Hoạch định tài chính không chỉ là về tiền bạc

Khi nghe từ “hoạch định tài chính”, đa phần chúng ta nghĩ rằng đó là việc lên kế hoạch cho những khoản chi tiêu trong tương lai. Nhưng thật ra có sự khác biệt giữa kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu mà bạn cần hiểu, để có thể chuẩn bị đầy đủ cho mọi mặt tài chính của mình và gia đình.

Kế hoạch tài chính không chỉ đơn giản là kế hoạch chi tiêu

Kế hoạch chi tiêu hay còn gọi là ngân sách chi tiêu mang tính ngắn hạn (cho 1 tuần, 1 tháng hoặc 1 năm). Trong đó, bạn liệt kê ra các khoản chi dự kiến và mức giới hạn cho từng khoản để sắp xếp cân đối.

Còn kế hoạch tài chính mang tính dài hạn (5-10 năm hay cả vòng đời). Trong đó, bạn cần xem xét dự trù toàn diện hơn cho mọi vấn đề tài chính: thu nhập, chi tiêu, tài sản, đầu tư, bảo hiểm, thuế, hưu trí… Ví dụ như: Ta sẽ quản lý dòng tiền thu chi như thế nào để đáp ứng được cho cả nhu cầu hiện tại và các dự định tương lai? Hoạch định việc đầu tư ra sao để đảm bảo tài chính cho các mục tiêu đó? Làm sao để bảo vệ gia đình trước những rủi ro không lường trước được như bệnh tật, tai nạn? Hoạch định thuế sao cho tối ưu?…

Vậy lập kế hoạch tài chính là thực hiện những gì?

Quá trình này được thực hiện qua các bước như sau:

  • Xác định các mục tiêu tương lai mà bạn mong muốn, ví dụ như cho con đi du học đại học…
  • Xem xét hiện trạng tài chính của bạn, tình hình tài sản, nợ, thu nhập và chi tiêu…
  • Kiểm tra xem với hiện trạng đó bạn có thể đạt được các mục tiêu mà mình kỳ vọng hay không. Nếu không chúng ta cần xem xét điều chỉnh: có thể bạn phải tiết kiệm nhiều hơn ở mức 20% thu nhập thay vì 10%, có thể bạn cần đầu tư thêm với một số sản phẩm tài chính hiệu quả hơn gửi tiết kiệm, có thể bạn phải cắt giảm một số mục tiêu kém quan trọng hơn…
  • Vì xem xét toàn diện cho mọi vấn đề tài chính nên trước hết bạn cần tìm hiểu để nắm rõ các kiến thức liên quan. Mặt khác, việc lên kế hoạch dài hạn cho cả vòng đời khá phức tạp do giá trị của tiền thay đổi theo thời gian, nên khi hoạch định tài chính ta thường dùng đến sự trợ giúp của phần mềm hoặc chuyên gia.

Qua đó bạn có thể tìm được giải đáp cho nhiều câu hỏi, chẳng hạn như:

  • Việc kết hôn / sinh con sẽ khiến tài chính của bạn có những thay đổi ra sao?
  • Cách tốt nhất để dành dụm tiền học đại học cho con là gì?
  • Bạn có thể mua căn nhà bao nhiêu tiền là vừa?
  • Cách tiết kiệm hay đầu tư mà bạn đang thực hiện là ổn chưa?
  • Bạn có cần trang bị bảo hiểm gì hay không?
  • Lạm phát có ảnh hưởng thế nào lên tiền dành dụm nghỉ hưu của bạn? Khi nào bạn có thể nghỉ hưu?

hoach-dinh-tai-chinh

Hoạch định tài chính chính là hoạch định cuộc đời

Rõ ràng khi trả lời những câu hỏi trên là bạn đang đưa ra những lựa chọn cho tương lai của mình và gia đình. Chọn nghỉ hưu sớm để có thêm thời gian làm những điều mình thích, chọn cho con đi du học để được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và đa văn hóa…

Mặt khác, những lựa chọn đó cũng quyết định lối sống hiện tại của bạn. Có thể, để tích lũy đủ tiền cho các dự tính trên, bạn sẽ phải từ bỏ dự định mua xe hơi vào lúc này, hay từ bỏ kế hoạch mua một căn nhà lớn mà chấp nhận ở nhà nhỏ hơn hay xa trung tâm hơn…

Kế hoạch tài chính giúp bạn xem xét các lựa chọn rõ ràng hơn với số liệu cụ thể, thực tế để có thể đạt được những mục tiêu trong cuộc đời mà bạn hằng mơ ước.

Bài do BeRich biên tập

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH