5 quy tắc khi dạy con về tiền bạc

Với một vài bậc cha mẹ thì những cuộc nói chuyện về tiền nong cùng các con không phải là điều họ trông đợi. Tuy nhiên việc dạy cho trẻ những kiến thức về tiền là rất cần thiết, đặc biệt từ khi còn nhỏ.

Nói đúng hơn, phần kiến thức nên được dạy ở trường, chẳng hạn như khái niệm lãi kép hoặc cách làm các phép tính. Còn cha mẹ sẽ dạy trẻ về giá trị và ý nghĩa của tiền. Bạn bắt đầu dạy càng sớm thì các con sẽ càng khá hơn về mặt tài chính.

Chi tiêu: Dạy cho con biết sự khác nhau giữa “Cần” và “Muốn”

Dạy cho trẻ cách tiêu tiền hợp lí nghĩa là dạy chúng biết sự khác biệt giữa việc mua những thứ mình cần và mua những thứ mình muốn.

Trẻ nhỏ có thể gặp khó khăn để hiểu rằng mình không “cần” cái xe đồ chơi mà chỉ là “muốn” có nó thôi. Sự khác nhau giữa nhu cầu và ước muốn sẽ trở nên rõ ràng hơn khi trẻ bắt đầu đến tuổi đi học.

Một chuyến đi mua sắm thực tế sẽ giúp trẻ học được điều này. Ví dụ như khi ở siêu thị, bạn có thể chỉ cho con (khoảng 6 tuổi) một hộp bánh và hỏi liệu đó là cái con muốn hay con cần. Giải thích sự khác biệt – có thể con muốn ăn bởi vì rất thích vị ngon của nó, nhưng con không cần vì không có nó thì con vẫn có thể no bụng với thức ăn sẵn ở nhà.

Bao quát mọi vấn đề

Các con bạn chắc hẳn là không có được cái nhìn khái quát. Có thể chúng thấy bạn chi tiền ở cửa hàng, nhưng không thấy chuyện bạn tiết kiệm hay đầu tư.

Khi dạy các con về tiền, hãy nhớ các vấn đề cơ bản bao gồm: tiết kiệm, chi tiêu và những cách sử dụng khác.

Dạy con bao quát mọi mặt về tiền bạc là để chỉ con lập kế hoạch ngân sách.

Bạn có thể giải thích khái niệm kế hoạch ngân sách bằng cách đặt 10 nghìn đồng tiền lẻ lên bàn. Ba nghìn trong đó dành ra để trả tiền nhà, một nghìn dành vào quỹ tiền học cho con sau này, vân vân.

Minh họa này giúp các con thấy rằng bạn không chỉ dùng tiền để mua đồ ở cửa hàng mà còn cần dùng vào nhiều việc khác nữa.

Cho con tiền trợ cấp

Đây có thể là một chủ đề gây tranh cãi. Một vài bậc cha mẹ không thích ý tưởng cho con tiền, một số khác thì không thích ý tưởng gắn việc nhà với tiền bạc. Riêng tôi ủng hộ chuyện cho tiền trợ cấp khi con làm việc nhà.

Điều này giúp trẻ thấy được mối quan hệ giữa tiền bạc và lao động, phải làm việc mới có tiền. Hiểu được mối liên hệ này, trẻ sẽ không ỷ lại vào bạn nữa.

day-con-ve-tien-bac

Đừng quên dạy con kiến thức về thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ

Một số cha mẹ bỏ qua những bài học về thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ khi dạy con. Tôi thì cho rằng trẻ cần phải hiểu khái niệm vay tiền và các chi phí lãi vay từ lúc còn nhỏ.

Khi nhiều đứa trẻ lớn lên đang sử dụng thẻ tín dụng để chi trả các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, thì việc hiểu biết về tín dụng từ sớm là rất quan trọng.

Một cách để dạy con hiểu về lãi vay là cho con mượn một ít tiền và tính lãi 5 phần trăm chẳng hạn. Khi con hoàn trả khoản vay, bạn hãy giúp con so sánh số tiền phải trả lại so với số tiền mượn lúc ban đầu.

Hãy để các con tự tìm hiểu

Mục đích của bạn khi dạy con là muốn con trở nên hiểu biết về tài chính. Các con của bạn sẽ không tiến bộ nếu bạn cứ mãi che chở bao bọc, bảo chúng khi nào thì tiết kiệm rồi khi nào được chi tiêu, và cố gắng quản lý tiền của chúng.

Sẽ rất khó khăn nhưng bạn phải cho phép con tự đặt ra mục tiêu cho mình, dù trong vài trường hợp các con có thể mắc lỗi. Nếu con bạn ngập trong nợ nần hoặc cứ đem tiền trợ cấp để mua bánh kẹo, bạn có thể can thiệp và giúp đỡ.

Nhưng hãy nhớ rằng con bạn sẽ thích tìm hiểu hơn nếu bạn cho phép con tự đưa ra quyết định của mình.

(Kelly Anderson, chuyên viên hoạch định tài chính – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: thenest)

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

 

TRUY CẬP BERICH