Các bậc cha mẹ thường dễ rơi vào chiếc bẫy thói quen giữ con cái tránh xa thực tế tài chính của cuộc sống gia đình. Thay vì dạy con những điều cơ bản về tài chính, thì họ thấy để người lớn giải quyết cho đơn giản. Điều này khiến trẻ ngỡ rằng mọi thứ cứ tự nhiên “hiện ra” ở nhà và bố mẹ mình có nguồn tiền vô hạn để mua những thứ này.
Vấn đề là, cách tiếp cận này không bao giờ thực sự dạy con cái bạn giữ gìn tiền bạc của chúng cũng như nhận thức được giá trị của đồng tiền. Nó có thể dẫn đến một số tình huống khó khăn sau này khi trẻ lớn hơn và bắt đầu đòi mua sản phẩm hàng hiệu mà không hiểu tại sao một người nào đó có thể chọn một thương hiệu phổ thông.
Sự thật là: Sẽ rất có lợi nếu bạn bắt đầu dạy con những điều cơ bản về tiết kiệm và mua sắm thông minh từ khi chúng còn nhỏ. Hãy chỉ cho con cách làm thế nào để mua sắm một cách hiệu quả về chi phí và để chúng nhìn thấy những lợi ích trực tiếp từ việc đó.
Dưới đây là 5 cách mà bạn có thể bắt đầu sử dụng ngay bây giờ để dạy trẻ nhỏ về giá trị của đồng tiền.
Chỉ cho con thấy những ích lợi. Khi bạn mua sắm các món đồ thông dụng như sữa tắm hoặc nước rửa chén, hãy xem xét một số tùy chọn và nói chuyện với con về những lựa chọn đó. Phân tích cho chúng thấy rằng chai nước rửa chén này có giá 13 nghìn trong khi chai cùng kích cỡ ở đây tốn 10 nghìn, có nghĩa là bằng cách mua chai rẻ hơn, con sẽ dành đượcc 3 nghìn cho mục đích khác.
Lặp đi lặp lại cách tiếp cận này mỗi khi bạn dẫn con cùng đi mua sắm. Cứ nói lớn thành tiếng quá trình suy nghĩ của mình với con, cho dù chúng có lắng nghe toàn bộ hay không. Cố gắng giải thích càng rõ ràng càng tốt rằng tại sao bạn lại mua mặt hàng giá thấp, và lựa chọn đó tiết kiệm gì cho bạn.
Biến thành một trò chơi. Khuyến khích con hoàn tất những câu đố nho nhỏ, như chỉ ra món hàng nào có mức giá thấp nhất. Nếu con lớn hơn một chút, bạn có thể yêu cầu con tìm món rẻ nhất theo đơn vị sử dụng – ví dụ giá chai nước rửa chén tính theo khối lượng 100gr.
Hãy khiến cho hành động tìm kiếm mặt hàng giá tốt được nhìn nhận như một điều tích cực, bằng cách khen ngợi hoặc tưởng thưởng cho con nếu chúng tìm ra đáp án nhanh chóng.
Đặt một mục tiêu lớn và thực tế. Ok, có thể con tiết kiệm được 3 nghìn đồng cho chai nước rửa chén, nhưng điều đó thực sự có nghĩa gì?
Tính tiết kiệm thường ý nghĩa nhất khi được đặt trong bối cảnh lớn hơn. Hãy liệt kê ra hai hoặc ba món mua sắm lớn mà bạn đang dự định dùng khoản tiết kiệm đó, và đảm bảo rằng ít nhất một trong số các món này thực sự là hấp dẫn đối với con. Ví dụ: khoản tiết kiệm được có thể dành để trả món vay tiêu dùng của gia đình, nhưng cũng sẽ dùng chi cho một chuyến đi chơi đến Vũng Tàu vào tháng tới.
Sẽ khá hào hứng khi cả gia đình cùng theo dõi số tiền tiết kiệm tăng dần cho đến lúc đạt mục tiêu. Nếu bạn tiết kiệm được tổng cộng 200 nghìn trong một đợt mua sắm, hãy nói với con rằng 100 nghìn sẽ dành trả góp cái máy giặt, còn 100 nghìn bỏ vào quỹ cho chuyến đi chơi, và rằng nỗ lực tiết kiệm tập thể của cả nhà ngày hôm đó tương ứng với một phần tư vé.
Trả tiền mua hàng bằng tiền mặt. Thông thường, việc thanh toán bằng thẻ khiến ý tưởng bạn đang sử dụng tiền trở nên trừu tượng, con trẻ khó cảm nhận được mối liên kết.
Vì vậy, hãy mua sắm bằng tiền mặt khi bạn muốn minh họa cho con. Nó khiến việc mua hàng trở nên trực quan hơn, và ý tưởng về việc tiết kiệm sẽ thẩm thấu hơn trong tâm trí bạn và con trẻ.
Để con tham gia vào việc quyết định. Sự tiết kiệm không chỉ xảy ra ở cửa hàng. Nó cũng diễn ra trong gia đình khi bạn đang thực hiện các công việc bình thường như lên kế hoạch cho bữa ăn và làm việc nhà.
Khi bạn đang cân nhắc mọi thứ thông qua ống kính tiết kiệm, đừng ngại chia sẻ và khuyến khích con nói lên suy nghĩ của mình. Biết đâu chúng sẽ đưa ra những ý tưởng thực sự tốt mà có thể bạn chưa nghĩ đến. Thêm vào đó, điều này cũng khiến con trẻ cảm thấy có tiếng nói.
Trẻ em thích tham gia vào thế giới người lớn và thấy mình hữu ích. Hãy tận dụng những cảm xúc đó khi dạy cho con về giá trị của sự tiết kiệm. Chúc các bạn may mắn.
(Trent Hamm, người sáng lập The Simple Dollar, trang web bàn về các vấn đề tài chính cá nhân thực tiễn cho tất cả mọi người, tác giả hai cuốn sách “The Simple Dollar: How One Man Wiped Out His Debts and Achieved the Life of His Dreams” và “365 Ways to Live Cheap”. Ông đã xuất hiện trong nhiều ấn phẩm như The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal. – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: missfrugalmommy)
Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich: