10 điều bạn cần biết để quản lý tài chính cá nhân

Trên đời này, ít có gì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta như là sự hiểu biết về tài chính.

Các vấn đề tài chính cá nhân cơ bản mà bạn cần biết không phải chỉ là mở một tài khoản ngân hàng hoặc kiếm một công việc. Bạn còn cần biết cách đưa ra rất nhiều quyết định tài chính khác trong suốt cuộc đời mình.

Hiểu và áp dụng những kiến ​​thức tài chính cơ bản có thể sẽ làm bạn trở nên sung túc hơn. Và ngược lại, nếu không hiểu rõ những vấn đề này, có thể bạn sẽ rơi vào những vướng mắc triền miên. Dưới đây là 10 điều cơ bản về tài chính cá nhân mà bạn cần biết:

10. Thẻ tín dụng

Trong thời đại tiêu dùng, hiểu biết về thẻ tín dụng là chuyện thiết yếu. Thẻ tín dụng có thể là một tài sản hay là một món nợ tùy thuộc vào cách bạn sử dụng chúng.

Vì vậy bạn cần tìm hiểu cách hoạt động của thẻ tín dụng, làm sao để bạn có thể tận dụng được lợi thế của chúng, cũng như biết khi nào thì không nên sử dụng. Đây là một trong những bài học tài chính quan trọng nhất.

9. Lãi kép

Để nắm lấy cơ hội tối đa trong đầu tư, bạn cần phải hiểu về lãi kép và sức mạnh của nó theo thời gian. Tiết kiệm 1,5 triệu một tháng (khoảng 50 nghìn một ngày) mà không tính lãi kép, trong 30 năm, bạn sẽ có 540 triệu.

Tiết kiệm cùng một số tiền này với lãi kép 9% / năm, sau cùng một khoảng thời gian 30 năm, bạn sẽ có gần 2.75 tỷ. Khi bạn hiểu được những nguyên tắc cơ bản về sự kết hợp lãi kép với thời gian, bạn sẽ nhận ra việc tiết kiệm dù chỉ một số tiền nhỏ cũng có thể có một ảnh hưởng rất lớn cho giai đoạn nghỉ hưu của bạn.

8. Rủi ro

Khi bạn tìm cách làm gia tăng số tiền đang có, bạn sẽ luôn đối diện với những rủi ro. Cần hiểu rằng rủi ro là một phần của đầu tư, và bạn có thể gia tăng tài sản của mình bằng cách chấp nhận rủi ro một cách có cân nhắc. Trong khi đó, quá thận trọng hay mạo hiểm để làm giàu nhanh chóng đều có thể sẽ dẫn bạn đến một tương lai nghỉ hưu trong khốn khó.

7. Các kênh chuẩn bị cho hưu trí

Bên cạnh nguồn lương hưu từ bảo hiểm xã hội, hiện nay bắt đầu có nhiều sản phẩm hưu trí tự nguyện khác ra đời cho phép bạn đầu tư với ưu đãi về thuế để khuyến khích bạn tiết kiệm tiền cho giai đoạn hưu trí. Hiểu các công cụ này hoạt động như thế nào và tận dụng chúng là một phần thiết yếu của kiến thức tài chính cơ bản.

tai-chinh-ca-nhan

6. Quỹ chỉ số

Khi nói đến đầu tư, chiến lược đầu tiên và cơ bản nhất mà bạn cần hiểu là quỹ chỉ số. Theo thời gian, bạn sẽ còn cần tìm hiểu thêm nhiều khía cạnh khác của việc đầu tư, nhưng kiến thức về quỹ chỉ số là nền tảng đầu tiên để bạn có thể sử dụng kênh chứng khoán cho mục đích làm tăng trưởng tài sản.

Đó là cách đơn giản và hiệu quả về chi phí để đầu tư vào thị trường chứng khoán khi bạn không có nhiều tiền bạc và thời gian, nhưng lại cho phép bạn tận dụng lợi thế tối đa của lãi kép.

5. Vay mua nhà bằng thế chấp

Hiện nay, số lượng và điều kiện các gói vay mua nhà ngày càng nhiều và đa dạng, việc cập nhật tìm hiểu những thông tin và quy định mới rất cần thiết. Điều quan trọng cần nhớ là giá nhà đất không phải lúc nào cũng tăng, và bạn cần đảm bảo khả năng trả nợ không chỉ tính trên tháng mà là trong suốt vòng đời của khoản vay.

4. Hiện tượng tài sản bị mất giá

Không phải mọi thứ bạn mua đều là một sự đầu tư, có sự khác biệt quan trọng giữa tài sản tăng giá và tài sản mất giá mà chúng ta cần hiểu.

Nhiều thứ ta mua, như xe hơi chẳng hạn, sẽ bị giảm giá trị theo thời gian. Điều đó không có nghĩa rằng việc mua sắm những thứ này là không tốt, vì chúng có thể đóng vai trò giúp bạn tăng thu nhập. Tuy nhiên, bạn nên mua chúng ở mức giá tốt nhất có thể và không tốn kém nhiều hơn mức bạn cần.

Khi hiểu được một món hàng có thể tăng hay mất giá theo thời gian, bạn có thể sử dụng thông tin này một cách có lợi cho mình, ví dụ như mua chiếc xe đã qua sử dụng từ ba đến năm năm chẳng hạn.

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

3. Quỹ khẩn cấp

Cuộc sống sẽ luôn ném ra những khúc ngoặt bất ngờ ngay cả khi bạn đã lập kế hoạch kỹ lưỡng nhất. Nhận thức điều này có thể xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng với một quỹ khẩn cấp là một phần thiết yếu trong kiến thức tài chính của bạn.

Thiệt hại tài chính bất ngờ có thể xảy ra, và nguồn dự phòng khẩn cấp sẽ giúp bạn duy trì sự vững vàng về tài chính thay vì vật lộn với khó khăn.

2. Thuế

Mặc dù vấn đề này có vẻ rất rắc rối khó hiểu, bạn cũng cần nắm bắt cách thuế hoạt động như thế nào để hoạch định một cách hợp lý nhất, và còn để xác định những chứng từ nào cần lưu trữ để quyết toán hoàn thuế cho mình.

1. Lập ngân sách

Không có gì quan trọng hơn việc biết rõ tiền mình kiếm được đi về đâu.

Nếu bạn không biết mình đã chi tiêu cho những gì và không đảm bảo được bạn đang chi tiêu ít hơn số mình kiếm, thì bạn sẽ không có nguồn lực để vận dụng bất kỳ kiến thức tài chính nào được nhắc đến ở trên.

(Jeffrey Strain, chủ bút trang SavingAdvice – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: popsugar)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

 

TRUY CẬP BERICH