.000 đồng.
3. Bánh chưng làng Đầm (Hà Nam)
Làng Đầm thuộc xã Liêm Tuyền (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Vùng đất này có truyền thống làm bánh cả trăm năm. Từ TP Phủ Lý, đi khoảng 5 km là tới làng. Nghề làm bánh tại làng chỉ thực sự sôi động vào giáp Tết. Còn vào ngày thường, cả làng chỉ có khoảng 20-30 hộ làm nghề.
Bánh chưng trong làng chủ yếu làm bằng nguyên liệu từ địa phương sản xuất ra. Riêng lá rong, vào vụ bánh thì có nhập thêm từ nơi khác về. Điểm đặc biệt nhất tạo nên hương vị riêng của bánh chưng nơi đây là từ nước và nồi luộc bánh.
Dễ dàng bắt gặp ở mỗi gia đình trong làng có một bể nước mưa rất to. Người làng dùng nước mưa luộc bánh, nồi luộc nhất thiết làm bằng tôn. Chính bí quyết đơn giản đó tạo nên vị thơm ngon, bánh giữ được lâu.
Giá mỗi chiếc bánh ở đây từ 30.000-45.000 đồng/cái.
4. Bánh chưng Bờ Đậu
Làng bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nằm trên km 8 đến km10 trên quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên đi Bắc Cạn. Làng bánh này cũng có tuổi đời từ rất lâu và cũng khá nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
Ngoài loại bánh vuông truyền thống, bánh chưng tròn của làng cũng rất ngon, bánh chắc nịch, ăn dẻo, dền, vị thơm tỏa ra từ trong tới ngoài vỏ bọc. Nếp để làm bánh là loại nếp nương đặc sản vùng Định Hóa. Lá dong được lấy từ trong rừng nên có mùi thơm đặc trưng của vùng núi rừng của Thái Nguyên.
Người làm bánh thường chọn lá nếp, có mày xanh nhạt, độ mềm dai của lá lúc đó đạt tới ngưỡng tốt nhất để gói bánh. Thêm nữa, nước luộc bánh là nguồn nước tự nhiên, nước từ giếng khơi có nguồn chảy từ trong núi ra. Do đó, hương vị của bánh đậm đà, thơm ngon.
5. Bánh chưng Làng Bạc (Phú Thượng- Tây Hồ)
Bánh chưng làng Bạc được nhiều người Hà Nội ví là “bánh chưng vàng, chưng bạc” bởi giá đắt và chất lượng cũng thuộc loại ngon nhất nhì trong số các làng làm bánh quanh thủ đô. Trong tiệc cưới của nhiều người Hà Nội, bánh chưng làng Bạc là món đãi khách không thể thiếu.
Không có nhiều hộ trong làng làm nghề bánh nhưng lượng bánh của làng cung cấp ra thị trường chiếm từ 20%-30% thị phần. Các hộ làm bánh ở đây có tay nghề gói cao, lò luộc được đầu tư hiện đại, các khâu sản xuất chuyên môn hóa. Mặc dù nghe rất “công nghiệp” nhưng bánh của làng vẫn mang được hương vị đặc trưng truyền thống.
Bí quyết nằm ở tay gói bánh. Một chủ lò bánh tại đây chia sẻ rằng anh có 10 chữ “vàng” để tạo nên thương hiệu bánh chưng làng Bạc: “thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo”. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để đạt tới trình độ đó anh đã phải tập gói bánh… cát ròng rã 3,4 tháng trước khi gói bánh thật.
Làng Bạc cũng đã bắt đầu vụ bánh Tết. Tại làng hiện có khoảng 50 hộ (trong tổng hộ 300 hộ) làm bánh chuyên nghiệp. Đến làng Bạc những ngày này, bạn đã cảm nhận thấy rất rõ không khí Tết khi nhà nhà hối hả chuẩn bị nguyên liệu làm bánh.
Bạn cũng có thể cùng gia chủ tập gói bánh, hay “tròn mắt” trước những bàn tay lão luyện của các thợ cả trong làng với tốc độ gói có thể đạt 120 cái/giờ!.
(ST – Văn Tụy)