Theo thống kê, mỗi năm TP HCM có khoảng 50.000 cặp vợ chồng mới cưới có nhu cầu về nhà ở, tuy nhiên khả năng tiếp cận nhà ở của những người trẻ hiện nay rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân đó là vốn tích lũy ít ỏi, giá nhà so với mức thu nhập còn chênh nhau.
Phóng viên: Vợ chồng anh Lê Tân Lưu và chị Đỗ Thị Lan làm công nhân môi trường có tổng thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng/tháng, có một con nhỏ 3 tuổi thì phải chi tiêu như thế nào để có thể mua trả góp một căn hộ nhỏ?
– Chuyên gia tài chính cá nhân -ThS Cao Thị Thùy Liên – Giám đốc R&D và Đào tạo (Công ty BeRich, TP.HCM): Có một quy tắc mà các chuyên gia tài chính thường chia sẻ, đó là tiền trả nợ vay mua nhà hằng tháng không nên vượt quá 1/3 thu nhập tháng. Như vậy, với thu nhập của vợ chồng anh Lưu tầm 15 triệu đồng, gia đình cần tính toán sao cho số tiền phải trả góp mua nhà hằng tháng tối đa là 5 triệu đồng. Như vậy số tiền còn lại chỉ là 10 triệu đồng liệu có đủ xoay xở cho 3 người hay không? Theo tôi là đủ nếu biết chi tiêu. Người vợ trong trường hợp này nên tìm hiểu các cách chi tiêu thông minh, hợp lý và tìm cách tiết kiệm tối đa một khi xác định mua nhà trả góp. Cần cố gắng tiết kiệm thêm 10% mỗi tháng để tích lũy cho các dự định chi tiêu trong tương lai và gói ghém làm sao chỉ chi tiêu trong khoảng 60% số tiền còn lại thôi.
Theo bà, với thu nhập hiện tại, công nhân nên mua hay thuê nhà?
– Trước hết, mua nhà sẽ là hợp lý khi khả năng định cư lâu dài từ 5-7 năm trở lên. Còn trong trường hợp nghề nghiệp và cuộc sống chưa ổn định, phải đổi chỗ ở thường xuyên thì phương án thuê nhà sẽ phù hợp hơn. Mặt khác, nếu dự định mua nhà mà chưa tích lũy đủ số tiền trả trước cần thiết, có thể gia đình phải lên kế hoạch ở thuê thêm vài năm nữa. Hiện nay, nhiều dự án cho phép chỉ cần trả trước 30% là bạn có thể sở hữu và vào ở ngay. Nhưng nếu bạn trả trước được nhiều hơn (khoảng 50%) thì có thể hưởng lãi suất tốt hơn, khoản tiền trả nợ hằng tháng cũng nhỏ hơn, mặt khác sẽ giảm thiểu các rủi ro ngoài dự kiến trong tương lai, như lãi vay tăng hay gặp khó khăn khi trả nợ.
Bên cạnh đó, nếu tính ra, số tiền phải trả góp hằng tháng cao hơn 1/3 thu nhập, hay chúng ta không thể nào cân đối chi tiêu để tích lũy song song cho các kế hoạch khác thì có thể đó là dấu hiệu tài chính gia đình chưa sẵn sàng cho việc mua nhà.
Vậy mức thu nhập bao nhiêu thì mới có thể mua nhà trả góp?
– Chúng ta có thể áp dụng quy tắc 1/3 trên để tính ngược lại mức thu nhập cần thiết, giả dụ căn hộ bạn muốn mua yêu cầu mức thanh toán hằng tháng là 6 triệu đồng thì thu nhập gia đình nên vào khoảng 18 triệu đồng. Như vậy, tùy từng mức thu nhập mà có cách tính toán chọn mua căn hộ bao nhiêu tiền là hợp lý. Để bảo đảm tài chính, cân đối thu chi cho việc trả góp mua nhà và chi phí sinh hoạt hằng tháng, chúng ta không nên “vung tay quá trán”. Mua nhà cần được xác định là để “an cư” chứ không nên bằng mọi giá phải có, vì càng cố quá sức thì bạn càng lún sâu vào bẫy tài chính.
Ai sẽ là người kiểm soát chi tiêu hiệu quả nhất trong các gia đình có thu nhập eo hẹp?
– Tùy từng gia đình có những đặc thù khác nhau và sự phân chia nhiệm vụ cũng có thể khác nhau. Nhiều gia đình giao hết việc quản lý tài chính cho người vợ quán xuyến nhưng mình cũng thấy có những gia đình người chồng đảm nhận trách nhiệm này vì khả năng tính toán giỏi hơn. Lại có nhà chia ra vợ lo chuyện chi tiêu hằng ngày, chồng lo tiền học cho con cái.
Điều quan trọng là vợ chồng cùng chia sẻ bàn bạc với nhau để đi đến quyết định chung cho những vấn đề tài chính của gia đình. Còn việc thực hiện như thế nào thì tùy hoàn cảnh từng gia đình cũng như thế mạnh của từng người.
Có 3 lưu ý trong việc kiểm soát chi tiêu trong gia đình: 1. Kiểm soát chi tiêu bằng cách ghi lại nhật ký chi tiêu hằng ngày hay hằng tuần, rồi tổng kết vào cuối tháng để lưu ý những mục nào mình thường chi tiêu quá tay; 2. Lập ngân sách hay kế hoạch chi tiêu cho tháng kế tiếp bằng cách liệt kê các khoản sẽ phải chi, dự trù giới hạn cho từng khoản và chuẩn bị nguồn tiền để chi trả; 3. Thói quen tiết kiệm định kỳ cho những kế hoạch chi tiêu trong tương lai cũng như dự phòng những chi tiêu đột xuất.
Lời khuyên của bà dành cho người lao động có thu nhập thấp có thể sở hữu nhà?
– Nhà hay những tài sản có giá trị khác là những khoản chi lớn, cần sự cam kết trong thời gian dài. Một khi đã đặt bút ký thì không thể rút lại được. Vì thế, các gia đình cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định, xem xét nhiều phương án khác nhau. Nếu tính ra thấy quá sức mình thì hãy kiên nhẫn dành dụm thêm một thời gian, không nên “nhắm mắt làm đại”. Không nên vay nợ quá nhiều ngoài khả năng chi trả, hay lạm dụng hình thức vay tiêu dùng mua các món đồ không thật sự cần thiết.