6 sai lầm tài chính phổ biến nhất

Các nhà hoạch định tài chính cá nhân rút ra một tập hợp các sai lầm làm mất tiền thường gặp, từ việc không hề hoặc ít khi kiểm tra báo cáo tín dụng, tốn quá nhiều cho bảo hiểm, đến việc chọn sai cổ phiếu.

Từng thói quen xấu này không đủ để nhấn chìm chúng ta. Nhưng nếu có nhiều sai lầm tích lũy theo thời gian, thì những rò rỉ nhỏ trong con tàu tài chính sẽ lấy đi của bạn một số tiền mà bạn sẽ không bao giờ chấp nhận được.

Dưới đây là những sai lầm tài chính cá nhân phổ biến và các giải pháp. Tin tốt là những sai lầm thường gặp nhất đều có thể phòng ngừa được.

1. “Trì hoãn việc trang bị bảo hiểm y tế hay bảo hiểm nhân thọ”

Bạn đang khỏe mạnh, nên không nghĩ đến việc cần phải bảo vệ mình trước bệnh tật, thương tật hay tử vong. Tuy nhiên càng lớn tuổi, việc trang bị bảo hiểm sẽ càng đắt đỏ hơn.

Cần làm gì: “Bạn càng tham gia sớm chừng nào thì chi phí càng rẻ hơn chừng đó,” theo Suzanna de Baca, Phó chủ tịch của Ameriprise Financial.

2. “Đánh giá thấp chi phí y tế”

Sớm hay muộn, hầu hết mọi người đều sẽ bị kinh ngạc bởi chi phí y tế tốn kém. Điều này càng gặp thường xuyên hơn – và đáng sợ hơn – khi bạn già đi.

Cần làm gì: Khi tính toán những gì bạn cần cho nghỉ hưu, hãy xác định một kế hoạch phù hợp. Cân nhắc tăng tỷ lệ dành dụm tích lũy định kỳ và có quỹ dự phòng các trường hợp khẩn cấp.

3. “Tốn tiền cho các khoản phí thanh toán trễ hạn”

Phí trễ hạn không chỉ làm tăng thêm chi phí mà còn có thể tác động tiêu cực đến điểm tín dụng của bạn.

Cần làm gì: Việc phát sinh phí trễ hạn thường là hệ quả của những ngày đến hạn nằm rải rác trong tháng không theo lịch trình nào. Bạn chỉ cần sắp xếp lại các ngày đến hạn này.

Hãy liên hệ bên phát hành thẻ tín dụng và những nhà cung cấp dịch vụ khác, yêu cầu điều chỉnh ngày đến hạn theo ngày bạn được trả lương.

Tiếp theo, tạo lịch nhắc nhở với một hay hai ngày định kỳ hàng tháng để thanh toán tất cả các hóa đơn của bạn.

4. “Đầu tư quá dè dặt”

Một nghiên cứu của Fidelity cho thấy nhiều nhà đầu tư trẻ có ít (hoặc thậm chí không có) cổ phiếu trong danh mục đầu tư của họ. Điều này cũng dễ hiểu khi nhìn vào sự èo uột của thị trường chứng khoán trong mấy năm khủng hoảng vừa qua. Vấn đề là khi không có rủi ro thì cũng không có sự tưởng thưởng. Hệ thống tài chính được xây dựng chủ yếu trên nguyên lý đó.

Cần làm gì: Xem xét tăng tỷ trọng cổ phiếu vì nếu không thì bạn “có thể đang cản trở cơ hội cần thiết để danh mục đầu tư của mình tăng trưởng theo thời gian”, John Sweeney từ Fidelity chia sẻ.

Tất nhiên, các quyết định bạn đưa ra còn phải dựa trên độ tuổi, mục tiêu nghỉ hưu, tình hình tài chính và khả năng chịu rủi ro của bạn.

sai-lam-tai-chinh

5. “Không tìm hiểu nhiều lựa chọn khi mua sắm”

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, có rất nhiều công cụ có sẵn giúp người tiêu dùng ra quyết định mua sắm tốt hơn.

Cần làm gì: Hãy sử dụng các công cụ như sosanhgia.com, websosanh.vn, compare.vn… giúp bạn tìm nhà bán lẻ với giá tốt nhất.

Tiếp theo, hãy tận dụng các coupon giảm giá. Bạn có thể tìm thấy khuyến mãi cho hầu như mọi thứ thông qua các trang trực tuyến như offers.vn, magiamgia.com, khuyenmaivui.com… Còn với các tín đồ thời trang thì hai từ thôi: flash sale.

6. “Không kiểm tra điểm tín dụng của bạn”

Nếu bạn không định kỳ kiểm tra báo cáo tín dụng của mình, bạn có thể để lọt những thanh toán gian lận mà không biết. Dẫn đến các công ty thẻ tín dụng, bảo lãnh thế chấp, cho vay tiêu dùng có thể có cái nhìn sai lạc về bạn. Nếu họ đánh giá bạn thuộc nhóm rủi ro cao, họ sẽ tính lãi khoản vay của bạn cao hơn.

Cần làm gì: Lấy báo cáo tín dụng miễn phí mỗi năm một lần từ các trung tâm thông tin tín dụng như CIC hay PCB. Hãy để ý những thay đổi bất ngờ trên báo cáo, chẳng hạn như các khoản vay mà bạn không nhớ ra, và thông báo cho các cơ quan xếp hạng tín dụng nếu phát hiện có sai sót.

Đừng bỏ qua bất kỳ mục nào cho dù số tiền nhỏ đến đâu – một số kẻ trộm kiểm tra nhận thức của bạn với một khoản mua hàng nhỏ để xem bạn có chú ý không.

(Jennifer Leigh Parker, CNBC – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: bigalmanack)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH