Cách đây vài tuần, tôi mất một công việc freelance (việc làm tự do). Tôi sẽ không kể chi tiết câu chuyện vì nó không liên quan đến bài viết này, và vì tôi vẫn duy trì mối liên lạc với đơn vị đó.
Điều liên quan trong bài này là tôi đã có một sự thay đổi lớn về thu nhập. Từ chỗ có thể dành dụm khá nhiều cho tiết kiệm trung hạn và hưu trí, tôi trở nên gần như không có khả năng thanh toán chi phí hàng tháng. Giờ đây, khi ngồi nghĩ xem mình có thể cắt giảm thêm khoản nào trong ngân sách, ít nhất tôi biết ơn rằng mình đã tính toán chu đáo trong thời gian qua. Khi còn kiếm được thu nhập kha khá, thấy rằng công việc freelance là không ổn định, tôi đã chọn tiết kiệm lại thay vì sống xa xỉ. Cho nên lúc cần kíp này tôi có sẵn một quỹ dự phòng vững chắc, giúp tôi có một số lựa chọn và ít nhất là cảm thấy an tâm.
Dù vậy, sự việc này vẫn là một thách thức. Dưới đây là cách tôi đã học được để đối phó với chuyện thất nghiệp, cả về mặt tình cảm và tài chính.
Đánh giá lại ngân sách
Việc đầu tiên tôi làm sau khi kết thúc công việc là giảm gói cước Internet. Tôi đã phải trả thêm 400 nghìn / tháng cho gói tốc độ nhanh nhất, vì tôi cần tải các tập tin lớn lên máy chủ của khách hàng. Hy vọng rằng tôi sẽ cần phải nâng gói cước Internet một lần nữa trong tương lai gần. Còn lúc này tôi không có nhu cầu cho nó, vì vậy, đây là mục đầu tiên trong ngân sách của tôi bị cắt giảm.
Sau đó, tôi liệt kê tất cả các chi phí và cân nhắc xem mình có thể cắt giảm khoản nào. Nhà hàng và mua sắm là những câu trả lời rõ rồi. Khi thu nhập dư dả, tôi vẫn cho phép mình có nhiều thú vui. Nhưng giờ đây tôi cần hạn chế chỗ cho lạc thú để tằn tiện nhiều hơn.
Đáng ngạc nhiên là việc cắt giảm ăn ngoài và mua sắm không quá khó khăn. Tôi đã luôn bị cám dỗ chi tiêu số tiền mình có; nhưng cảm giác khi nghĩ đến việc chi tiêu số tiền mình không có chỉ là thấy buồn mà thôi.
Còn các khoản được cắt giảm khác là gì?
- Cà phê: Tôi đã cho bản thân mìnhmộtngân sáchcà phêhàng thángđể tôicó thể viết trong quán cà phêmà không phải giam mình ở nhà cả ngày. Giờ tôi sẽcần tìmmột cách thức khác miễn phíđể tránh phải phát điên.
- Làm đẹp: Tôi đã tiêu khoảng 500 nghìn mỗi tháng cho chăm sóc móng, chân mày v.v… Nhưng trong thời gian này các chi tiêu đó phải ra đi. Khi nào bắt đầu kiếm nhiều tiền trở lại tôi sẽ phục hồi những thứ có chút xa xỉ này.
Báo cho mọi người
Tôi ngại nói cho mọi người biết mình bị mất việc làm. Không chỉ vì tôi thấy xấu hổ, mà còn là do tôi ghét nhìn thấy sự thương hại trong mắt của một ai đó khi họ cố gắng tìm lời an ủi. Cảm giác thật kỳ quặc và không thoải mái.
Nhưng nếu bạn không nói cho mọi người biết, bạn sẽ không nhận được sự giúp đỡ nào. Từ lúc mở lời, tôi đã được nhiều đồng nghiệp, bạn bè và khách hàng tuyệt vời báo cho tôi bất cứ thông tin tuyển dụng nào mà họ biết, và tôi trân trọng điều này.
Đánh giá lại giá trị
Khi bị mất công việc đó, tôi buồn không chỉ vì mất thu nhập và thất nghiệp, mà còn là mất mát về giá trị của bản thân. “Mình chưa đủ giỏi” là suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nghe tin. Đối với những người đã đặt công việc lên trên hầu hết mọi thứ khác trong cuộc sống, điều này gây khó khăn về lòng tự trọng.
Vì vậy, tôi đã phải đánh giá lại giá trị của mình.
Trong thị trường việc làm thì tôi là một hàng hóa, và hiện tại cung đang nhiều hơn cầu. Suy ra, tôi không thể đòi hỏi được trả thù lao bằng với số tôi đã kiếm được trước đó. Mặt khác, tôi biết rằng mình có nhiều kỹ năng có thể đóng góp, và tôi không muốn bán rẻ bản thân. Vì vậy, tôi đã học cách tìm một sự cân bằng giữa ý niệm “Giá trị của bạn nằm ở mức mà người ta sẵn sàng trả” và “Giá trị của bạn là những gì bạn có thể đóng góp”. Hy vọng rằng nhu cầu thị trường đối với công việc của tôi sẽ tăng lên, và tôi có thể quay lại với mức thu nhập trước kia. Còn trong thời gian này, tôi phải chào giá thấp hơn một chút cho các dự án; cũng như phải chấp nhận các công việc được chi trả thấp hơn.
Khi tìm kiếm sự cân bằng, việc thiết lập các giới hạn cũng quan trọng. Tôi đã tự hỏi mình: mức thù lao thấp nhất theo giờ hoặc theo số từ của bài viết mà tôi sẵn sàng chấp nhận là gì? Một trăm nghìn cho 500 từ? Số đó quá thấp.
Xem xét quỹ khẩn cấp
May mắn là tôi còn có một số nguồn thu nhập khác và vẫn đủ sống, mặc dù hơi eo hẹp. Trong thời gian này tôi không phải dùng đến quỹ dự phòng khẩn cấp, và cố gắng làm mọi thứ có thể để tránh dùng đến nó.
Một số người cho rằng tôi cứ sử dụng quỹ khẩn cấp đi vì mục đích lập quỹ là thế. “Cứ tiếp tục tìm kiếm công việc trong mơ của mình”, một người bạn gợi ý, “bạn có tiền để dành mà.”
Đó là một lựa chọn, chỉ là không phải với tôi. Tôi đã từng phá sản, và không mong sống lại những ngày đó. Với tôi, quỹ khẩn cấp là một phương sách cuối cùng cho những khi không có lựa chọn nào khác. Tôi vẫn đang có sự lựa chọn. Tôi có thể tìm kiếm và chấp nhận công việc nhỏ hơn. Tôi có thể cắt giảm lối sống của mình nhiều hơn.
Thiết lập một lịch trình
Trong vài tuần đầu tiên sau khi mất việc, tôi đã không quá chán nản. Tôi cố định một lịch trình: Buổi sáng tôi sẽ săn việc làm. Sau buổi trưa, tôi sẽ hoàn thành công việc cho khách hàng khác hoặc làm việc với các dự án sáng tạo cá nhân.
Nhưng dạo này, tôi ngày càng lo lắng nhiều hơn. Tôi bắt đầu tìm việc làm cả ngày, thậm chí cuối tuần. Tôi ám ảnh về chuyện săn việc, ăn tối trước máy tính, và lầm bầm “Em ổn” trong trạng thái thiếu ngủ khi chồng tôi thức giấc và hỏi tôi có cần gì không. Tôi trở nên chán nản, và bắt đầu cảm thấy thương hại cho bản thân. Đây không phải là tác nhân để thành công. Vì vậy, tôi đặt mình trở lại lịch trình và nhắc nhở bản thân, một lần nữa, rằng tôi có nhiều giá trị hơn là một công việc.
Khi trở thành một freelancer, tôi biết chuyện như thế này có thể xảy ra. Tuy nhiên cảm giác vẫn thật tồi tệ. Câu chuyện đối diện với thất nghiệp của tôi gắn liền với việc lên kế hoạch tài chính, cho mình một lịch trình và đánh giá lại giá trị bản thân.
(Kristin Wong – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: lifehacker)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…