Nỗi lo tiêu xài quá hoang phí

Hàng ngày người đọc báo cả nước, nhất là báo mạng thường xuyên được cung cấp thông tin người này sắm siêu xe, siêu cây cảnh bạc tỉ, siêu biệt thự – lâu đài trăm tỉ, siêu đồng hồ, siêu sim điện thoại di động số đẹp, siêu biển số xe hơi đẹp, thậm chí cả siêu váy áo, túi xách hàng hiệu…

Nhìn lại dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa rồi, những siêu hoa địa lan, đào, mai… có giá trị từ vài triệu đến cả nửa tỉ đồng được người giàu khuân về khiến không ít người nghèo, dân vùng sâu vùng xa khó khăn, thậm chí còn chạy ăn từng bữa, chạnh lòng. Rồi ngay cả việc thành phố Hà Nội bắn pháo hoa đón giao thừa tới những 31 điểm trong khi TPHCM có số thu ngân sách trên địa bàn gấp đôi Hà Nội chỉ bắn ở 5 điểm hoặc tỉnh Daklak phải giảm bớt 2 điểm bắn pháo hoa cũng là điều đáng suy nghĩ, mặc dù người ta đã “rào” trước tiền chi bắn pháo hoa là “nguồn xã hội hóa”.

Sau cái Tết “vừa mệt vừa tốn kém” ấy, người Việt mình lại bước vào “tháng Giêng là tháng ăn chơi” với bao nhiêu lễ hội liên tiếp khai mở. Điển hình như tại lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong khi lẽ ra những con trâu thắng cuộc phải được “hậu đãi” và nhân giống thì người ta lại xẻ thịt trâu bán cho du khách thập phương với giá “trên trời” 3 triệu đồng mỗi ký. Và người ta đã mua thịt trâu với giá ấy chỉ vì lòng tin mù quáng vào điều may sẽ đến trong năm mới.

Thực tế, không chỉ khu vực dân cư mà ở khu vực công quyền, người dân quen gọi chung là Nhà nước, cũng tiêu xài bạo tay không kém. Ngoài việc chi đậm để tân trang nơi làm việc, mua sắm xe công, bàn ghế chạm trổ đắt tiền… cho công chức, viên chức, những ngân khoản trăm tỉ ngàn tỉ đã và đang được mạnh tay chi ra từ tiền đóng thuế của dân để xây những siêu trụ sở, siêu quảng trường, tượng đài… mặc cho hiện tại 80% tỉnh thành vẫn phụ thuộc trợ cấp từ ngân sách trung ương và một số nơi vẫn còn phải xin Chính phủ cứu trợ gạo mùa giáp hạt hàng năm.

Nhìn rộng ra cả xã hội, trong các lĩnh vực đời sống, càng thấy người Việt Nam mình tiêu xài hoang phí quá. Chúng ta không thể cứ tự hào “khoe” với nhau về những thứ hạng như nằm trong tốp những quốc gia tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới, với khoảng trên 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, là nước có số lượng siêu xe đáng nể…

Có thể nói rằng, về mặt tiêu xài tiền bạc, người Việt mình chẳng chịu thua kém ai, thậm chí còn được thiên hạ “nể phục”. Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác, đó là trong hàng ngũ những người tiêu xài sang, không ít người vẫn còn ở nhà thuê, thậm chí “nợ nần như chúa chổm”; trong những địa phương bạo tiêu tiền thuế của dân để xây siêu trụ sở, quảng trường, trang bị văn phòng, hội họp, tham quan nước ngoài nhiều… không ít nơi còn thiếu nợ cả tiền lương công chức, giáo viên, nhân viên y tế… và đương nhiên là thiếu trầm trọng trường học, bệnh viện…

Báo cáo Việt Nam năm 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, nếu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng bằng hoặc cao năm 2015 thì đến năm 2035 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có thể đạt 7.000 đô la Mỹ. Đấy là con số đáng mừng so với mức hơn 2.000 đô la Mỹ năm 2015. Tuy nhiên, những tác giả của Báo cáo Việt Nam năm 2035 cũng cho biết, mức 7.000 đô la/người kia mới bằng kết quả đã đạt của con rồng kinh tế châu Á Hàn Quốc năm 2002 và của Malaysia cùng khu vực Đông Nam Á năm 2013, chứng tỏ dù được coi là phát triển nhanh nhưng cả tương lai trung hạn Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nghèo so với thiên hạ.

Không thể so sánh với Âu, Mỹ nhưng ngay trong khu vực ASEAN, thu nhập của người Việt Nam mới chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar. Trong hoàn cảnh đó, thay vì cần đẩy mạnh tiết kiệm – tích lũy để đầu tư phát triển, người Việt Nam lại đang tiêu tiền quá mức làm ra, thậm chí nhìn vào thú chơi hàng xa xỉ thì có thể nói dân ta đang hưởng thụ như một quốc gia giàu có. Đương nhiên, đi kèm theo những sở thích chơi ngông, ưa đẳng cấp, thích “ngồi chiếu trên” ấy là sự “đội nón ra đi” từ vài chục đến hàng ngàn tỉ đồng từ két sắt của những người “chịu chơi” hay tiền thuế của dân.

Và, cũng theo đúng quy luật, một đất nước mà xài hoang thì mức độ tiết kiệm tích lũy, đầu tư sẽ theo xu hướng ngược lại, nợ nần, bao gồm cả vay nợ khu vực tư nhân và nợ công sẽ gia tăng, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất – kinh doanh – đầu tư sẽ vẫn trì trệ, thậm chí đi xuống. Mới đây trên cơ sở kết quả một cuộc sát, một tờ báo lớn trong nước đã rút tít: “Thanh niên Việt Nam: Thể lực kém, hút thuốc nhiều và rượu bia cao”. Đó phải chăng cũng là một trong những hậu quả nhãn tiền của tình trạng tiêu xài quá hoang và không lành mạnh.

Nguyễn Văn Hùng (Nguồn: TBKTSG. Ảnh: ceasefiremagazine)

TRUY CẬP BERICH