4 sai lầm lớn nhất về tiền bạc mà các bậc cha mẹ mắc phải

Tôi được đặt viết bài về những sai lầm các bậc cha mẹ thường-mắc-phải-mà-không-nhận-ra khi dạy con cái về tiền bạc.

Tôi thấy câu hỏi này đặc biệt thú vị, vì những người làm cha làm mẹ như chúng ta đây có khuynh hướng áp dụng các quy tắc được cho là “tốt nhất” cho vấn đề này rồi “đúng nhất” trong lĩnh vực kia… để rồi nhận ra mình hoàn toàn sai.

Hóa ra, sai lầm của một phụ huynh này có khi lại là điều lý tưởng với gia đình khác. Tôi biết một số phụ huynh ân hận vì đã không bắt con mình tìm việc làm thêm thời trung học, trong khi có người lại lo lắng vì đã cho phép con đi làm thêm quá nhiều mà không cương quyết buộc con tập trung vào chuyện học hành.

Điều quan trọng cần nhớ là, cuộc sống thường không có câu trả lời đúng một cách rõ ràng. Bạn hãy làm điều tốt nhất có thể, và ra quyết định dựa trên những giá trị cũng như các ưu tiên của mình.

Dưới đây là bốn sai lầm phổ quát mà hầu hết các bậc cha mẹ phạm phải nhưng lại không nhận ra:

Tôi không có nhiều tiền lúc còn nhỏ và tôi không muốn con mình phải ước ao hay chờ đợi bất cứ điều gì

Tôi luôn ngạc nhiên khi nghe các bậc cha mẹ lo lắng sợ con cái mình bị thiếu thốn. Tôi biết nhiều người cảm giác thất bại khi không thể mua cho con tất cả các món trong danh-sách-dài-4-trang những món quà mà con mong muốn, hay khi không thể cho con đi một chuyến nghỉ mát hoành tráng mà “mọi người khác” đã được đi.

Giúp bọn trẻ hiểu rằng không phải lúc nào chúng cũng có được những gì mình muốn là một trong những món quà tốt nhất mà bạn có thể tặng cho con. Thật vậy, nghiên cứu khoa học cho thấy biết trì hoãn sự thỏa mãn là một kỹ năng sẽ hữu ích cho cuộc sống của chúng sau này.

Cựu giáo sư Stanford Walter Mischel có một thử nghiệm nổi tiếng từ cuối thập niên 1960. Ông  cho các em nhỏ kẹo dẻo và nói các em có thể chọn ăn nó ngay, hoặc chờ sau 15 phút mới ăn thì sẽ được thưởng thêm kẹo.

Dõi theo những đứa trẻ này nhiều năm sau đó, ông thấy rằng nhóm các em có khả năng chờ đợi khi lớn lên ít gặp vấn đề về hành vi, ít bị stress, có tình bạn bền hơn, và điểm SAT cao hơn.

Các nghiên cứu khác từ Karen Holden, giáo sư Đại học Wisconsin-Madison, và những người khác thì liên kết khả năng chờ đợi với khả năng tiết kiệm. Cũng giống như bạn chờ để có được hai cái kẹo, bạn cần phải kiên nhẫn dành dụm tiền cho các mục tiêu tài chính.

Nhưng có cách nào nuôi dưỡng khả năng chờ đợi / tiết kiệm ở các con?

May mắn thay, câu trả lời là Có. Một số nhà nghiên cứu tại Đại học Rochester tái diễn nghiên cứu của Mischel năm ngoái nhưng phát triển thêm: Họ tìm hiểu những loại môi trường nào sẽ ảnh hưởng đến khả năng trì hoãn sự hài lòng của trẻ.

Kết quả: Trẻ sống trong môi trường ổn định mà người lớn biết giữ lời có nhiều khả năng chờ đợi hơn, vì các em tin tưởng mình sẽ có được những gì đã hứa.

Chúng tôi ngỡ rằng chỉ có người lớn mới thực tế, nhưng các em thực sự biết cân nhắc “thực tế của việc chờ đợi”, trưởng nhóm nghiên cứu Celeste Kidd nói với tờ The Washington Post.

Chúng ta đang có nợ trên thẻ tín dụng khá nhiều, may mà con cái không biết

Trong khi một số người trưởng thành rất có trách nhiệm với tiền bạc vì họ thấy cha mẹ mình cứ làm rối tung lên, thì thông thường là trường hợp ngược lại.

Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Journal of Family and Economic Issues đã khảo sát hơn 400 sinh viên đại học và thấy rằng những em có cha mẹ cãi nhau về tiền bạc có khả năng sở hữu nhiều thẻ tín dụng cao gấp hai lần và khả năng mắc nợ cao gấp ba lần.

Ngay cả khi bạn cho rằng mình rất kín đáo về tình trạng tiền bạc trong nhà, thì có thể con bạn biết nhiều hơn bạn nghĩ. Một gia đình sống vượt quá khả năng và bị nợ nần bủa vây sẽ thường có những tranh cãi xào xáo chẳng thể giấu vào đâu.

Chúng ta lo lắng không cho con cái được mọi tiện nghi chúng muốn, nhưng có cha mẹ sống hạnh phúc trong khả năng của mình mới thực sự là điều giúp chúng hạnh phúc lâu dài về sau.

Làm việc cật lực là cách duy nhất để chu cấp cho con những gì chúng cần

Đương nhiên bạn cần làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình những nhu cầu cơ bản.

Nhưng một nghiên cứu đáng ngạc nhiên nhất mà tôi đọc năm vừa rồi đã khảo sát 8.000 gia đình trong suốt một thập kỷ, và thấy rằng những gia đình ngồi ăn chung với nhau ít nhất bốn lần một tuần có nhiều khả năng an toàn hơn về mặt tài chính.

Mặc dù có rất nhiều yếu tố để lý giải, nhóm nghiên cứu nói rằng liên kết chính giữa 2 chủ đề dường như không liên quan này – thông minh tài chính và bữa ăn gia đình – là sự tự điều chỉnh. Nếu bạn có thể ưu tiên cho bữa cơm gia đình dù lịch trình bận rộn, thì bạn cũng có khả năng thiết lập các ưu tiên để có những quyết định tài chính thông minh.

Lời khuyên của tôi: Bất cứ khi nào có thể, hãy ngồi vào bàn ăn tối với con bạn, và trong thời gian đó, dành ít phút nói chuyện tiền bạc. Dù là để say sưa kể về chiếc vé máy bay giá rẻ mà bạn vừa tìm được, hay tranh luận xem có nên thay cái ghế dài trong phòng khách, thì con bạn cũng sẽ học hỏi được từ những quyết định đó.

sai-lam-cua-cha-me

Cha mẹ tốt đặt mục tiêu tiền học đại học của con lên hàng đầu

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng họ nên hy sinh tương lai tài chính của mình để cho con vào được trường đại học mơ ước. Đây là lúc để bạn suy nghĩ lại.

Thứ nhất, do chi phí ngôi trường mơ ước thường khá cao, ngay cả khi bạn dùng tất cả tiền tiết kiệm của mình, gia đình có thể vẫn cần thêm các khoản vay. Trong khi đó có rất nhiều lựa chọn khác chi phí thấp hơn.

Thứ hai, bạn có thể vay mượn cho con học đại học, nhưng lại không thể vay tiền cho giai đoạn hưu trí của chính mình. Dùng hết tiền của mình cho con học đại học có nghĩa là con sẽ phải chăm sóc cho bạn về tài chính khi chúng đang ở giai đoạn quan trọng trong đời mình, như bắt đầu lập gia đình chẳng hạn.

(Beth Kobliner, tác giả cuốn sách bestseller của New York Times Get a Financial Life: Personal Finance in Your Twenties and Thirties, thành viên Hội đồng tư vấn của Tổng thống về Năng lực tài chính cho người trẻ Mỹ – BeRich dịch và giới thiệu)

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

TRUY CẬP BERICH