Lao động tự do (freelancer), người làm việc theo hợp đồng độc lập (contractor) hay trong nền kinh tế chia sẻ (gig worker) – bạn muốn gọi chúng tôi thế nào cũng được, ước tính rằng có đến 40% lực lượng lao động sẽ trở thành những người làm việc tự do vào năm 2020.
Dù rằng freelancer là lựa chọn của chính tôi (mà tôi thật sự rất thích), tôi cũng đã trải qua một số khó khăn khi phải tự làm chủ. Bức tranh này không phải màu hồng cho tất cả, đối với nhiều người, làm việc tự do không hẳn là cơ may mà phần lớn là gánh nặng. Nền kinh tế tự do khá phức tạp, vì vậy nếu bạn đang có ý định tham gia vào đó, chúng ta hãy cùng nhau mổ xẻ.
Lao động tự do (freelancer) hay Người làm việc trong nền kinh tế chia sẻ (gig worker)
Trước khi đào sâu vào số tiền bạn có thể kiếm được khi là freelancer hay gig worker, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm này. Cả hai đều là tự làm chủ, nhưng có một sự khác biệt quan trọng liên quan đến khả năng kiếm tiền. Suy cho cùng, bạn thường nghe một nhà tư vấn, chuyên gia thuế, hay thậm chí là một nhà văn thu nhập hàng nghìn đô một tháng, chứ ít khi nghe một tài xế Uber có thu nhập như vậy.
Khi nói về nền kinh tế chia sẻ, người ta thường đề cập đến các công ty như Uber, Airbnb và Upwork, sử dụng người làm việc theo hợp đồng độc lập (contractor) để thực hiện các dịch vụ khác nhau. Theo một nghiên cứu gần đây của Pew, gần một phần tư người Mỹ có thu nhập thông qua các nền tảng này.
Với những nền tảng đặt ra mức giá chung như Uber hay Grab, thu nhập của bạn phụ thuộc vào lượng thời gian bạn có, nếu bạn muốn kiếm thêm tiền, bạn phải làm việc nhiều hơn. Vì vậy, những kênh này rất hữu ích cho gig worker muốn tăng thu nhập ngắn hạn, nhưng thực sự có thể gây bất lợi cho sự phát triển nghề nghiệp ổn định trong dài hạn.
Lao động tự do (freelancer) là một hình thức rộng hơn có thể bao gồm gig worker nhưng cũng có thể là blogger, thiết kế web hay người sở hữu doanh nghiệp tư vấn của riêng mình. Sự khác biệt chính là bạn có thể đòi hỏi phí nhiều hơn nếu bạn có trình độ kỹ năng hoặc chuyên môn nhất định, có thể đặt ra các điều khoản của riêng mình khi làm việc với khách hàng, từ đó có cơ hội biến nó thành công việc toàn thời gian nếu bạn thành công.
Người làm việc trong nền kinh tế chia sẻ (gig worker) có thể kiếm được bao nhiêu?
Thật khó để trả lời câu hỏi này vì bản chất công việc của các gig worker không giống nhau.
Một phân tích của Priceonomics và Earnest ước tính rằng 85% gig worker làm thêm bán thời gian (Airbnb, Lyft, Etsy, TaskRabbit) kiếm được tầm 500 đô la một tháng.
Hoặc theo Zing, thu nhập của tài xế chạy Grab toàn thời gian ở VN là khoảng 700.000đ / ngày, tức gần 20 triệu / tháng.
Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:
Người làm việc tự do (freelancer) có thể kiếm được bao nhiêu?
“Với một công việc toàn thời gian, bạn có thu nhập ổn định nhưng đổi lại, bạn không có khả năng kiếm được nhiều hơn”, Diane Elizabeth, một nhà tư vấn và blogger hành nghề tự do chia sẻ. “Là một freelancer, bạn thường làm việc theo dự án – nghĩa là bạn không phải cam kết làm việc cố định bao nhiêu giờ mỗi tuần. Điều đó giúp bạn có thể làm việc với nhiều khách hàng hơn và kiếm được nhiều hơn đáng kể.”
Nếu bạn kiếm được gấp đôi so với một công việc toàn thời gian truyền thống, thì bạn sẽ chẳng nề hà gì chuyện mình phải tự chi trả bảo hiểm sức khỏe cho bản thân.
Một báo cáo của Bloomberg cho biết, nếu tính trung bình trên mặt bằng chung, thì thu nhập của freelancer làm việc 36 giờ một tuần cũng tương đương với thu nhập của một tài xế chạy Grab. Tuy nhiên, số lượng freelancer thu nhập vài nghìn đô mỗi tháng đang tăng lên, chủ yếu bao gồm những người có kỹ năng chuyên môn cao.
Lưu ý là nếu làm freelancer, bạn cần kiếm được nhiều tiền hơn đáng kể so với khi bạn làm công việc toàn thời gian truyền thống, bởi vì có quá nhiều chi phí phát sinh thêm.
Các chi phí phát sinh cho người làm việc tự do
Ngoài những chi phí liên quan đến công việc (ví dụ, bảo hiểm xe hơi nếu bạn lái xe cho Grab), bảo hiểm sức khỏe là chi phí phát sinh có thể kể đến đầu tiên, mà bạn phải tự trang bị.
Kế đến, người lao động tự do cũng phải tự hoạch định khoản dành dụm nghỉ hưu. Dù rằng không phải tất cả các nhà tuyển dụng toàn thời gian đều có phúc lợi hưu trí, nhưng nhiều Cty có trang bị mức cơ bản nhờ đó khuyến khích mọi người tiết kiệm sớm.
Là freelancer không có lợi ích này, thường là bạn sẽ bỏ lơ không quan tâm luôn đến việc dành dụm cho giai đoạn hưu trí. Điều này có vẻ như không phải là vấn đề gì lớn lao, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng một cuộc khủng hoảng hưu trí đang sắp xảy đến.
40% lực lượng lao động không tiết kiệm, theo Diane Oakley, Giám đốc điều hành của Viện An ninh hưu trí quốc gia (Mỹ), có thể dẫn đến nhiều hệ quả bất lợi trong thập kỷ tới. Dành dụm cho nghỉ hưu ở đây không phải nói về những chuyến du lịch xa xỉ, mà là về việc đảm bảo bạn có đủ tiền để sinh tồn – chi trả cho các chi phí sinh hoạt cơ bản như chăm sóc sức khỏe, khi bạn quá già không thể làm việc và kiếm tiền được nữa.
Một vấn đề khác freelancer sẽ phải tự xoay sở là quyết toán thuế thu nhập của mình.
Tóm lại, làm việc tự do cũng tương đương với việc trở thành một nhà tự doanh. Bạn tự định giá cả, thời gian, tự tạo ra khách hàng tiềm năng, và tự chịu trách nhiệm 100% về kết quả công việc của mình.
(Kristin Wong, cây bút chuyên viết về tài chính cá nhân của Lifehacker, tác giả sách “Get Money: Live the Life You Want, Not Just the Life You Can Afford” – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: iamwire)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…