Cách thiết lập mục tiêu tài chính thông minh

Các mục tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công tài chính. Tuy nhiên không phải tất cả đều ý nghĩa như nhau. Một mục tiêu xấu có thể hút đi năng lượng của bạn và làm bạn xao nhãng tiến độ. Còn mục tiêu tốt có thể mang đến động lực bạn cần để đạt được những ước mơ.

Vậy thế nào là một mục tiêu tài chính thông minh?

Giàu có không phải là mục tiêu; nó là một điều ước. Một mục tiêu cần có những đặc điểm nhất định. Tôi thích phương pháp thiết lập mục tiêu SMART vì thấy nó rất hữu ích. Theo SMART thì một mục tiêu phải là:

  • Cụ thể: Vì sao tôi nói “giàu có” không phải là một mục tiêu? Để mục tiêu hiệu quả, nó cần phải cụ thể. Không chỉ đặt ra là “tiết kiệm cho hưu trí”, mà bạn cần tìm hiểu và xác định xem bạn phải dành dụm bao nhiêu để có thu nhập mong muốn khi nghỉ hưu. Con số này là cơ sở cho mục tiêu của bạn.
  • Đo lường được: Khi bạn đã có mục tiêu cụ thể, bạn cần biết tiến trình mình đang thực hiện mục tiêu đó có ổn hay không. Tôi có thể nhìn vào quỹ dành dụm cho hưu trí của mình và biết chính xác tôi đang tiến triển đến đâu so với mục tiêu cụ thể mà tôi đã đặt ra. Điều này cũng đúng với các mục tiêu khác như tiết kiệm cho một kỳ nghỉ hoặc mua một ngôi nhà. Mục tiêu càng cụ thể, bạn càng dễ dàng đo lường được sự tiến triển.
  • Có thể đạt được: Tôi rất muốn viết và xuất bản một cuốn sách. Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng cảm giác cầm cuốn sách hoàn chỉnh của mình trong tay hay tự hào trưng bày nó trên kệ sách. Thậm chí sẽ tốt hơn nếu nó lọt vào danh sách bán chạy nhất! Tôi sẽ là J.K Rowling tiếp theo! Đó không phải là mục tiêu; đó là một giấc mơ giữa ban ngày. Mục tiêu sẽ cụ thể hơn và trong tầm tay, dựa trên những gì tôi đang làm bây giờ. Ví dụ như bán được một bài viết cho tạp chí A hoặc bỏ công việc đang làm và dành toàn bộ thời gian để viết. Mỗi lần đạt được một mục tiêu như vậy là tôi nhích thêm 1 bước tới cuốn sách mơ ước. Rồi đến thời điểm thích hợp, tôi sẽ có thể xác định cụ thể mình muốn viết sách về cái gì và cần làm những bước nào. Lúc đó mục tiêu về cuốn sách mới trở nên rõ ràng.
  • Thực tế. Mục tiêu cần phải liên quan đến cuộc sống thực của bạn. Tôi thích đi bộ trên mặt trăng một ngày nào đó, nhưng đấy không phải là mục tiêu của tôi. Nó hoàn toàn không thực tế. Nếu bạn muốn tạo ra những thay đổi lớn lao trong cuộc sống của mình, mục tiêu có thể giúp bạn làm được, nhưng cần phải bắt đầu với những bước nhỏ, cụ thể và thực tế.
  • thời hạn. Mỗi mục tiêu đều cần có khoảng thời hạn, nếu không, bạn sẽ không thể đo lường được tiến triển của mình. Khi bạn thiết lập một mục tiêu, hãy xác định thời gian cụ thể bạn muốn đạt được nó. Ví dụ, “Tôi muốn tiết kiệm $5,000 cho một chuyến đi đến Argentina trong vòng 18 tháng tới” là một mục tiêu nhiều khả năng đạt được hơn là, “Tôi muốn tiết kiệm cho một kỳ nghỉ gia đình”. Khi bạn biết chính xác mình cần phải tiết kiệm bao nhiêu và trong thời gian bao lâu, thì việc tìm ra số tiền cần dành dụm mỗi tháng chỉ còn là một phép tính đơn giản, và bạn có thể dễ dàng kiểm tra tiến độ thực hiện.

muc-tieu-tai-chinh

Tại sao tôi cần đặt ra các mục tiêu này?

Mục tiêu là công cụ cực kỳ hữu ích, giúp bạn nhận ra rõ ràng những gì mình muốn và duy trì động lực cho một chặng đường dài.

Quá trình thiết lập mục tiêu là cơ hội để bạn hiểu thêm những gì giá trị đối với mình. Bạn sẽ thấy những giấc mơ thành hình rõ ràng hơn với từng bước cụ thể để đạt được. Nó giúp bạn tập trung vào những gì thực sự quan trọng với mình, phân biệt được các nguyện vọng chính đáng với những mộng mơ.

Một khi bạn đã có mục tiêu, việc xác định cách thực hiện là một cơ hội học hỏi khác, giúp bạn tìm hiểu và lựa chọn mình sẽ đạt được điều đó như thế nào. Ví dụ bạn muốn dành dụm cho hưu trí, sau khi xác định mình cần bao nhiêu tiền và phải tích lũy trong bao lâu, bạn có thể lập ra kế hoạch để thực hiện. Bạn sẽ có dịp tìm hiểu các chính sách phúc lợi của công ty mình, cũng như nghiên cứu các quỹ hưu trí và thị trường chứng khoán.

Mục tiêu đóng vai trò như một bản đồ. Nếu bạn có mục tiêu và biết làm thế nào để đạt được, bạn có thể kiểm tra và đối chiếu hành động của mình. Ví dụ khi bạn đang ở trong một cửa hàng cân nhắc quyết định mua sắm, bạn có thể tự hỏi nó có làm mục tiêu của mình xa vời hơn hay không. Mục tiêu sẽ dẫn dắt bạn hướng đến những lựa chọn đúng đắn về tài chính.

Cuối cùng, mục tiêu giúp ta duy trì động lực. “Tiết kiệm 10% thu nhập” có thể là một ý tưởng tốt, nhưng không phải là một mục tiêu hấp dẫn. Bạn sẽ dễ dàng bị lung lạc khi đối mặt với những mời gọi móc hầu bao. Trong khi đó, “Tiết kiệm $5,000 cho Argentina” là một mục tiêu hấp dẫn. Bạn có thể sử dụng hình ảnh các địa điểm muốn tham quan để giúp mình luôn hứng khởi, từ đó nhìn khoản tiết kiệm trong quỹ du lịch của mình từ từ nhích đến mục tiêu.

(Sierra Black – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: moneycamel)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

 

TRUY CẬP BERICH