5 lời khuyên cho việc quản lý tiền nong chung với bạn đời của bạn

Hiện nay, nhiều người vẫn đang gặp vấn đề với chuyện tiền bạc, hoặc thường xuyên bị thâm hụt hoặc không biết sử dụng sao cho hợp lý. Và quản lý tiền nong chung với bạn đời càng dễ gây ra nhiều căng thẳng. Tiền bạc hiếm khi là chủ đề mà hai vợ chồng muốn thảo luận, tuy nhiên nhân tố quan trọng để một mối quan hệ hạnh phúc là tài chính phải ổn định. May mắn thay, cũng như những vấn đề khác trong một mối quan hệ, việc quản lý tài chính sẽ dễ chịu hơn khi chúng ta lắng nghe, chia sẻ và cảm thông với nhau. Dưới đây là 5 lời khuyên hữu ích để quản lý tài chính chung với bạn đời của bạn.

1. Lên lịch định kỳ để bàn bạc chuyện tiền nong

Những nguồn thu nhập, khoản chi tiêu hiện tại và các khoản phải chi trả trong tương lai cần được trao đổi thường xuyên mà không đợi đến lúc phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp. Trong các cuộc trao đổi này, bạn cần cởi mở chia sẻ mục tiêu tài chính cũng như thói quen chi tiêu của mình cho đối phương nắm để cùng nhau đưa ra một kế hoạch chung. Những chia sẻ thành thật, thẳng thắn của hai bạn về tiền bạc cũng sẽ góp phần làm tăng sự tin tưởng và cởi mở trong các vấn đề khác. Hãy lên lịch định kỳ hàng tháng để đôi bên trao đổi về tình hình ngân sách cũng như các vấn đề tài chính cần giải quyết. Thật ra, khi mọi thứ đang ổn định thì bạn chỉ cần trao đổi nhanh để đảm bảo gia đình không bị vướng vào những căng thẳng không đáng có.

2. Xác định tính cách tài chính của đối phương

Nếu người ấy là một người tiêu xài khá thoải mái trong khi bạn lại có lối sống tằn tiện, thì những cuộc thảo luận giữa hai bạn có thể hay bị chõi hơn các cặp đôi có thói quen tương đồng. Do vậy việc xác định “tính cách tài chính” của nhau – cách các bạn xử lý và suy nghĩ về tiền bạc – có thể giúp bạn và người ấy hiểu rõ hơn lý do tại sao đối phương lại hành động như vậy. Điều này giúp bạn tiếp cận chủ đề tiền nong với tâm thế ít căng thẳng hơn, và gợi mở để bạn cân nhắc từ góc nhìn của người ấy mà xây dựng các kế hoạch phù hợp cho cả hai.

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

3. Chia sẻ trách nhiệm về quản lý tài chính

Ngay cả khi một người có kỹ năng quản lý tài chính tốt hơn người kia, thì cả hai cũng nên chia sẻ công việc quản lý tài chính gia đình với nhau. Quản lý tài chính là trách nhiệm chung của đôi bên và cần sự trao đổi cởi mở để hạn chế xung đột. Cùng nhau lên kế hoạch ngân sách, bàn bạc với nhau khi gặp những vấn đề khó khăn về tài chính và cùng giải quyết thay vì để hết cho một người gánh. Dù rằng mỗi vấn đề nên có một người chịu trách nhiệm chính, thì sự chia sẻ góp sức của cả hai cũng giúp giảm nhiều áp lực.

4. Thống nhất các ranh giới

Bạn muốn dùng tài khoản riêng hay chung? Hay cả hai sẽ dùng chung một tài khoản chính và có một tài khoản riêng khác cho mình? Bạn cần phải quyết định phương án nào mình cảm thấy thoải mái nhất. Một số cặp vợ chồng muốn dùng tài khoản riêng và trích ra từ đó một khoản để đóng góp vào chi phí sinh hoạt chung của gia đình. Trong khi một số cặp đôi khác muốn gộp chung ngân sách của gia đình và trích ra từ đó một khoản chi phí sinh hoạt cá nhân cho mỗi bên. Dù quyết định phương án nào, chúng ta đều cần phải đặt ra một số nguyên tắc và ranh giới cụ thể về việc ai có quyền sử dụng số tiền của bạn và như thế nào.

tien-nong-chung_jw

5. Cam kết các mục tiêu tài chính đặt ra với nhau

Hãy cùng ngồi xuống và xem xét những thứ mà cả hai bạn muốn thực hiện để có thể hỗ trợ và tiếp thêm động lực cho nhau. Cho dù đó là thiết lập mục tiêu nghỉ hưu, tiết kiệm cho một kỳ nghỉ hoặc đưa ra quyết định đầu tư, hãy quyết định những gì cả hai bạn muốn thực hiện và cam kết theo đuổi các mục tiêu đó cùng với nhau. Nếu hai người không cùng nhìn về một hướng thì rất khó để giữ cho tài chính gia đình ổn định và đạt được những mục tiêu đã đề ra.

(Sabah Karimi, phụ trách chuyên mục của blog Wise Bread. Các bài báo tài chính cá nhân của cô đã xuất hiện trên tạp chí Time, MSN Money, Business Insider, AOL Finance, Yahoo Finance và USA Today… – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: JW)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH