4 bẫy tâm lý làm bạn không tiết kiệm được và cách vượt qua

Không ai thích “trò đấu trí” lãng phí nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc. Nhưng có thể bạn cũng đang đấu trí với chính mình trong chuyện tiết kiệm. Có những hành vi nhất định, vốn tồn tại ở rất nhiều người trong chúng ta, làm tăng nguy cơ tiêu hết sạch tiền mình có. Hãy tránh bốn bẫy tâm lý hàng đầu khiến bạn không tiết kiệm được:

1. Phần não bản năng

Đôi khi bạn chỉ có thể đổ lỗi cho gen của mình.

Quay trở lại thời tiền sử, con người đã có một thời gian thực sự khó khăn để sinh tồn. Luôn luôn có một động vật ăn thịt bạo lực ẩn nấp đâu đó chực chờ xông ra. Tình trạng nguy hiểm liên tục đặt một phần bộ não chúng ta trong sự cảnh giác. Phần này thường được gọi là “não thằn lằn”, phụ trách các chức năng rất cơ bản như chiến đấu, dinh dưỡng, hay tình dục.

Bộ não thằn lằn làm tổ tiên chúng ta hành động cực kỳ cảm tính và sống như thể mỗi ngày đều là ngày cuối cùng của cuộc đời. Ăn đến miếng cuối cùng, và bỏ lại mọi thứ khi có dấu hiệu nguy hiểm. Các mối đe dọa liên tục giữ cho người tiền sử luôn sẵn sàng hành động và hành động một cách hấp tấp.

Nhiều thế kỷ trôi qua, con người đã tiến hóa tốt hơn, nhưng não thằn lằn vẫn là một phần trong bộ não của chúng ta, nên nhiều người trong chúng ta muốn hưởng thụ số tiền mình kiếm được ngay tức thì.

Cách vượt qua

Suy nghĩ tính toán về các nhu cầu tài chính liên tục sẽ khiến phần não thằn lằn của bạn chiếm quyền kiểm soát và làm bạn hành xử một cách cảm tính. Hãy đặt những mốc thời gian định kỳ để xem xét tình hình tài chính (ví dụ như hàng quý hoặc hàng năm) và thực hiện điều chỉnh sau khi phân tích cẩn thận. Rồi thì cứ để đó cho đến lần xem xét tiếp theo.

2. Sự mặc định

Chúng ta là những sinh vật của thói quen. Ai cũng có một bộ phim yêu thích có thể xem đi xem lại, hoặc một thương hiệu cà phê không thể thiếu hàng ngày.

Vấn đề của những sở thích là ở chỗ: chúng ta mặc nhiên rằng các điều kiện hình thành sở thích lúc ban đầu vẫn luôn tồn tại. Khi bạn mặc định cách thức chi tiêu của mình mà không cần suy nghĩ, bạn bỏ qua luôn chuyện mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu.

Lấy ví dụ, mỗi ngày một ly cà phê 30 nghìn. Giả sử rằng bạn bắt đầu thói quen đó từ những ngày mới đi làm. Bạn còn trẻ, không có máy pha cà phê, và bạn tận hưởng ly cà phê lúc ngồi trên xe buýt đến cơ quan. Bây giờ sau 10 năm, bạn đã có gia đình nhà cửa và lái xe đi làm, bạn vẫn mua một ly cà phê mỗi ngày? Vâng, nếu bạn ngừng chi tiêu 30 nghìn một ngày và dành dụm số tiền này để đầu tư với lợi nhuận hàng năm 8%, bạn đã có hơn 170 triệu sau 10 năm.

Cách vượt qua

Không hành động chỉ theo thói quen. Bạn hãy nhìn lại các hành vi hàng ngày của mình và tìm giải pháp thay thế rẻ hơn. Sau đó, cam kết đưa số tiết kiệm được vào tài khoản tiết kiệm, quỹ khẩn cấp hoặc quỹ hưu trí.

3. Thành kiến

Khi bạn tin vào một điều gì và chăm chăm đi tìm bằng chứng để củng cố thêm niềm tin của mình, bạn đang rơi vào xu hướng tự xác thực (confirmation bias). Hiện tượng tâm lý này làm bạn chỉ chú ý đến những nghiên cứu, tin tức, sự kiện củng cố định kiến ​​của bạn.

Giả sử bạn rất thích máy tính xách tay Mac và đang tìm mua một máy mới. Đây là cách xu hướng tự xác thực sẽ gây khó khăn cho bạn:

Nghiên cứu duy nhất bạn thực hiện là để đọc các trang web tập trung vào máy Mac. Bạn bỏ qua các trang thông tin nhiều dòng máy tính xách tay khác nhau, chẳng hạn như Consumer Reports.

Bạn chỉ ghé thăm một cửa hàng bán lẻ của Apple.

Bạn phủ nhận mọi dữ kiện chứng minh rằng bạn có thể có được một sản phẩm tốt tương đương (hoặc hơn) ở một mức giá rẻ hơn từ thương hiệu khác.

Khi được hỏi về lý do chính đằng sau việc mua Apple, bạn chỉ có thể trả lời “Tôi thích nó”.

Cách vượt qua

Đừng đưa ra quyết định mua hàng theo cảm tính hoặc theo kết quả đầu tiên từ tìm kiếm trên Google. Hãy cởi mở kiểm tra thông tin khách quan từ nhiều nguồn, và sẵn sàng loại bỏ một ý tưởng nếu có dữ kiện chứng minh rằng bạn sai.

khong-tiet-kiem-duoc

4. Sự thỏa mãn tức thì

Không ngày nào trôi qua mà tôi không nhìn thấy ai đó trích dẫn câu “Sống cho hiện tại” trên Instagram hay Facebook.

Với lựa chọn hưởng thụ 300$ ngay bây giờ hay nhận $5.000 sau sáu năm, hầu hết chúng ta sẽ chọn $300. Đó là khuynh hướng “hưởng thụ những thú vui của thời điểm này mà không lo ngại cho tương lai.” Hay nói ngắn gọn hơn là sự thỏa mãn tức thì.

Tuy nhiên, dữ liệu từ các thí nghiệm trong hơn bốn mươi năm đã chỉ ra rằng: khả năng trì hoãn sự thỏa mãn hay tự kiểm soát có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn để vượt qua mọi thách thức, bao gồm cả về tài chính.

Một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, Warren Buffett, là một người ủng hộ việc học cách tự kiềm chế. “Một người được ngồi trong bóng râm ngày hôm nay là vì có người đã trồng cái cây lâu thật lâu trước đây,” ông đã viết trong một lá thư gửi cho các cổ đông.

Cách vượt qua

Các nghiên cứu chỉ ra rằng để học trì hoãn sự thỏa mãn cho những tưởng thưởng lớn hơn về sau, cách tốt nhất là chứng thực nó. Ví dụ, nếu bạn tự hứa với bản thân rằng mình sẽ không dùng thẻ tín dụng trong ba năm để trả hết nợ, và rằng sau đó bạn sẽ có một chuyến đi nhỏ đến Las Vegas để ăn mừng, thì hãy đi khi bạn thành công.

Không giữ lời sẽ khiến bạn nghĩ “Cuối cùng tôi có được gì đâu” ở lần sau, khi bạn cố gắng chinh phục một cột mốc quan trọng về tài chính, và thế là bạn từ bỏ mục tiêu của mình. Hãy thực hiện lời hứa với bản thân mình cũng như với người khác.

(Damian Davila – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: lifehacker)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH