Trong thế giới rượu mênh mông thì rượu vang vẫn được nhiều gia đình lựa chọn ở các bữa tiệc bởi nồng độ rượu thấp, phù hợp với mọi người. Mỗi ngày uống đều đặn một vài ly rượu vang sẽ rất tốt cho sức khỏe, tim mạch, huyết áp, giảm mỡ máu… Mùi vị nho đặc trưng đã làm nên các loại rượu nổi tiếng như rượu vang đỏ, rượu vang trắng…
Hiện nay tại các cửa hàng rượu ngoại hay tại các siêu thị bạn đều có thể tự tay lựa chọn và tìm mua các chai rượu vang ưng ý theo mùi vị, theo xuất xứ hay kiểu dáng. Không chỉ mua dùng cho gia đình, rượu vang còn được dùng để làm quà tặng trong các dịp lễ đặc biệt như họp mặt hay ngày tết cổ truyền. Với một số mẹo sau sẽ giúp bạn mua và bảo quản rượu vang tốt nhất:
Bảo quản rượu
Rượu vang phải được bảo quản ở nhiệt độ mát từ 15 – 18 độ C, độ ẩm từ 60 – 65%. Do vậy, các nhà nhập khẩu rượu vang chuyên nghiệp có uy tín phải có kho lạnh để bảo quản rượu và các chai rượu phải xếp trên các giá gỗ nằm ngang, để các nút chai luôn tiếp xúc với rượu, không bị co ngót, không khí sẽ làm hỏng rượu.
Rượu vang nếu không được bảo quản đúng cách, nhất là trong điều kiện nắng nóng như ở Việt Nam sẽ nhanh bị oxy hóa và hỏng. Rượu vang hỏng chuyển sang màu nâu đất, kết tủa… uống vào sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và gây nên bệnh sỏi thận… Bạn nên chọn mua mặt hàng rượu vang ở các cửa hàng có uy tín, có điều kiện bảo quản và giá kệ để rượu phải đúng cách, tránh mua phải hàng kém chất lượng. Nhiều người tiêu dùng hiện nay đang nhầm lẫn rằng rượu vang càng để lâu càng ngon nhưng rượu vang thông thường chỉ nên dùng trong thời gian từ 2 – 4 năm là ngon nhất, nếu để lâu rượu sẽ xuống chất dần.
Các loại rượu vang
Rượu vang được phân biệt ở nhiều cấp độ.
– Rượu vang Việt Nam (như: vang Đà Lạt, vang Thăng Long…) có giá dưới 150.000 đồng/chai.
– Rượu vang Vin de Table (như: Cave Du Roi, Sun River…) là rượu vang không có quy chuẩn, rẻ tiền có giá dưới 100.000 đồng/chai.
– Loại Vin de Pays (như: Les Palombieres Cotes de Gascogne Red, Chateau Grave Darzac – Grave Rouge…) là vang vùng, sản xuất ở vùng nào ghi tên vùng đó và tên rượu vang sẽ được đặt tên theo loại nho chính được sản xuất, chất lượng ở mức trung bình, giá khoảng dưới 200.000 đồng/chai.
– Nhưng với loại vang Appellation dOrigine Vin De Qualité Supérieure (Châteaumeillant, Lavilledieu…) là vang được vạch định tiêu chuẩn sản xuất, có chất lượng tốt, giá khoảng dưới 700.000 đồng/chai.
– Đặc biệt hơn, loại rượu vang Appellation dOrigine Contrôlée (như: Domaine de la Romanée- Conti, Domaine Schuberger…) là rượu vang có chất lượng cao, được ngâm từ 18 tháng trở lên và khi tiêu thụ ở Việt Nam thường có giá trên 1 triệu đồng/1 chai.
Phân biệt thật giả
– Mức rượu trong chai: Các hãng trên thế giới được đóng chai tự động, do đó về mặt nguyên tắc, mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Các đối tượng làm hàng giả thường chỉ đóng bằng tay, vì vậy mức rượu bên trong chai thường không đều nhau. Khi quan sát một dãy rượu cùng nhãn hiệu trong cửa hàng, nếu thấy chai nào có mức rượu khác với chai còn lại thì ta có thể nghi vấn đó có thể chai giả.
– Màu sắc trong chai: Khi quan sát một dãy chai rượu cùng một nhãn hiệu trong cửa hàng ở cùng một góc ánh sáng chiếu vào, nếu thấy chai nào có màu sắc khác biệt so với những chai còn lại thì ta có thể nghi ngờ đó là hàng giả. Màu sắc có thể là nhạt hơn, sẫm hơn, hay có vẩn, váng đục…
– Kiểm tra nhãn rượu: Hầu hết những chai rượu giả trên thị trường đều sử dụng lại chai thật, nhãn thật, nhưng có thể trong quá trình tẩy rửa chai, nhãn thật bị trầy xước hoặc bị bong ra, do đó các đối tượng làm hàng giả đã in nhãn giả thay thế. Sự khác biệt lớn giữa nhãn thật và nhãn giả là nhãn giả không thể bắt chước được việc thực hiện in chữ nổi, màu ánh kim… đúng như hãng chính gốc.
– Kiểm tra nắp nút: Thông thường các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ lưỡng, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình đậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật…
– Kiểm tra đáy chai: Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó khi mua bạn nên quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua. Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy ví dụ: chính giữa vòng tròn của những chữ “A,O,B,.. hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kĩ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. Các bạn cần quan sát thật kĩ để tìm những lỗ như vậy.
(ST – Song Nhi)