6 quan niệm sai lầm về vay mua nhà thế chấp

Vay mua nhà thế chấp khá phức tạp và khó hiểu.

Vì hầu hết mọi người chỉ có thể mua một căn nhà, cũng dễ hiểu khi người mua nhà tiềm năng không dành nhiều thời gian để trang bị hiểu biết về hình thức và quy trình vay thế chấp.

Chúng tôi đã biên soạn danh sách các quan niệm sai lầm phổ biến về vay mua nhà thế chấp dựa trên các kết quả cuộc khảo sát công bố bởi Mortgage IQ Survey (2013).

1. “Lãi suất phản ánh chi phí thực sự của khoản vay”

Chi phí thực sự của khoản vay ngoài lãi suất còn có bảo hiểm khoản vay (nếu có) và các loại phí như phí chứng thực, phí thẩm định, phí xử lý… được tính thành một tỷ lệ theo năm (APR – annual percentage rate). Không bao gồm chi phí mua bảo hiểm nhà ở.

Vì vậy APR thường cao hơn lãi suất. Và khi tìm kiếm lựa chọn gói vay, tốt nhất bạn nên so sánh các gói vay dựa trên APR thay vì lãi suất, vì nó giúp bạn biết chính xác hơn về tổng chi phí trong suốt vòng đời của khoản vay.

2. “Lãi vay thế chấp chỉ được công bố một lần mỗi ngày”

Lãi vay thế chấp có thể thay đổi thường xuyên, đôi khi đáng kể, trong suốt cả ngày. Và các ngân hàng cho vay có thể chủ động việc quyết định. Vì vậy cần tìm hiểu để so sánh chọn ra vài mức lãi suất tốt nhất.

3. “Tất cả các bên cho vay bắt buộc áp dụng cùng một mức phí cho việc định giá và các báo cáo tín dụng”

Luật không yêu cầu điều này. Trong thực tế, để gói vay tăng tính cạnh tranh, một số ngân hàng có thể miễn phí cho các dịch vụ này. Ngược lại, một số ngân hàng có thể tính phí cao hơn. Vì vậy cũng cần tìm hiểu và so sánh thông tin này.

Hãy chắc chắn rằng bạn có được thông tin ít nhất ba gói vay trước khi tiến hành.

4. “Bạn sẽ luôn nhận được mức lãi suất tốt nhất tại ngân hàng bạn đang có tài khoản thanh toán”

Đúng là một số ngân hàng ưu đãi cho khách hàng của họ, nhưng không hẳn là ngân hàng của bạn sẽ cho bạn mức lãi suất tốt nhất chỉ đơn thuần vì bạn có tài khoản ở đó.

Để nhận được gói vay cạnh tranh về lãi suất và các điều kiện, hãy tham khảo nhiều bên – bao gồm cả ngân hàng của bạn – bằng trực tuyến hoặc gặp gỡ trực tiếp và chọn ra cái tốt nhất.

5. “Khi đăng ký vay cùng với vợ hoặc chồng, ngân hàng sẽ xem xét báo cáo tín dụng của mỗi người như nhau để xác định lãi suất áp dụng cho bạn”

Ngân hàng lấy điểm tín dụng của cả hai từ các trung tâm thông tin tín dụng. Sau đó, họ sẽ tính điểm trung bình của mỗi người và sử dụng điểm thấp hơn để xác định lãi suất gói vay của bạn.

Điều này có nghĩa rằng người vay có uy tín tín dụng thấp hơn sẽ có ảnh hưởng lớn hơn, bất kể ai là người đi vay chính và ai là phụ.

6. “Bạn không thể thay đổi gói vay của mình”

Bạn có thể chuyển đổi khoản vay để giảm lãi suất hoặc thay đổi các điều kiện của gói vay hiện tại, tùy vào thỏa thuận giữa hai bên.

Một quy tắc kinh nghiệm là chờ đến khi khoản chênh lệch giữa lãi suất hiện tại và lãi suất chuyển đổi nếu cộng dồn trong 2 năm đủ bù đắp cho chi phí chuyển đổi mà bạn bỏ ra.

Thời gian bạn có kế hoạch định cư cũng nên được xem xét. Nói chung, thời gian càng dài thì việc chuyển đổi càng có lợi hơn.

(Zillow – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: mortgagelendersloans)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH