6 bước kiểm tra xem gia đình bạn có đủ sống với 1 nguồn thu nhập duy nhất

Dù bạn chọn ra ngoài đi làm hay ở nhà để nuôi dạy con cái, thì đây là một quyết định cá nhân thường kéo theo vô số cảm xúc từ cả hai vợ chồng. Bạn có thể cân nhắc mọi mặt lợi hại, nhưng có một câu hỏi cơ bản cần được giải quyết trước khi cuộc tranh luận bắt đầu, đó là:

Bạn có đủ khả năng không?

Đối với tôi, đây là điều tôi ước gì mình đã tự hỏi bản thân trước khi lập gia đình. Tôi đã không xem việc ở nhà nuôi con là một lựa chọn, nên không nghĩ rằng mình cần lên kế hoạch cho nó.

Khi đứa con đầu tiên của tôi ra đời, tất cả mọi thứ thay đổi. Tôi bất ngờ khi phải đối mặt với chi phí nuôi con đắt đỏ, nhưng lại cảm thấy mâu thuẫn với ý định trở lại làm việc toàn thời gian. Tôi đã không lường trước thực tế rằng mình không thể vừa làm mẹ vừa làm việc. Sau một thời gian cố gắng xoay sở, chồng tôi và tôi quyết định rằng tôi sẽ nghỉ ở nhà làm nội trợ.

Có vài yếu tố chúng tôi đã không cân nhắc trước khi thay đổi thành hộ gia đình chỉ có 1 nguồn thu nhập, mà phải mất vài năm khó khăn sau đó chúng tôi mới tìm thấy giải pháp cho ngân sách của gia đình.

Nếu bạn đang dự định lập gia đình (hoặc thậm chí nếu bạn đã có con) và muốn cân nhắc lựa chọn nghỉ làm để ở nhà, thì hãy tham khảo sáu bước dưới đây để tìm giải pháp về tài chính:

1. Theo dõi mọi chi tiêu

Ghi nhận lại những chi tiêu của bạn và gia đình trong hai tháng, chia thành ba loại:

  • Chi phí cố định: bao gồm các chi tiêu thiết yếu của cuộc sống như nhà ở (tiền thuê nhà hay trả nợ vay thế chấp), đi lại, thực phẩm, tiện ích, quần áo, bảo hiểm và các khoản dành dụm hay đầu tư.
  • Chi phí phụ: gồm mọi chi tiêu không thiết yếu như đi ăn ngoài, giải trí, làm đẹp, du lịch, gym…
  • Chi phí khẩn cấp: những chi tiêu ngoài dự kiến như sửa xe, y tế, và sửa chữa nhà.

2. Ước lượng các chi phí nghề nghiệp dài hạn

Tiếp theo, hãy tính đến các chi phí dài hạn liên quan đến chuyện nghỉ việc. Không đi làm vài năm có nghĩa là khi quay trở lại mức lương của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Bạn cũng sẽ mất một khoản tiền bảo hiểm xã hội do công ty đóng cho bạn. Bạn sẽ càng khó tìm việc hơn nếu các kỹ năng công việc bị tụt hậu so với công nghệ.

3. Nhìn lại xem bạn tốn bao nhiêu chi phí cho công việc

Đúng vậy, bạn phải bỏ ra chi phí để có thu nhập! Có tiền xăng xe bạn chi cho đi lại, hoặc tiền gửi xe, vé xe buýt tháng. Đừng quên tiền ra ngoài ăn trưa, cafe, và các tiệc sinh nhật đồng nghiệp.

Và bạn có biết khoản chi phí lớn nhất là gì không? Đó là chi phí giữ trẻ. Các mức giá khác nhau từ thị xã đến thị trấn, theo độ tuổi của trẻ, và cũng phụ thuộc vào loại hình bạn chọn: giữ trẻ sống chung nhà, giữ trẻ theo giờ, nhà trẻ…

4. Thực hiện phép tính

Hãy lấy tổng thu nhập của hai người trừ đi con số bạn đã tính toán trong bước 3. Đem so sánh kết quả với thu nhập gia đình khi chỉ còn một người đi làm. Nếu chênh lệch quá lớn, khả năng là bạn không thể chọn phương án này. Nếu 2 số xấp xỉ nhau, thì dự định ở nhà nuôi con của bạn có thể khả thi với một số điều chỉnh nhỏ về lối sống.

Từ đó hãy quyết định những gì bạn không thể cũng như có thể sống thiếu. Đối với gia đình chúng tôi là từ bỏ truyền hình cáp, đi làm tóc định kỳ hàng tuần, và đi ăn ngoài… Tôi cũng hạn chế shopping, còn đồ cho con thì chủ yếu tìm mua quần áo cũ. Thậm chí tôi đã học được làm thế nào để tự làm móng cho mình.

Một lời khuyên là, đừng khiến cho việc cắt giảm này quá nặng nề. Nếu bạn từ bỏ quá nhiều thứ cùng một lúc, có thể bạn sẽ cảm thấy bị tước đoạt và phản tác dụng. Hãy thực hiện việc cắt giảm từ từ theo thời gian để xem bạn có thể sống trong giới hạn nào. Nếu cuộc sống trở nên tẻ nhạt khi không còn tách cà phê buổi sáng, thì có lẽ nó xứng đáng để giữ lại và thay bằng việc cắt giảm đặt báo tháng. Tất cả chúng ta đều có điểm yếu riêng của mình.

o-nha-nuoi-con-davidcharlton

5. Hãy “nghĩ bên ngoài chiếc hộp”

Trong khi bạn có thể phải từ bỏ một vài thứ xa xỉ để đổi lấy thời gian cho con cái, cũng có nhiều lựa chọn thay thế để kiếm thêm ít tiền. Có thể công ty bạn cho phép bạn làm việc bán thời gian hoặc từ xa, cũng có thể bạn được thuê dạng cộng tác viên cho một dự án. Một số bà mẹ đã thương lượng làm việc lâu hơn từ thứ Hai đến thứ Năm để được nghỉ ngày thứ Sáu.

Tôi cũng biết những người mẹ đã kiếm thêm thu nhập bằng việc biến kỹ năng nuôi dạy trẻ của chính mình thành việc làm bằng cách cung cấp các dịch vụ giữ trẻ tại nhà, và những người khác thì tìm được việc làm phụ với các doanh nghiệp mỹ phẩm, nữ trang… Dù vậy, cả hai lựa chọn này cần một số vốn đầu tư ban đầu, nên hãy tìm hiểu và chuẩn bị kỹ nếu bạn bạn quyết định bước vào.

6. “Sống thử” trước khi cần

Lý tưởng nhất, bạn hãy thử sống với kế hoạch ngân sách cắt giảm trước khi đến thời điểm buộc phải điều chỉnh, hay nói cách khác, trước khi bạn thực hiện bất kỳ quyết định lâu dài nào chẳng hạn như từ bỏ công việc.

Hãy sống với một thu nhập duy nhất trong vài tháng và đưa thu nhập thứ hai vào tài khoản tiết kiệm. Cách này không chỉ cung cấp cho bạn một cái nhìn thực tế về sự thay đổi, mà còn giúp bạn có một khoản dành dụm chuẩn bị cho sự ra đời của thiên thần nhỏ. Bạn cũng sẽ có thời gian để điều chỉnh kế hoạch trước khi bước vào những thay đổi lớn nhất của cuộc sống: trở thành cha mẹ.

(Morgan Quinn – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: davidcharlton)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH