12 sai lầm lớn nhất khi lập ngân sách

Cứ đến gần cuối tháng, bạn có thấy mình lại phải thường xuyên từ chối lời rủ rê đi ăn ngoài của bạn bè vì túi tiền đã cạn? Hay, mỗi lần thanh toán nợ thẻ tín dụng bạn đều có cảm giác như một viên đạn bắn vào ngực? Nếu cảnh tượng này nghe ít nhiều quen thuộc, thì có thể bạn đang gặp vấn đề lớn về lập ngân sách.

Chắc hẳn bạn đã biết rằng lập ngân sách là chìa khóa để quản lý chi tiêu. Nhưng có thể bạn không nhận ra mình đang mắc phải những sai lầm lặp lại mỗi ngày, khiến bạn khó mà kiểm soát được tài chính của mình.

Vì vậy, hãy xem thử bạn có đang mắc phải sai lầm nào trong những lỗi liệt kê bên dưới hay không – và làm thế nào để khắc phục chúng.

1. Áng chừng các khoảng chi tiêu

Trước khi lập ngân sách, bạn cần biết các chi phí sinh hoạt của mình thực sự là bao nhiêu. Chỉ áng chừng hay phỏng đoán sẽ không hiệu quả vì con số thực sự thường cao hơn mức bạn nghĩ.

Barry Choi, chuyên gia tài chính cá nhân tại Money We Have, nói rằng: “Bạn nên theo dõi chi tiêu của mình trong một hoặc hai tháng trước khi bạn bắt đầu lập ngân sách. Ghi nhận lại mọi thứ bạn đã chi. Bằng cách này, bạn có thể nhìn thấy tiền của mình đi về đâu để sau đó đưa ra một ngân sách thực tế.”

2. Quên dành dụm cho những khoản chi ngoài dự kiến

Ngân sách không chỉ hữu ích cho việc quản lý chi tiêu – nó còn là một công cụ giúp bạn gia tăng các khoản tiết kiệm. Khi bạn tạo ngân sách cho các chi phí, đừng quên “tự trả cho chính mình”. Hãy xem tài khoản tiết kiệm của bạn như một khoản chi phí trong ngân sách.

3. Có những kỳ vọng không thực tế

Dù có thể bạn đang rất hăm hở cải thiện tình hình tài chính của mình, thì cũng không nên đặt tiêu chuẩn quá cao. Một ngân sách cực đoan rất khó có hiệu quả.

Stephanie Genkin, một nhà hoạch định tài chính ở Brooklyn, NY cho biết: “Những người mới bắt đầu, đặc biệt là những người đang cố gắng trả dứt nợ thẻ tín dụng, thường vạch ra những con số rất đẹp đẽ trên giấy, nhưng không hề có cơ sở trên thực tế. Mỗi lần gặp trường hợp này tôi hay hỏi họ, ‘Có thật là anh chị sẽ bỏ được việc ăn ngoài mỗi ngày, khi mà trước giờ anh chị luôn như vậy?’ ”

Thay vào đó, Genkin đề nghị bắt đầu với từng bước nhỏ, có thể là làm cơm mang theo 2 lần một tuần rồi dần dần tăng lên cho đến khi bạn không còn ra ngoài ăn 5 ngày một tuần nữa.

4. Không xem xét những lựa chọn thay thế rẻ hơn

Cắt giảm chi phí là một cách để giữ chi tiêu trong ngân sách cho phép, nhưng bạn sẽ thấy rằng có một số khoản chi không thể cắt giảm được gì nhiều, nhất là các chi phí cố định như Internet hay truyền hình cáp… Tuy nhiên, đừng quên rằng bạn còn nhiều lựa chọn khác.

Một lời khuyên hữu ích là rà soát lại các hóa đơn tiện ích hàng tháng rồi tìm hiểu thông tin các chương trình ưu đãi, khuyến mãi đặc biệt, hoặc thử tìm nhà cung cấp dịch vụ khác có mức phí tốt hơn.

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

5. Sử dụng quá nhiều tài khoản tài chính

Nếu bạn đang xài cùng một lúc nhiều thẻ tín dụng và tài khoản thanh toán, thì rất dễ mất kiểm soát tình hình chi tiêu, dẫn đến bội chi hay sơ sót ngoài ý muốn. Ví dụ như quên thanh toán thẻ đúng hạn sẽ ảnh hưởng lên điểm tín dụng, phát sinh phí thanh toán trễ v.v…

Vì vậy cần đơn giản hóa và tinh giản các tài khoản trong khả năng quản lý của mình.

6. Mua nhà quá khả năng

Hầu hết mọi người khó mà nhắm mắt quay lưng trước ngôi nhà họ hằng mơ ước, nhưng mua nhà quá khả năng là một sát thủ sẽ hủy hoại ngân sách của bạn. Nếu bạn đang lập ngân sách và nhận thấy khoản tiền trả nợ vay thế chấp hay tiền thuê nhà là các khoản khiến bạn lo lắng, thì đã đến lúc để di dời và chuyển sang một căn rẻ tiền hơn.

7. Không bao giờ điều chỉnh các chi phí linh hoạt

Lập ngân sách sẽ không hiệu quả trừ phi bạn sẵn sàng thay đổi lối chi tiêu nếu cần thiết. Chẳng hạn khi tình hình ghi nhận cho thấy bạn đang chi tiêu quá nhiều vào các khoản như giải trí và mua sắm, thì bạn cần phải điều chỉnh, nếu không tình trạng bội chi này sẽ lại tiếp diễn.

8. Không bao giờ cập nhật ngân sách

Thu nhập và chi phí của bạn có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, ngân sách bạn tạo ra hôm nay có thể không còn dùng được vào thời gian này năm tới.

Vì vậy, để tránh các vấn đề về dòng tiền, cần cập nhật ngân sách thường xuyên, và đừng quên thêm vào các khoản thu chi mới phát sinh.

9. Áp đặt ngân sách cho cả gia đình

Trường hợp bạn đã có gia đình, thì một trong hai người không nên áp đặt quan điểm cá nhân lên ngân sách cũng như các quỹ chung của gia đình. Ngân sách chỉ có hiệu quả khi cả hai cùng bàn bạc và thống nhất các quy tắc.

lap-ngan-sach

10. Quên đưa vào các chi phí không thường xuyên

Bên cạnh việc thiết lập một phần ngân sách cho các chi phí ngoài dự kiến như quà cáp, sửa chữa nhà cửa xe cộ, bạn cũng cần phải đặt ngân sách cho các khoản chi không thường xuyên, chẳng hạn như phí bảo hiểm hàng năm và quyết toán thuế thu nhập.

“Tôi đưa những khoản này vào ngân sách bằng cách ước tính mức phí hàng năm, sau đó chia cho 12,” ông Stefanie O’Connell, chuyên gia tài chính và là người sáng lập ra The Broke and Beautiful Life chia sẻ.

11. Thâm dụng tiền từ các phần ngân sách khác

Ví dụ: nếu bạn đã tiêu hết hạn mức ngân sách dành cho giải trí và mua sắm trong tháng, thì không được lấy tiền từ phần ngân sách cho thực phẩm hay đi lại để tiếp tục mua sắm, mà hãy cố gắng chờ sang tháng sau.

12. Quá tằn tiện

Trở nên nghiêm túc hơn về tiền bạc và kiểm soát chi tiêu không có nghĩa là bạn phải ngồi lì ở nhà một cách nhàm chán.

Chẳng có ngân sách nào hiệu quả lâu dài nếu bạn không dành một phần cho việc hưởng thụ, ngay cả khi nó chỉ đơn giản là một bữa ăn ngon mỗi tuần một lần.

Tóm lại, nếu bạn thấy cần cải thiện tình hình chi tiêu của mình, hãy dành thời gian để ngồi xuống và lập ra một ngân sách hàng tháng hoặc hàng năm, và lưu ý tránh các sai lầm được đề cập ở trên.

(Valencia Higuera, cây bút tài chính cá nhân trên trang GOBankingRates – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: sbwsonline)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH