Biết tiết kiệm tiền là kỹ năng mà một người có thể học vào bất cứ độ tuổi nào, nhưng thuở nhỏ được học càng sớm, các em sẽ càng sẵn sàng khi đến giai đoạn tự lập.
Nhiều bậc cha mẹ thấy khó khăn khi nói chuyện với con về tiền bạc, nhưng đề tài này cũng quan trọng như những vấn đề thực tế cuộc sống khác mà bạn cần dạy con đối diện.
Nếu bạn nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ và lắc đầu với cách mình quản lý tiền bạc, thì hãy tận dụng cơ hội giúp con mình có thể làm tốt hơn.
Dưới đây là 10 cách để dạy con tiết kiệm tiền theo từng độ tuổi.
Luôn làm gương cho trẻ
Quản lý tiền bạc thành công chính là khả năng đưa ra những quyết định tốt.
Rõ ràng, con bạn sẽ không hiểu được sao kê ngân hàng của bạn, nhưng bạn có thể sử dụng các tình huống hàng ngày để nói chuyện với con về tiền bạc ở mức mà con có thể hiểu.
Những trẻ lớn hơn rất ý thức về thái độ của bạn đối với tiền bạc, chúng sẽ để ý nếu bạn nói chuyện về tiết kiệm tiền nhưng lại mua sắm không kiểm soát, do đó hãy đảm bảo rằng hành động của bạn đi đôi với lời nói.
Dạy trẻ nhỏ bỏ ống heo
Đây là một cách dạy rất tốt cho giai đoạn từ khi trẻ còn nhỏ đến những năm đầu tiểu học.
Độ tuổi này các em hiểu rằng khi heo đất nặng hơn tức là mình đang tích lũy được thêm tiền.
Mục tiêu tiết kiệm nên thật đơn giản: Khi heo đầy, bạn sẽ giúp con đếm tiền và cho con sử dụng để chi tiêu một ít.
Dạy trẻ nhỏ hiểu rằng tiền là dùng để mua đồ
Trẻ em trong độ tuổi đầu tiểu học có thể học cách phân biệt các tờ tiền và đồng xu khác nhau.
Đến bảy, tám tuổi, các em có thể hiểu khái niệm tương đương ở mức độ đơn giản, ví dụ như hai tờ mười nghìn bằng một tờ hai mươi nghìn.
Các trò chơi đồ hàng, đi chợ sẽ giúp củng cố kiến thức này.
Giải thích rằng đôi khi chúng ta phải tiết kiệm để mua những gì mình muốn
Ngay cả trẻ dưới tám tuổi cũng có thể hiểu rằng nếu em không đủ tiền để mua món đồ chơi mình muốn, em có thể dành dụm tiền trợ cấp cho đến khi đủ để mua.
Tùy thuộc vào mức độ trưởng thành, trẻ có thể bắt đầu nhận trợ cấp khoảng từ sáu đến tám tuổi.
Khi trẻ lớn hơn, dạy cách so sánh khi mua sắm
Từ chín tuổi khi con đi siêu thị với bạn, bạn có thể chỉ cho con cùng biết nếu phát hiện ra món gì đó trong danh sách mua sắm của mình được khuyến mãi, và nhấn mạnh rằng so sánh giá cả là cần thiết khi học tiết kiệm tiền.
Giao thêm trách nhiệm cho con ở tuổi 9-12
Tập cho trẻ từ chín tuổi trở lên tự chi tiêu cho một số đồ dùng cá nhân và vui chơi giải trí, nhằm giúp các em có thêm động lực để tiết kiệm.
Dạy trẻ 9-12 tuổi phân bổ tiền cho chi tiêu, tiết kiệm, và chia sẻ
Trẻ em trong độ tuổi này có thể hiểu được khái niệm dùng một số tiền của mình để giúp đỡ người khác.
Khi phần tiền cho Chia sẻ được một ít, bạn có thể dẫn con đi quyên góp cho tổ chức từ thiện nào đó.
Giới thiệu về tài khoản ngân hàng
Trẻ 9-12 tuổi có thể hiểu việc ngân hàng sẽ trả lãi cho khoản tiền em đem gửi.
Các em cũng có thể học cách trích riêng một phần tiền trợ cấp của mình để gửi ngân hàng.
Nhiều ngân hàng có các chương trình tài khoản cho trẻ với ưu đãi đặc biệt.
Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:
Dạy teen (13-19 tuổi) hiểu cơ bản về thẻ tín dụng
Các em có thể đã nhìn thấy bạn sử dụng thẻ tín dụng và biết sự tiện lợi của chúng, nhưng các em sẽ không hiểu được những hao tốn khi dùng thẻ.
Bạn cần giải thích cho các em sự khác biệt giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cũng như cách sử dụng thẻ tín dụng có trách nhiệm.
Teen cần hiểu rằng việc sử dụng thẻ tín dụng cũng giống như là nhận một khoản vay.
Giao thêm trách nhiệm cho con ở tuổi trung học
Cho con bạn tự chủ hơn trong chi tiêu. Nếu bạn cấp cho con một khoản tiền xăng xe nhất định mỗi tuần, hãy nhấn mạnh rằng nếu con lỡ tiêu hết thì hãy tự đi bộ hoặc dùng xe đạp.
Một số học sinh trung học có thể quản lý chi tiêu theo tháng, và đây sẽ là thời gian thực hành rất tốt cho những năm đại học sau này của các em.
Phạm sai lầm vào lúc này sẽ đỡ hơn rất nhiều so với khi các em bắt đầu xa nhà thực sự.
Lời kết
Dạy cho trẻ biết cách tiết kiệm tiền không phải chuyện chỉ nói một lần là xong. Nó bắt đầu khi các em còn nhỏ, tiếp tục khi trẻ lớn lên, và cần sự rèn luyện thành thói quen lối sống. Quá trình áp dụng thực tế thường phát sinh lỗi lầm nhưng cũng chính là bài học. Với cách hướng dẫn phù hợp lứa tuổi, trẻ sẽ ít ngây ngô và có thể tự lập hơn khi trưởng thành.
(Mary Hiers – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: Parents)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…