6 lý do vì sao bạn nên biết giá trị tài sản ròng của mình

Giá trị ròng là thước đo có thể nói là quan trọng nhất đối với tài sản cá nhân. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đang muốn gia tăng tài sản tích lũy để nghỉ hưu, hay nói cách khác là không bị lệ thuộc vào công ăn việc làm, có sự tự do về tài chính. Nhưng chính xác thì giá trị này là gì và làm thế nào để ta tính toán được?

Giá trị tài sản ròng (net worth) là gì?

Theo một định nghĩa đơn giản thì đó là chênh lệch giữa tài sản của bạn và nợ của bạn.

Tài sản – Nợ phải trả = Giá trị tài sản ròng

Ví dụ nếu bạn có tổng tài sản là 2 tỷ và tổng các khoản nợ là 1.25 tỷ, thì giá trị tài sản ròng của bạn sẽ bằng 750 triệu.

Tại sao giá trị tài sản ròng lại quan trọng?

Có ít nhất 6 lý do cho việc tại sao bạn cần biết giá trị tài sản ròng của mình:

1. Giá trị ròng là thước đo chính xác nhất của sự giàu có: Bạn sẽ không thể biết chính xác mình giàu có như thế nào nếu không biết giá trị thực của mình là gì.

2. Để theo dõi tài chính của bạn đang tiến triển ra sao: Vì giá trị ròng là một con số cụ thể được tính toán chính xác, nên qua đó bạn có thể đo sự tiến bộ tài chính của mình từ năm trước sang năm sau. Giá trị ròng tăng dần là chỉ báo tốt, còn nếu nó giảm dần nghĩa là bạn cần phải cố gắng hơn.

3. Để không chỉ chú trọng vào mức thu nhập: Các khái niệm về sự giàu có và thịnh vượng thường được phân loại theo thu nhập. Mặc dù thước đo này có một số công dụng, nhưng nó không tính đến chi tiêu, thuế và các yếu tố khác. Ngay cả khi thu nhập của bạn đang tăng, nếu giá trị tài sản ròng đi ngang hoặc giảm, thì có thể là tình hình tài chính của bạn không được cải thiện chút nào.

4. Để không chỉ chú trọng vào giá trị tài sản: Một số người xem giá trị tài sản như thước đo cho sự giàu có cá nhân của họ. Ví dụ: họ tự hào tuyên bố tài sản 3 tỷ mà bỏ qua khoản nợ hết 2 tỷ rồi. Vấn đề không phải là hai con số này lớn thế nào, mà là hiệu số giữa chúng được bao nhiêu.

5. Để nhìn nhận mức nợ của bạn một cách đúng đắn hơn: Một khoản nợ lớn nghe khá đáng sợ, nhưng nếu nó nhằm tài trợ cho một tài sản giá trị lớn hơn thì đó có thể là một khoản nợ tốt. Ví dụ khi bạn vay 300 triệu để mua căn nhà trị giá 1 tỷ đồng.

6. Khi bạn đi vay, các bên cho vay thường xem giá trị này như một tiêu chí để đánh giá hồ sơ vay và quyết định có duyệt khoản vay này hay không.

Gia-tri-tai-san-rong-financialjuneteenth

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

Làm thế nào để tính giá trị tài sản ròng?

Bắt đầu bằng cách tính tổng các tài sản của bạn:

  • Tài sản lưu động: Bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi và các khoản tương đương tiền khác.
  • Các khoản đầu tư hưu trí: Bao gồm BHXH cũng như các chương trình đầu tư hưu trí không bắt buộc.
  • Các tài sản đầu tư khác: Bao gồm các khoản đầu tư không nhằm mục đích hưu trí.
  • Bất động sản: Bao gồm giá trị thị trường của nơi cư trú chính của bạn, và cả những bất động sản khác bạn sở hữu để đầu tư, nghỉ dưỡng v.v… Hiện tại ở Việt Nam cũng đã có một vài trang web định giá bất động sản để bạn tham khảo như gachvang.com, dinhgianhadat.vn…
  • Tài sản hoặc cổ phần kinh doanh: Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn có thể cộng vào giá trị ròng của doanh nghiệp hoặc bất kỳ tài sản kinh doanh quan trọng nào mà bạn có. Dù vậy hãy thận trọng vì các khoản này không phải lúc nào cũng dễ dàng chuyển thành tiền mặt.
  • Tài sản cá nhân: Có thể là ô tô, đồ đạc, đồ trang sức… Nhiều người không đưa các tài sản này vào tính toán vì họ không có ý định bán chúng, hoặc vì có bán cũng chẳng được bao nhiêu. Nên hãy đặc biệt thận trọng nếu bạn muốn tính chúng vào.
  • Các khoản cho vay cá nhân: Đây là những khoản bạn đã cho gia đình, bạn bè hoặc các cộng sự kinh doanh vay mượn. Chỉ tính số mà bạn có khả năng thu hồi.
  • Tài sản khác: Bao gồm các tài sản không nằm trong bất kỳ nhóm nào ở trên, chẳng hạn như giá trị hoàn lại từ bảo hiểm nhân thọ.

Tiếp theo là tính tổng các khoản nợ của bạn:

  • Vay thế chấp: Thường là khoản vay mua nhà, cũng có thể là thế chấp đầu tư hoặc mua tài sản giải trí nào đó.
  • Vay trả góp: Thường là khoản vay mua xe, cũng có thể là vay mua các món khác như xe máy hay đồ gia dụng.
  • Nợ thẻ tín dụng: Khoản nợ này cần theo dõi thường xuyên vì dư nợ thay đổi liên tục.
  • Vay kinh doanh: Trường hợp khoản này do bạn vay với danh nghĩa cá nhân thì nó thuộc về trách nhiệm cá nhân bạn và phải được tính vào giá trị tài sản ròng của bạn.
  • Vay cá nhân: Bao gồm các khoản bạn mượn từ người thân, bạn bè hoặc cộng sự kinh doanh.
  • Những khoản nợ khác: Bao gồm nghĩa vụ thuế hoặc bất kỳ khoản nợ nào khác không nằm trong các nhóm trên.

Tiếp theo, lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ, kết quả sẽ là giá trị tài sản ròng của bạn.

Nếu con số này thấp hoặc thậm chí bị âm, bạn dễ cảm thấy mất động lực, tuy nhiên hãy xem đó như là một điểm xuất phát và bạn có thể thay đổi nó trong tương lai, bằng cách gia tăng tích lũy tài sản trong khi kiểm soát mức nợ, hoặc tập trung thanh toán dứt nợ trong khi bảo toàn mức tài sản, hoặc kết hợp cả hai.

(Kevin Mercadante, blogger chuyên viết về tài chính cá nhân – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: financialjuneteenth)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH