Tài chính cá nhân có thể là một vấn đề phức tạp đến nỗi đôi khi khó nhận định được là bạn có đang đi đúng hướng hay không.
Chúng tôi đúc kết lại một số quy tắc tài chính cá nhân liên quan đến các vấn đề cơ bản như tiết kiệm, quản lý nợ, hưu trí, và mua nhà.
Chẳng có quy tắc nào là hoàn hảo, nhưng chúng có thể giúp bạn kiểm tra nhanh xem tình hình tài chính của mình có nằm trong giới hạn cho phép hay không.
1. Tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập của bạn
Một nguyên tắc chung là bạn nên tiết kiệm ít nhất 10% số tiền lương mang về nhà. Nếu bạn kiếm được 250 triệu một năm, có nghĩa là bạn nên dành dụm lại khoảng 2 triệu mỗi tháng. Ben Barzideh, nhà quản lý tài sản của Piershale Financial Group nói tiết kiệm sớm và đều đặn có thể giúp bạn khai thác sức mạnh của lãi kép.
Nếu bạn dành dụm ở mức đó, và đem nó đi đầu tư sinh lời ở mức 5% một năm, thì trong mười năm bạn sẽ có gần 350 triệu. Và nếu bạn vẫn tiếp tục tích lũy thêm mười năm nữa, bạn sẽ có hơn 850 triệu, trong đó bạn chỉ đóng góp 500 triệu, phần còn lại thu được từ tăng trưởng và lãi kép.
2. Có một quỹ dự phòng khẩn cấp bằng ít nhất ba tháng chi phí sinh sống
Ngoài khoản tiền chi tiêu và tiền dành dụm cho hưu trí, bạn nên cố gắng có một “quỹ khẩn cấp” với giá trị 3-6 tháng chi phí sinh hoạt.
Quỹ này giúp bạn trang trải các chi phí lớn bất ngờ không thể tránh khỏi. Khi xe của bạn bị hỏng, mái nhà bị rò rỉ hoặc bạn bị thất nghiệp, bạn muốn có một số tiền để chi trả các hóa đơn.
Số tiền này nên được để trong một tài khoản có thể dễ dàng rút ra, nhưng cần giới hạn nghiêm ngặt chỉ rút cho các trường hợp khẩn cấp.
Khi bạn không có một quỹ khẩn cấp, bạn sẽ có nguy cơ lạm dụng thẻ tín dụng để rồi phải trả lãi cho các thanh toán của mình.
3. Trang bị bảo hiểm nhân thọ có giá trị ít nhất 6 lần thu nhập của gia đình bạn
Nguyên tắc chung về mức bảo hiểm nhân thọ là từ sáu đến mười lần thu nhập gia đình bạn.
Nên với một gia đình thu nhập năm tổng cộng là 250 triệu, bạn cần có mức bảo hiểm ít nhất là 1,5 tỷ đồng. Con số chính xác sẽ khác nhau tùy thuộc vào số con nhỏ, kế hoạch gia đình tương lai, số nợ vay mua nhà và số tiền bạn đã dành dụm được.
Barzideh đề xuất bảo hiểm tử kỳ vì mức phí của nó phù hợp với đa số. Một người ở độ tuổi 35 thường có thể tìm thấy gói bảo hiểm mệnh giá 500 triệu kỳ hạn 20 năm với phí bảo hiểm khoảng 3 triệu đồng mỗi năm.
Đó là một cái giá tốt để trả cho sự an toàn mà nếu có rủi o xảy ra với bạn thì gia đình bạn vẫn được an ổn.
Điều này càng quan trọng với những gia đình trẻ chưa dành dụm tích lũy được nhiều.
4. Sử dụng quy tắc 20/4/10 khi mua xe
Quy luật này nói rằng khi mua một chiếc xe, bạn nên trả trước ít nhất 20%, thời gian vay không quá 4 năm và tổng số tiền trả cho việc mua và sử dụng xe hàng tháng không quá 10% tổng thu nhập của bạn.
Quy tắc này giúp bạn xác định được mức giá trong khả năng bạn có thể trả cho một chiếc xe hơi. “Trong khả năng” nghĩa là bạn còn thừa tiền cho những thứ quan trọng như các khoản tiết kiệm và quỹ hưu trí.
Ví dụ, bạn kiếm được 500 triệu một năm và đã có sẵn 100 triệu trả trước. Nếu bạn có thể vay trong 4 năm, thì số tiền vay tối đa là 200 triệu đồng. Có nghĩa là bạn có thể mua một chiếc xe khoảng 300 triệu đồng.
5. Dành dụm số tiền bằng 20 lần thu nhập cho quỹ hưu trí
Có nhiều phương pháp để tính toán xem bạn cần bao nhiêu để nghỉ hưu nhưng một cách ước tính nhanh là bằng hai mươi lần thu nhập của bạn.
Vì vậy, nếu bạn đang kiếm được 250 triệu mỗi năm, có nghĩa là bạn nên dành dụm khoảng 5 tỷ. Sử dụng quy tắc 4% thì với số tiền này bạn có thể tiêu dùng khoảng 125 triệu mỗi năm.
Quy tắc 4% nói rằng năm đầu tiên nghỉ hưu, bạn bắt đầu dùng 4% số tiền dành dụm được. Sau đó mỗi năm bạn rút tiền một số tiền giá trị tương đương (được điều chỉnh theo lạm phát).
Có người cho rằng ngày nay bạn cần phải rút ít hơn nhưng nói chung, mức này giúp đảm bảo số tiền bạn có thể dùng trong ba mươi năm.
Cộng với lương hưu từ bảo hiểm xã hội, khoản dành dụm này sẽ giúp bạn có đủ tiền để về hưu một cách thoải mái.
6. Trả trước ít nhất 20% khi vay mua nhà
Khoảng năm 2003 ở Mỹ chính sách cho vay rất dễ dàng, người ta có thể mua một ngôi nhà mà chỉ cần trả trước 3%.
Điều này nguy hiểm ở chỗ là nếu giá trị căn nhà sụt giảm, bạn sẽ nhanh chóng chìm ngập trong nợ nần.
Kimberly Foss, người sáng lập và chủ tịch của Empyrion Wealth Management, nói rằng nếu bạn không thể trả trước 20%, đó là dấu hiệu bạn chưa đủ khả năng mua nhà.
Vì vậy, nếu bạn đang nhắm mua một căn nhà 2 tỷ, bạn nên cố gắng trả trước 400 triệu.
Quan trọng nhất, Foss nói rằng bạn nên còn dư ra sau đó để không phải rơi vào cảnh ráng hết sức gom đủ tiền trả trước và số cần trả hàng tháng còn các chi tiêu khác thì thiếu trước hụt sau.
Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:
7. Lấy 100 trừ đi số tuổi để xác định tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư của bạn
Ví dụ, người 40 tuổi cần có phân bổ 60% danh mục đầu tư của họ vào cổ phiếu, còn phần còn lại vào trái phiếu hoặc tiền gửi.
Cho dù tình hình kinh tế có làm biến động hiệu suất của mỗi kênh, thì nhìn chung trái phiếu cho thu nhập ổn định trong khi cổ phiếu giúp tăng trưởng.
Cổ phiếu có xu hướng rủi ro hơn nhưng về dài hạn có thể mang đến lợi nhuận tốt hơn. Đây là lý do tại sao tuổi càng trẻ thì bạn càng nên có nhiều cổ phiếu trong danh mục.
Nhưng vì ngày nay tuổi thọ chúng ta cao hơn, một quy tắc cải tiến cho rằng bạn nên lấy 120 trừ đi số tuổi. Như vậy tỷ trọng cổ phiếu nâng cao giúp bạn tăng trưởng tài sản tốt hơn trong những năm còn trẻ.
8. Trả các khoản nợ lãi suất cao nhất trước
Có vẻ ngược với điều bạn nghĩ khi nói rằng nên dùng tiền trả nợ thẻ tín dụng thay vì đem đi đầu tư, nhưng trong nhiều trường hợp, làm vậy lại có lợi hơn.
Nếu bạn đang phải trả một mức lãi suất 15% trên thẻ tín dụng, rất khó để bạn đầu tư sinh lời ở mức bằng hoặc cao hơn.
Ngoài ra, khoản lãi mà bạn cắt giảm được khi trả hết nợ thẻ tín dụng là số tiền bạn chắc chắn tiết kiệm được.
(Craig Guillot – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt – Ảnh: WSJ)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…