Vào những ngày Tết, mọi người thường đi chơi, nên mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 70-80% lượng thức ăn so với bình thường, chia làm nhiều bữa, tối đa 4-5 bữa ăn mỗi ngày, không nên ăn quá no, uống quá say và phải đảm bảo VSATTP.
Bánh chưng, bánh tét, hầu như có đủ các chất dinh dưỡng bao gồm: đạm, tinh bột và mỡ, chỉ thiếu thành phần xơ. Trung bình 100g tương đương 250kcal, nhiều chất béo, và các chất béo này có nguồn gốc từ mỡ động vật nên ít có lợi cho sức khỏe. Bánh chưng thường được ăn kèm với dưa món, củ kiệu. Các món dưa này vừa chính là thành phần chất xơ vừa giúp cho người ăn ngon miệng, không có cảm giác ngán.
Tuy nhiên, những thức ăn này nếu ăn thường xuyên sẽ không tốt cho bệnh nhân (BN) có bệnh lý tim mạch và đái tháo đường (ĐTĐ), vì có nhiều chất béo động vật không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, dưa món, củ kiệu còn có chứa hàm lượng muối cao không thích hợp cho BN tăng huyết áp. Đối với BN ĐTĐ, nếu dùng bánh chưng không nên dùng quá 200g/ ngày và phải tiết giảm lượng thức ăn trong ngày. Còn đối với BN tăng huyết áp, nếu ăn dưa món, củ kiệu nên dùng loại ngâm bằng giấm đường để giảm hàm lượng muối.
Các món thịt nguội, giò chả: nhóm thực phẩm này chủ yếu cung cấp chất đạm và béo nhưng lại chứa nhiều acid béo no bão hòa nên không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, thực phẩm này có chứa hàn the để tạo độ giòn nên rất có hại. Đối với BN ĐTĐ, tăng huyết áp nên sử dụng hạn chế, không quá 100g thức ăn này mỗi ngày.
Thịt kho trứng là món ăn hầu như không thiếu trong ngày Tết. Tuy nhiên, vì thịt mỡ chứa nhiều mỡ động vật không tốt nên đối với BN ĐTĐ, tăng huyết áp hay bệnh lý gan mật, khi ăn nên bỏ phần mỡ và da. Ngoài ra, một lòng đỏ trứng có chứa khoảng 200mg cholesterol, nếu ăn quá lượng trên mỗi ngày sẽ có hại cho tim mạch vì gây ra xơ vữa động mạch. Vì vậy, lượng đạm ăn vào mỗi ngày nên khoảng 400g từ thịt, cá hoặc đậu hũ.
Các loại bánh mứt có chứa hàm lượng đường cao nên dễ gây cảm giác ngán cho cả người bình thường. Các thức ăn này chủ yếu là nhóm đường đơn, chỉ số đường rất cao, rất ít chất xơ, dễ làm tăng đường huyết nên không thích hợp cho BN ĐTĐ. Đối với BN ĐTĐ mà đường huyết kiểm soát tốt có thể dùng vài miếng. Ngược lại, nhóm BN đường huyết kiểm soát kém thì không nên sử dụng.
Trái cây: đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân. Đối vời người bình thường có thể dùng 2-3 suất trái cây trong ngày (mỗi suất tương đương 1 quả táo, hoặc 3 múi bưởi, hoặc 2 trái mận, hoặc 1 quả cam vừa, hoặc 1 góc dưa hấu…). Đối với BN ĐTĐ không nên dùng quá 2 suất trái cây/ngày, các loại trái cây quá ngọt, hàm lượng đường cao không nên dùng quá 3 lần/tuần.
Các thức uống trong những ngày Tết, đa số là nước ngọt và rượu, bia. Đối với người bình thường thì mỗi ngày khoảng 300-400ml bia hoặc 60ml rượu nhẹ (rượu vang) là tốt cho sức khỏe. Đối với BN ĐTĐ, cũng có thể dùng nước ngọt ăn kiêng nhưng nên hạn chế không nên dùng quá 1 lon/ngày. Ngoài ra, cũng có thể dùng vài tách trà, ly rượu thơm là rất tốt.
Tóm lại, không có thức ăn xấu, không có thức ăn tốt. Thức ăn tốt hay xấu là phụ thuộc vào cách ăn uống của mỗi người, nên ăn uống điều độ, vừa phải, đảm bảo đủ 3 bữa chính trong ngày.
(ST – Ái Phương)