Cẩn thận bị lừa khi mua hoa ngày Tết

Càng về thời điểm cuối năm, thị trường hoa tươi, hoa cảnh, cây cảnh càng sôi động, giá bán “leo thang” từng ngày. Đây cũng là dịp NTD dễ bị lạc vào ma trận hàng giả, mất tiền nhưng chỉ biết “ngậm quả đắng” vì những chiêu lừa tinh vi “hoa cài, quả cắm”.

Những ngày cận Tết, không ít người thừa nhận thích chơi hoa cảnh, sung cảnh nhưng lại ngại vào shop hoa, vườn cây cảnh vì đắt tiền. Thay vào đó, mua ngoài lề đường hoặc ở chợ vừa tiện lợi, giá cả lại phải chăng, thậm chí, có giá mềm hơn. Chính tâm lý này đã tạo thời cơ cho những chiêu lừa tưởng xưa cũ tái diễn.

Anh Nguyễn Văn Thành (914 Trương Định, Hà Nội) kể lại câu chuyện “nhớ đời” vào Tết Canh Dần. Lúc đó, anh mua 3 chậu mai vàng dáng đẹp để tặng hai người bạn tâm giao coi như quà Tết. Chọn đi chọn lại, anh cũng mua được 3 chậu mai ưng ý, nhiều nụ và lắm lộc với lời đảm bảo chắc nịch từ người bán “hoa này chỉ đến mùng một Tết là nở bung, đẹp mỹ mãn”.

Tuy nhiên, chỉ sau khi đem về nhà được 2 hôm, anh để ý thấy nụ hoa rũ ra, lộc thì cành tươi, cành héo, phát triển không đều. Anh định ngắt bớt các nụ héo, rũ nhưng vừa chạm nhẹ, ngay tức thì nụ đã lìa cành. Gọi điện cho hai người bạn, anh cũng nhận được câu trả lời hiện trạng tương tự. Anh Thành chua chát: “Không ngờ mình mua phải mai được cấy ghép, ngại nhất là mình lại mang đi tặng bạn bè những loại hoa kém chất lượng như thế, giờ xấu hổ chẳng biết ăn nói sao?”.

Không chỉ những người trẻ tuổi như anh Thành mà những người đứng tuổi, kinh nghiệm trong thú chơi hoa cảnh vẫn đôi lần bị “bịt mắt”. Bác Hải (Hạ Đình, Hà Nội) chưa kịp vui mừng vì vừa mua được chậu cúc lá nho “tròn xinh dáng như mâm xôi, lá cành cân đối dày đẹp không chê vào đâu được” với giá 120.000 đồng trên đường Nguyễn Trãi thì chỉ sau 2 – 3 ngày đã tá hỏa khi phát hiện dù cất công chăm sóc chu đáo, chậu hoa vẫn cứ lần lượt héo quắt cành. Lo lắng, bác kiểm tra thì không phải chậu hoa gãy cành mà cành héo là những cành được người bán hàng cấy thêm cho có dáng dấp.

“Khi ở chợ hoa được tưới nước nên tươi, về nhà gặp gió lạnh là héo ngay”, bác Hải vừa chỉ tay vào những cành cây héo vừa nhắc nhở chúng tôi rút kinh nghiệm.

mua hoa Tết

Chậu cúc lá nho của bác Hải mới mua về được 2 – 3 ngày đã xuất hiện những cành héo quắt.

“Mua dùng thì không sao nhưng ngại nhất là đem tặng bố mẹ người yêu. Khi bị phát hiện hoa mình tặng là hoa nhái, mình đã ngượng chín mặt với gia đình nhà họ”, chị Bùi Minh Hà (Thịnh Hào, Đống Đa, Hà Nội) than thở. Chị Hà kể: Năm trước, chị cũng mua phải chậu hoa hải đường giả với giá 300.000 đồng/chậu. Hoa thật thì ít, chỉ lác đác vài cái mà hoa giả thì nhiều nhờ được chủ vườn cài cấy thêm cho đẹp mắt, đắt hàng.

Không chỉ có hoa cảnh bị cấy ghép thêm, nhiều mặt hàng cây cảnh cũng được tạo dáng, “hô biến” thành dáng khủng, đội giá “cắt cổ” những người sẵn sàng rút hầu bao chi tiền mạnh tay cho việc chơi cây sang ngày Tết.

Ông Nguyễn Văn Thu (nhà ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chưa hết bức xúc về lần sập bẫy lừa cam Canh được cài quả giả của mình. Ông kể, Tết năm ngoái, ông bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua một cây cam Canh có nhiều quả và thế đẹp. Nhưng chưa hết Tết, quả cam đã nối tiếp nhau rụng dần. Nhặt những quả cam rụng, không có cuống đã được chủ vườn khéo léo xâu vào những cành, nhánh để tăng số lượng quả, ông Thu tự nhủ sẽ cạch những cây cảnh kiểu này mãi mãi.

“Hô biến” cây cảnh để tăng giá 100%

Dọc phố Nguyễn Trãi, Giải Phóng (Hà Nội) có rất nhiều điểm bán hoa, cây cảnh bên lề đường. Những người buôn bán này chủ yếu dân vãng lai, nay đây mai đó. Có những con phố họ đến một lần rồi mãi không quay lại vì sợ gặp khách… bắt đền.

Anh Ch. – một người bán hoa đào trên phố Nguyễn Trãi cho biết: dịp gần Tết anh chở hai hoặc ba cây đào đi khắp đường phố Hà Nội. Mỗi ngày anh dừng ở một phố. Khách hàng chủ yếu là khách đi đường, nhìn dáng dấp ứng ý rồi mua luôn.

Những ngày không phải Tết, anh bán xương rồng, đỗ quyên nên cũng biết vài cách “làm hàng”. Theo anh Ch., chọn được những chậu hoa không bị cấy ghép rất khó, chỉ những người cực kỳ sành mới có thể nhận biết.

“Một bát xương rồng nhìn rất đẹp nhưng người mua về nhanh bị thối là vì chỉ cắm cành vào đất để cây đứng thôi!”, anh Ch. “bật mí”.

Anh Chung, chủ một cửa hàng hoa trên đường Trường Chinh, Hà Nội cũng chia sẻ: Kiểu cấy ghép cây cảnh, hoa cảnh không phải hiếm. Hoa bị cài cắm nhiều có thể kể đến là hoa lan, hoa bướm… còn đối với những cây cảnh đẹp, quả dễ bị cấy nhất.

Anh cho biết thêm: Nếu một cây sung dáng rất đẹp nhưng thiếu quả người bán chỉ có thể ra giá cao nhất khoảng 400.000 đồng/chậu nhưng khi nếu họ cấy thêm quả vào, giá của nó sẽ tăng gấp đôi, có thể lên đến tiền triệu. Trong khi đó, những quả sung có thể lấy ở rất nhiều nơi với giá rẻ. Người trồng chỉ cần sáng tạo thêm là dễ dàng thu được bội tiền. Bản thân anh Chung trước khi chưa buôn hoa cũng hay mua phải hoa bị cài, quả bị cắm thêm. “Hầu hết khách mua đều khó nhận biết. Những loại cây, hoa này chỉ bán trong một thời điểm ngắn nên người mua chỉ phát hiện khi quả thối, hoa héo”, anh Chung nhận định từ kinh nghiệm của mình.

Theo đó, anh Chung khuyên người mua không nên ham của rẻ mua lề đường, hè phố. Nếu chọn một địa điểm mua uy tín, có bảo hành sẽ không bị mắc lừa vì cửa hàng khó di chuyển trong một sớm, một chiều.

(ST – Tuấn Phong)

TRUY CẬP BERICH