5 sai lầm khi mua nhà phổ biến nhất và cách hạn chế

Từ lúc bắt đầu tìm kiếm nhà cho đến khi hoàn tất các thủ tục, bạn sẽ cần tính toán và làm rất nhiều thứ. Nên cũng không có gì bất ngờ nếu trong suốt quá trình bạn mắc phải một sai lầm nào đó. Nhưng trong trường hợp chi tiêu lớn như vầy, một bước đi sai cũng có thể khiến bạn hao tốn rất nhiều tiền bạc.

Dưới đây là năm sai lầm thường gặp ở người mua nhà, cùng với lời khuyên làm thế nào để hạn chế được chúng.

Bạn kỳ vọng sẽ thương lượng được giá tốt hơn sau khi đăng ký mua

Thị trường bất động sản đang nóng lên trên toàn quốc. Tại nhiều khu vực, căn nhà được mua với mức cao hơn giá chào bán.

Một số người sau khi giành chiến thắng với giá đặt mua cao, trong thời gian làm thủ tục đã cố gắng yêu cầu những khoản giảm và hỗ trợ chi phí.

Chiến lược này cũng có khi thành công, đặc biệt là ở những thời điểm mà bên bán yếu thế hơn. Nhưng hiện tại chúng ta đang ở trong một thị trường cạnh tranh giữa những người mua, nên bạn đừng trông chờ vào điều này. Khả năng cao là người bán sẽ có nhiều khách hàng dự phòng.

Vì vậy một chiến lược tốt hơn là: Hãy đưa ra lời chào mua tốt nhất có thể, và đừng trông chờ rằng bạn có thể thương lượng để hạ giá sau đó.

Bạn chờ đến phút cuối để thương lượng giảm giá

Tại Houston, một người rao bán nhà mình trên thị trường với thông tin minh bạch về tình trạng nhà có chỗ cần bảo trì. Một người chào mua và đã đi đến bước ký hợp đồng với người bán.

Lúc này, người mua mới đòi hỏi giảm giá bán với một mức khá vô lý. Người mua cho rằng người bán không muốn mất thời gian công sức rao bán nhà lần nữa, sẽ đồng ý luôn để xúc tiến ký hợp đồng.

Người bán đã đồng ý giảm giá, nhưng với mức giảm ít hơn người mua yêu cầu.

Cuối cùng người mua không đi tiếp giao dịch này. Còn căn nhà thì không lâu sau đó đã được bán với một mức giá cao hơn.

Điều rút ra ở đây là, bạn có thể yêu cầu chia sẻ chi phí nếu sau khi khảo sát, bạn nhận thấy công việc sửa chữa bảo trì có thể tốn kém nhiều. Nhưng đừng đinh ninh rằng bạn có thể buộc người bán đồng ý những yêu cầu không hợp lý vào giờ chót.

Bạn tìm kiếm giao dịch tốt nhất bằng mọi giá

Mọi người đều muốn tiết kiệm tiền, đặc biệt là với món hàng cao cấp như bất động sản. Nên một số người mua chào giá rẻ bèo mà vẫn mong giao dịch thành công. Lại có người vì muốn tiết kiệm mà bỏ lỡ ngôi nhà họ có thể đã mua được, để rồi kết cuộc lại tốn kém nhiều hơn.

Ví dụ, một người thuê nhà ở San Francisco đã dành ba năm tìm mua nhà với giá tốt nhất, bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Cuối cùng, chủ nhà muốn bán căn mà cô đang thuê, buộc cô tìm nhà trong áp lực về thời gian, và rốt cuộc phải chọn một giao dịch đắt đỏ.

Nếu không chần chừ lâu như vậy, cô ấy đã tiết kiệm cho mình rất nhiều tiền bạc và thời gian. Thậm chí cô có thể đã có một món hời nếu căn nhà tăng giá sau ba năm.

Trong một thị trường bất động sản đang tăng trưởng, các giao dịch phần lớn là những căn nhà cao giá chờ bán, hoặc ngược lại là các tài sản không tốt vì cần đầu tư sửa chữa thêm.

Nên nếu căn nhà bạn nghía có giá chấp nhận được, thuộc một khu vực tốt và không cần sửa chữa nhiều, thì hãy đưa ra mức chào mua thật ổn và chuẩn bị tinh thần chào cao hơn nếu cần.

sai-lam-khi-mua-nha

Bạn nghĩ bạn có thể tự làm mọi thứ

Ngày nay với rất nhiều thông tin giao dịch bất động sản trực tuyến, người mua nhà am hiểu công nghệ cho rằng họ có thể mua một ngôi nhà mà không cần sự trợ giúp của các đại lý bất động sản. Nhưng chiến lược này thường gây phản tác dụng.

Trước hết, vai trò của đại lý bất động sản không chỉ là tìm những giao dịch đang rao bán. Với Internet, người mua có thể dễ dàng tự tìm.

Vai trò hiện nay của đại lý là trình bày đề nghị của bạn với đại diện của bên bán, làm sao để được chấp thuận và đảm bảo kết thúc thành công.

Một đại lý am hiểu sẽ biết ngóc ngách của thị trường địa phương tốt hơn bạn, cũng như biết rõ câu chuyện hậu trường đằng sau các dự án.

Họ sẽ biết rằng một căn nhà tương đương (so với căn bạn đang xem xét) được bán rẻ hơn 5 phần trăm chỉ vì tài sản có vấn đề cần sửa chữa hoặc chút rắc rối về thủ tục.

Nếu không có đại lý, bạn sẽ chỉ thấy đơn giản rằng có một căn nhà tương đương đang được bán rẻ hơn. Bạn sẽ yêu cầu người bán cũng giảm 5 phần trăm – và ngạc nhiên khi người bán từ chối.

Một điểm cộng khác là các đại lý có kinh nghiệm luôn có một mạng lưới rộng tại thị trường địa phương.

Và một số người bán có thể yêu cầu người mua liên hệ thông qua các đại lý.

Cuối cùng, thông thường người bán là người trả tiền hoa hồng, do đó việc có một đại lý tìm nhà cho bạn không khiến bạn tốn chi phí gì.

Quan trọng nhất, trong quá trình giao dịch bất động sản phức tạp sẽ có khi bạn phát sinh nghi ngờ hoặc thắc mắc lớn. Đại lý của bạn có thể là cố vấn đáng tin cậy giúp bạn đi qua các mê cung.

Bạn không nghĩ đến lúc mình vào vai người bán

Nhiều khả năng, vào một lúc nào đó trong tương lai bạn sẽ cần phải bán lại căn nhà bạn sắp mua. Đó là lý do tại sao bạn cần suy nghĩ như một người bán.

Câu chuyện minh họa: một người mua ở San Francisco đã mua một ngôi nhà không có chỗ để xe. Căn nhà ở mặt tiền nhiều đường qua lại, ông định sẽ thuê chỗ để xe nếu cần.

Ba năm sau đó, thị trường yếu đi, nhưng ông cần bán căn nhà. Ông cho rằng giá nhà của mình không thấp hơn một căn tương đương có chỗ để xe, vì ngôi nhà có ưu thế vị trí ngay trung tâm.

Vấn đề là, nhiều người mua lái xe đi làm, và họ không muốn mạo hiểm với khả năng chỗ cho thuê để xe không còn.

Kết quả là nhiều người mua thậm chí không nhìn đến hình ảnh nhà ông giới thiệu trên mạng, chứ nói chi đi xem nhà – chỉ vì nó thiếu chỗ để xe.

Vì vậy, khi bạn mua một ngôi nhà, hãy đặt mình vào vị trí của người bán. Bạn sẽ không muốn mua một ngôi nhà như mơ để rồi đến lúc cần bán lại trở thành một cơn ác mộng.

(Zillow – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: realtor)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

 

TRUY CẬP BERICH