Cho dù là khoản chi khẩn cấp ngoài dự kiến hay khoản mua sắm thiết yếu lớn, những tình huống này thường không thể tránh khỏi việc vay tiền. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu khi nào thì một khoản vay thực sự là đúng đắn.
1. Khi bạn có thể dễ dàng thanh toán các khoản nợ
Điều này có vẻ như không cần nghĩ cũng biết, nhưng trong lúc đang tuyệt vọng đôi khi người ta sẽ tìm đến các khoản vay lớn mà họ không thể nào trả được. Trước khi đăng ký bất kỳ khoản vay nào, bạn thử lập một kế hoạch ngân sách bao gồm cả chi phí trả nợ. Nếu thấy kế hoạch không khả thi thì bạn cần xem xét lại ý định này.
Đừng tự ru mình rằng bạn sẽ tìm thấy cách nào đó để giải quyết. Thay vì thế, hãy quan tâm đến việc đảm bảo các nguồn thu nhập bổ sung trước khi đặt bút ký. Có một việc làm thêm, bán hàng online, hoặc làm bất cứ điều gì khác mà bạn cần để việc trả nợ trở nên khả thi. Hãy đạt được điều đó trước khi bạn đăng ký vay – bằng không, bạn sẽ chỉ tự tạo thêm căng thẳng tài chính cho mình.
2. Khi món hàng bạn định vay để mua là cần thiết
Đi vay không bao giờ là một ý tưởng tốt nếu bạn dùng tiền đó để tài trợ cho một lối sống vượt quá khả năng của mình. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình cần trang bị một món gì đó thiết yếu trong khi lại không đủ khả năng, thì đi vay có thể là một ý tưởng tốt.
Xin nhấn mạnh là tôi đang nhắc đến các nhu cầu cơ bản. Nếu bạn phải lái xe đi làm, bạn cần có một chiếc xe chạy được. Nếu bạn sống ở vùng khí hậu lạnh, bạn cần có lò sưởi. Hầu hết những món này không thể chờ đợi cho đến khi bạn đã dành dụm đủ, do đó bạn cần đăng ký một khoản vay.
3. Khi bạn có điểm tín dụng tốt
Nếu bạn có điểm tín dụng tốt, có thể bạn sẽ được áp dụng mức lãi suất thấp hơn. Và bản thân điểm số này cũng là một chỉ báo rằng bạn đang quản lý nợ hiệu quả.
Nhưng một lần nữa, hãy chắc chắn rằng bạn có thể thanh toán khoản vay! Nếu không, bạn sẽ làm hỏng điểm tín dụng của mình.
4. Khi lãi vay thấp hơn lợi nhuận đầu tư của bạn
Nhiều người nghĩ rằng họ nên sử dụng tiền từ các khoản đầu tư của mình trước khi xem xét đi vay. Lựa chọn này có lúc là đúng đắn, nhưng cũng có khi giải pháp không đụng đến khoản đầu tư mà thay vào đó là đi vay thì lại tốt hơn về mặt tài chính. Ví dụ, nếu danh mục đầu tư của bạn tạo ra lợi nhuận 15% hàng năm, nhưng lãi suất của một khoản vay chỉ có 10%, thì sẽ không hợp lý khi để mất đi 5% chênh lệch lợi nhuận mà danh mục đầu tư của bạn đang tạo ra.
Nếu lãi suất của khoản vay thấp hơn lợi nhuận đầu tư và bạn có khả năng thanh toán tiền vay, thì hãy đi vay và giữ nguyên khoản đầu tư. Ngược lại, khoản tiền từ danh mục đầu tư có thể là một nguồn khôn ngoan để thanh toán cho các khoản vay lãi suất cao, chẳng hạn như vay thẻ tín dụng. Dù vậy, đừng bao giờ đụng đến quỹ dự phòng khẩn cấp – đó là số tiền bạn sẽ cần cho những trường hợp khẩn cấp thực sự. Trừ khi bạn đang đối mặt với phá sản hoặc một vụ việc pháp lý, còn lại nợ lãi suất cao không thật sự là một trường hợp khẩn cấp để phải làm thâm hụt quỹ dự phòng của bạn.
5. Khi bạn có thể hoàn trả sớm
Đôi khi bạn biết tương lai mình sẽ có một khoản tiền, chỉ là hiện tại chưa có. Nếu bạn cần chi tiêu lớn trước khi tiền đến, bạn có thể tiến hành vay và hoàn trả ngay sau khi nhận được món tiền này.
Nhưng nếu bạn tiếp cận theo hướng này, cần đảm bảo rằng khoản vay của bạn không có quy định về việc phạt thanh toán trước hạn.
Chiến lược này phù hợp với những người có tiền thưởng hoặc được chi trả hoa hồng định kỳ hàng quý hoặc hàng năm, miễn là bạn không ước tính món tiền này quá cao so với thực tế.
6. Khi bạn đủ điều kiện cho một khoản vay “đặc biệt”
Hiện có rất nhiều khoản vay “đặc biệt” trên thị trường, hầu hết từ các chương trình của chính phủ hỗ trợ cho những việc như mua nhà, giáo dục… Các khoản vay này thường có điều khoản trả nợ rất thuận lợi. Ví dụ như gói vay 30.000 tỷ giúp chúng ta mua nhà dễ dàng hơn.
Tóm lại, vay tiền là chuyện mà một người có trách nhiệm không bao giờ muốn làm. Tuy nhiên, đôi khi đi vay là cần thiết để đáp ứng những mục tiêu lớn, và trong các trường hợp trên, thì lựa chọn này không phải là ý tưởng tồi.
(Sarah Winfrey, chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: ed.gov)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…