Những bài học sai lầm về tiền bạc cha mẹ đang dạy con mà không hay

Theo một cuộc khảo sát của T. Rowe Price, có đến 28% người trưởng thành nói với National Foundation for Consumer Credit rằng họ học về tài chính cá nhân chủ yếu là từ cha mẹ. Còn trong số trẻ em hiện đang ở lứa tuổi 8-14, 65% nói rằng mình tìm hiểu về tiền bạc từ cha mẹ nhiều hơn là từ trường lớp.

Khó khăn ở đây là gì? Mặc dù cuộc khảo sát của T. Rowe Price cho thấy 69% cha mẹ quan tâm đến việc trở thành một tấm gương tài chính tốt cho con mình, thì 40% đang dựa vào thái độ ” làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm” để dạy con cái về tiền bạc. Gần một nửa không có quỹ khẩn cấp đủ cho tối thiểu ba tháng, 28% đang tháng nào cũng trả nợ thẻ tín dụng và 28% sử dụng tiền trong heo đất của con mình.

Nói một cách công bằng thì, làm gương tài chính tốt thực sự không dễ dàng. Theo các chuyên gia, có một số sai lầm mà những bậc cha mẹ thậm chí còn không nhận ra mình đang mắc phải.

Không nói với con cái về tiền bạc

Theo Laura Levine, Chủ tịch và giám đốc điều hành của Jump$tart Coalition for Personal Financial Literacy, “Có lẽ sai lầm mà các bậc cha mẹ mắc phải nhiều nhất là không đối thoại về tiền bạc với con mình”. Họ có nhiều lý do như không muốn con phải lo lắng về vấn đề tài chính, hoặc nghĩ chúng còn quá nhỏ để hiểu. Nhưng khi không biết gì, trẻ sẽ tự rút ra kết luận dựa trên những gì chúng tình cờ nghe hoặc nhìn thấy bạn làm.

Các em không cần phải biết chính xác mức lương của bạn để hiểu rằng tài chính gia đình mình không gặp khó khăn (thường là điều chúng rất muốn biết). Tùy bối cảnh và lứa tuổi của con mà bạn chia sẻ những thông tin phù hợp.

Quá bảo bọc

Gần 60% các bậc cha mẹ nói với T. Rowe Price rằng đôi khi họ để con mình đưa ra quyết định tài chính kém để chúng học hỏi từ những sai lầm đó. Đây là bước đi đúng đắn. “Nếu bạn quá bảo bọc, các em sẽ phạm sai lầm khi bước ra thế giới thực,” chuyên viên hoạch định tài chính Sheryl Garrett, người sáng lập The Garrett Planning Network cho biết. Học bài học về chi tiêu sai cho một món đồ chơi vài chục nghìn tốt hơn là cho một món hàng chi phí lớn khi trưởng thành.

Chỉ dùng một câu để từ chối

Các bậc cha mẹ lạm dụng lý do “Chúng ta không có đủ tiền” sẽ khiến đứa trẻ mất lòng tin. Hai phần ba số trẻ em trong cuộc khảo sát của T. Rowe cho biết cha mẹ đã trả lời chúng như vậy khi thực ra là họ có khả năng.

Hãy giải thích cụ thể cho các em, ví dụ như “nếu năm nào gia đình mình cũng đi Disney World được thì tốt quá, nhưng còn có những thứ khác mà chúng ta đang tiết kiệm để lo”. Điều đó giúp các em hiểu khái niệm nguồn lực có giới hạn và sự đánh đổi, nếu chúng ta tiêu tiền vào A, chúng ta sẽ không có tiền cho B. Đưa ra câu trả lời trung thực cũng có thể truyền đạt những bài học mua sắm thông minh nho nhỏ. Khi con gái xin mua dâu, Garrett đã cho biết trái cây trong mùa ngon hơn (và rẻ hơn) để giải thích tại sao họ chọn mua loại khác.

bai-hoc-sai-lam-ve-tien-bac

Luôn trả bằng thẻ

Thanh toán mọi thứ bằng thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng khiến con bạn không thấy được bạn tính toán và xử lý tiền bạc như thế nào. Levine nói. “Điều này làm chúng nghĩ rằng bạn chỉ cần đến máy ATM là tiền sẽ tự nhiên mà có”. Chúng không biết bạn phải bỏ tiền vào tài khoản, nên thấy mù mờ khi nói đến khái niệm ngân sách hoặc tiết kiệm. Vì thế hãy để con tiếp xúc với tiền mặt bằng cách nhờ chúng tính và đếm tiền trả khi bạn mua một món hàng nào đó, hoặc để chúng tự quản lý tiền trợ cấp của mình…

Giấu việc tiêu tiền

Dặn con đừng kể việc tiêu tiền cho người thân biết sẽ gây tác động không tốt cho con của bạn. Chúng sẽ thấy việc nói dối và giữ bí mật về chi tiêu là không có vấn đề gì, hoặc rút ra kết luận sai lầm rằng nếu mẹ dặn giấu như vậy thì chắc ba là người keo kiệt.

Bạn có thể giải thích với con về chuyện mỗi người có ưu tiên chi tiêu khác nhau và món đồ này đối với mẹ là quan trọng, nhưng đừng đặt con mình vào vị trí người phải che giấu trừ phi món đồ bí mật đó là quà sinh nhật cho ba nó chẳng hạn.

(Kelli B. Grant – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: healthchild)

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

TRUY CẬP BERICH