Một lợi ích chính khi sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm là có nhiều biện pháp bảo vệ được thiết lập trên loại thẻ này; để khi xảy ra vấn đề gì đó với một món mua sắm lớn mà bạn chi trả qua thẻ tín dụng, thì bạn có thể thử thực hiện để khắc phục tình huống.
Tuy hầu hết các chủ thẻ đều được quyền sử dụng những biện pháp này nhưng thực tế rất ít người biết đến chúng. Bằng cách tìm hiểu thêm qua bài viết sau đây, bạn có thể tiết kiệm cho mình một số tiền đáng kể.
Lưu ý rằng các đặc quyền đều đi kèm với một số điều kiện. Ví dụ: tính năng bảo vệ mua sắm thường chỉ áp dụng cho các giao dịch trong vòng 90 ngày. Khi nào bạn định dùng đến một trong những biện pháp này, hãy tìm hiểu chi tiết hơn các điều khoản của chúng.
Bảo vệ mua sắm
Nếu bạn mua một món hàng mà sau đó vô tình bị hư hỏng hay bị đánh cắp, hầu hết thẻ tín dụng đều có thể hoàn tiền cho bạn. Thông thường, điều kiện duy nhất là bạn đã thanh toán toàn bộ bằng thẻ tín dụng. Các ngân hàng đều có hệ thống Call center, đường dây nóng hỗ trợ bạn yêu cầu hoàn tiền, nếu không tìm thấy, bạn chỉ cần gọi cho ngân hàng phát hành thẻ để hỏi.
Tùy ngân hàng phát hành, có thẻ đương nhiên bao gồm quyền lợi này, cũng có thẻ chỉ cung cấp lợi ích này ở dạng dịch vụ bảo hiểm tùy chọn mà bạn sẽ trả thêm một khoản phí nhỏ để đăng ký.
Mặt khác, các mặt hàng đắt tiền có thể không được hoàn lại đầy đủ. Tùy vào công ty phát hành thẻ của bạn, khoản thanh toán tối đa cho mỗi vụ có thể từ 5 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra còn có giới hạn về tổng số tiền thanh toán bạn có thể nhận được trong vòng 1 năm (mặc dù bạn phải thật không may mới gặp trường hợp này). Ví dụ 1 thẻ tín dụng có phí hàng tháng 70.000 đồng, mức bồi thường tối đa 30.000.000 đồng mỗi vụ và 400.000.000 đồng cho khoảng thời gian 12 tháng.
Hầu hết các chương trình bảo vệ mua sắm sẽ không hoàn tiền khi bạn chỉ đơn giản là làm mất đồ. Nếu bạn khẳng định món hàng đã bị đánh cắp, bạn sẽ được yêu cầu nộp biên bản xác nhận của công an, bằng không, ngân hàng phát hành thẻ sẽ không phải trả chi phí tổn thất. Bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin này qua các tài liệu liên quan đến thẻ về điều khoản loại trừ, thủ tục thông báo tổn thất, chứng từ yêu cầu v.v…
Các quy định của pháp luật và tổ chức thẻ quốc tế
Nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng, bạn được quyền rút lại thanh toán đó trong những trường hợp bạn cho là có sai sót.
Ví dụ: khi bạn bị tính tiền 2 lần cho một món hàng hoặc giá trị giao dịch bị trừ lớn hơn thực tế, bạn có thể thông báo ngân hàng phát hành tra soát và xử lý. Hoặc khi bạn đã thanh toán mua hàng trực tuyến mà không nhận được hàng hoặc hàng bị lỗi, bạn cũng có thể khiếu nại (tất nhiên là trước đó bạn nên liên hệ với bên bán để tự giải quyết).
Bảo hiểm giao dịch gian lận
Tính năng này bảo vệ bạn trong các trường hợp sau:
- Nếu thẻ của bạn bị thất lạc hoặc mất cắp, bạn sẽ được bồi hoàn các chi phí bị tính trái phép trong vòng 12 giờ trước và sau khi bạn thông báo sự việc với Ngân hàng.
- Nếu thẻ của bạn không bị mất cắp, thất lạc, nhưng có các khoản phí trái phép được thực hiện thông qua việc rút tiền từ máy ATM, mua hàng hoá tại cửa hàng hay trực tuyến bằng thông tin thẻ của bạn, bạn sẽ được bồi hoàn các khoản phí trái phép phát sinh tối đa 2 tháng trước khi bạn thông báo sự việc với Ngân hàng.
Cần lưu ý bảo hiểm này có giới hạn về số tiền bồi thường tối đa cho 1 vụ, và loại trừ trường hợp các chi phí phát sinh bởi người thân của bạn hoặc người được bạn giao phó thẻ.
(Robert Harrow, phụ trách mảng thẻ tín dụng trên trang ValuePenguin chuyên nghiên cứu và phân tích sâu về tài chính cá nhân – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: creditnet)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…