Những lúc chuẩn bị bữa trưa cho ba đứa con, quầy thức ăn là một điểm dừng thường xuyên của tôi trong khi đi loanh quanh cửa hàng tạp hóa. Thỉnh thoảng, tôi xếp hàng sau vài người lớn tuổi mà lúc nào cũng vậy, họ thường săm soi hàng mẫu này rồi lại thảo luận về món khác trước khi đưa ra lựa chọn. (“Một-phần-tám của một cân thịt, xắt lát mỏng thôi nhe!”) Có lẽ tôi đã quá vội vã, nhưng những người này thường thư thả như thể có tất cả thời gian của thế giới.
Lối nhàn nhã đó phần nào lý giải tại sao bạn có thể sống thoải mái trên mức mong đợi trong giai đoạn nghỉ hưu. Một số nghiên cứu về tiêu dùng hộ gia đình báo cáo rằng chi tiêu cho thực phẩm giảm đáng kể khi về hưu, không phải vì người về hưu ăn ít hơn mà vì họ có thêm thời gian để mua sắm và so sánh giá (và rõ ràng, cảm thấy khổ sở hơn với những lựa chọn tại quầy thức ăn).
Người về hưu chi tiêu cho những gì?
Việc tiết kiệm không chỉ dừng lại ở các bữa ăn tại nhà. Người về hưu chi tiêu cho ăn ở ngoài ít hơn 31% so với người còn đi làm, không phải vì họ keo kiệt, mà vì họ không phải mua đồ ăn sáng trên đường từ nhà đến chỗ làm hàng ngày, hay ra quán ăn trưa với đồng nghiệp giữa ngày làm việc. Thay vào đó, họ dành tiền đi ăn uống bên ngoài cho các nhà hàng theo kiểu đặt chỗ.
Ngoài ra, người về hưu cũng tiêu ít hơn cho chi phí đi lại và sắm sửa quần áo, nhưng bằng hoặc nhiều hơn (chí ít là trong những năm đầu) cho các hoạt động giải trí như đi xem phim và du lịch. Do tiền cắt giảm trong một số khoản nhiều hơn tiền chi tiêu cho một số khoản khác, nên “trên mặt bằng chung, cuộc sống về hưu cũng tạm ổn”.
Điều này củng cố thêm một kết luận từ nghiên cứu khác đã được biết đến rộng rãi: việc tiêu xài phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi chúng ta. Khi bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bạn chi tiêu chủ yếu cho thực phẩm, quần áo và giáo dục. Khi bạn đang có món nợ vay mua nhà, chi tiêu cho nhà ở chiếm tỷ trọng lớn. Khi nghỉ hưu, lúc đầu bạn sẽ chi mạnh tay cho các chuyến du lịch; sau đó thì chủ yếu cho việc chăm sóc sức khỏe.
Hoạch định cho giai đoạn hưu trí
Trong chừng mực nào đó, những nhà hoạch định tài chính cá nhân sẽ cân nhắc điều này khi hoạch định cho giai đoạn hưu trí của bạn. Ví dụ, lời khuyên thông thường là bạn tiết kiệm đủ để thay thế 80% – không phải 100% – mức thu nhập trước khi về hưu, và đủ cho giai đoạn hưu trí khoảng 30 năm. Công thức tỷ lệ này giả định rằng bạn sẽ không phải tiếp tục việc dành dụm, không phải tiêu tốn các chi phí cho công việc và có thể đóng thuế ở mức thấp hơn.
Công thức này cũng giả định rằng chi tiêu của bạn sẽ giữ ổn định trong suốt khoảng thời gian 30 năm (chỉ điều chỉnh theo lạm phát). Thực tế mức chi tiêu về sau có thể thấp hơn, và nhiều gia đình vẫn sống ổn ở mức chỉ bằng 60% thu nhập trước khi về hưu.
Về phần tôi, tôi tự chuẩn bị bữa trưa khi đi làm cũng như các bữa ăn khác ở nhà, vì vậy khoản chi tiêu cho thức ăn khi về hưu so với hiện tại có lẽ không thay đổi nhiều. Tôi cũng không phải đầu tư nhiều cho trang phục làm việc. Riêng chi phí đi lại thì hiện tại công ty tôi trợ cấp, nên khi về hưu khoản chi phí này có thể lại tăng lên. Nhưng khi tôi trả xong tiền vay mua nhà thì chi phí nhà ở chắc chắn sẽ giảm… Tổng thể, tôi ước tính con số tỷ lệ của mình sẽ ở đâu đó mức 70% và sẽ tính chi tiết hơn để đảm bảo.
Và đó là những gì tất cả chúng ta cần phải làm. David Blanchett, Trưởng bộ phận nghiên cứu về Hưu trí tại Morningstar, chia sẻ: “Hưu trí là khoản tiêu xài đắt đỏ nhất mà bạn thực hiện trong đời. Vì vậy nên tìm hiểu nó thực sự sẽ tiêu tốn hết của bạn bao nhiêu.”
(Kiplinger – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: Fool)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…