6 điều bạn cần biết trước khi đăng ký vay tiêu dùng

Gần đây tôi có liên hệ với ngân hàng của mình để hỏi về các mức phí khi dùng thẻ ghi nợ cho một chuyến du lịch nước ngoài sắp tới. Tôi cười phá lên khi ngân hàng trả lời bằng câu hỏi, “Chị có muốn đăng ký một khoản vay tiêu dùng để chi tiêu cho kỳ nghỉ của mình không?”

Có rất nhiều lý do hợp lý để đi vay tiêu dùng, nhưng du lịch không phải là một trong số đó. Khoản vay tiêu dùng cá nhân thực chất là hình thức vay tín chấp (không có bảo đảm) mà bạn nhận được dựa trên uy tín và thu nhập – không giống như khoản vay mua nhà sử dụng nhà của bạn làm tài sản thế chấp. Các khoản vay tiêu dùng có những điểm lợi thế cũng như bất lợi so với các khoản vay thế chấp, do đó, việc quyết định xem bạn có nên đi vay khi cần tiền mặt hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình cá nhân của bạn.

Dưới đây là những gì bạn nên cân nhắc trước khi đăng ký khoản vay tiêu dùng cá nhân.

1. Lãi suất có thể cao hơn bạn tưởng

Khi bạn nghe các phương tiện truyền thông đề cập đến lãi vay, họ thường nói về tỷ lệ vay thế chấp ưu đãi trong 1-2 năm đầu, tầm khoảng 6-8% / năm. Nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân sẽ ít nhất là gấp đôi con số đó. Lý do cho sự khác biệt này là: Khi bạn vay thế chấp với tài sản đảm bảo là căn nhà của mình, có nghĩa là bạn đang hứa hẹn sẽ từ bỏ căn nhà nếu bạn không thể trả được nợ. Vì vậy so với khoản vay tiêu dùng cá nhân thì rủi ro phía bạn lớn hơn và rủi ro phía ngân hàng ít hơn. Đổi lại, các ngân hàng sẽ cho bạn một mức lãi suất thấp hơn trên các khoản vay có tài sản đảm bảo.

2. Điểm tín dụng của bạn rất quan trọng đối với các khoản vay tiêu dùng

Không có tài sản thế chấp, các bên cho vay phải dựa trên uy tín cá nhân của bạn. Hãy chuẩn bị tinh thần rằng lãi suất áp cho bạn có thể tăng cao (lên đến 36%/năm) nếu điểm tín dụng của bạn chỉ ở mức trung bình hoặc thấp.

3. Vay tiêu dùng không phải là giải pháp dài hạn

Trong khi khoản vay thế chấp thông thường có thể được trả dần qua nhiều thập kỷ, các điều khoản cho vay cá nhân thường được giới hạn trong 7 năm hoặc ít hơn. Cũng có nghĩa là nếu bạn đang cố gắng mượn nhiều tiền, chẳng hạn như để sửa sang lại ngôi nhà, thì khoản trả nợ hàng tháng có thể quá cao so với ngân sách cho phép.

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

4. Các khoản vay tiêu dùng có thể là cứu cánh khi bạn cần tiền mặt ngay

Khi phát sinh nhu cầu tài chính khẩn cấp như tủ lạnh hư, một hóa đơn y tế bất ngờ… nhiều người dựa vào thẻ tín dụng hoặc vay nóng theo ngày để giải quyết. Những bên cho vay này rất đắt đỏ nhưng hấp dẫn, bởi vì trong những tình huống như vậy bạn không có thời gian để ngồi xuống làm hồ sơ đăng ký một khoản vay đảm bảo.

Trong khi đó, bạn có thể được duyệt một khoản vay tiêu dùng cá nhân trong vòng hai tuần kể từ ngày đăng ký, thành ra nó chỉ chậm hơn một chút so với các giải pháp vay thẻ tín dụng hay vay nóng, mà khả năng là chi phí phải chăng hơn nhiều.

5. Vay tiêu dùng có thể giúp bạn tiết kiệm hơn trên các khoản nợ hiện tại

Một trong những lợi ích phổ biến nhất của vay tiêu dùng cá nhân là hợp nhất các khoản nợ hiện tại, như nợ thẻ tín dụng hay vay mua xe. Bạn có thể nhận được mức lãi suất thấp hơn mức bạn đang phải trả, và cũng tiện thu xếp hơn khi chỉ có một hóa đơn thanh toán mỗi tháng. Tuy nhiên, khi chuyển đổi như vậy, bạn nên tìm hiểu và so sánh kỹ những điều khoản, mức lãi suất… giữa khoản vay cũ và mới.

6. Để ý các khoản phí

Một số bên cho vay sẽ cố gắng bán thêm gói bảo hiểm hoặc các khoản bổ sung khác. Bạn có thể cần hoặc không cần một gói bảo hiểm để đảm bảo rằng người thân của mình sẽ không phải gánh nợ cho bạn nếu có rủi ro gì xảy ra, nhưng đó là một quyết định tài chính riêng biệt mà bạn nên tìm hiểu và cân nhắc, chứ không chỉ vì bạn được bảo rằng đó là yêu cầu bắt buộc.

Ngoài ra, hãy hỏi bên cho vay có quy định phạt nếu trả nợ sớm không, để tránh bị tốn chi phí cho trường hợp này.

(Carrie Kirby, cây bút chuyên viết về tài chính cá nhân, công nghệ và du lịch, cựu phóng viên của The San Francisco Chronicle – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: bankbazaar)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH