Đừng xem căn nhà bạn ở như một kênh đầu tư

Căn nhà của bạn có thể mang nhiều ý nghĩa hay mục đích: nơi để nuôi dạy con cái, tổ chức các buổi họp mặt gia đình, nghỉ ngơi vào cuối tuần, và có thể, cho thuê kiếm đồng ra đồng vào.

Nhưng nếu mục tiêu của bạn là đầu tư thì nhiều nhà kinh tế cho rằng chưa chắc.

Điều này có vẻ đi ngược lại với suy nghĩ thông thường của chúng ta. Xét cho cùng, nếu bạn mua nhà với giá 2 tỷ và 15 năm sau bán nó với giá 2.7 tỷ, bạn đã kiếm được 700 triệu, phải không? Nghe giống như một khoản đầu tư hời, nhưng thực tế lại không hẳn.

Lợi nhuận đó chưa tính đến tất cả các khoản thuế và phí bạn đã đóng, cũng như lãi vay thế chấp ngân hàng để mua được căn nhà, và các chi phí bạn đã tiêu tốn để bảo trì sửa chữa.

Số liệu tham khảo

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 với USA Today, chuyên gia kinh tế và nhà ở Robert Shiller lý giải tại sao người tiêu dùng không nên xem nhà ở như một món đầu tư.

Từ năm 1890 đến hết năm 2012, giá nhà điều chỉnh theo lạm phát không tăng chút nào, từ nghiên cứu của Shiller. Trong khi đó với cùng khoảng thời gian, chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng hơn 2.000 lần (đã điều chỉnh theo lạm phát).

Shiller còn nhận thấy rằng có những khoảng thời gian dài mà giá trị nhà ở sau khi điều chỉnh theo lạm phát lại giảm. Ông chỉ ra từ 1890 đến 1980, giá nhà thực tế đã giảm khoảng 10%.

Trang blog tài chính cá nhân Observations cũng nhìn vào giá nhà điều chỉnh theo lạm phát từ năm 1900 đến năm 2012 và có kết luận tương tự: trung bình hàng năm giá nhà ở Mỹ chỉ tăng 0,1%.

Những con số này đã đủ rõ: Bạn không nên xem ngôi nhà mình ở như một tài sản đầu tư tài chính lớn.

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

Nhà ở là tài sản đầu tư có thanh khoản thấp

Còn có những khía cạnh khác của ngôi nhà khiến chúng là một món đầu tư cần cân nhắc kỹ. Trong đó đáng chú ý nhất là không dễ để chuyển tài sản này thành tiền mặt.

Cứ cho rằng nhà của bạn sẽ tăng giá sau 10 năm sở hữu. Nhưng việc chốt lời không dễ dàng gì, bạn sẽ phải bán ngôi nhà mình đang ở rồi mới nói chắc được số tiền thực tế là bao nhiêu.

Bán nhà không phải là chuyện đơn giản. Nó rất tốn thời gian, và cũng đắt đỏ nữa, khi bạn có thể sẽ phải đầu tư tân trang mọi thứ từ sơn mới đến sửa chữa thiết bị trước khi rao bán trên thị trường.

Một khoản đầu tư đắt tiền

Nếu xem nhà ở là một khoản đầu tư, thì nó còn ít hấp dẫn ở chỗ sẽ rất tốn kém để sở hữu.

Chưa kể bảo hiểm nhà ở. Nếu bạn sử dụng khoản vay thế chấp để tài trợ cho căn nhà của mình, bạn sẽ được yêu cầu mua bảo hiểm này. Ngay cả khi bạn không đi vay, thì cũng nên trang bị để tự bảo vệ mình.

Ngoài ra còn có chi phí bảo trì. Khoản này không cố định, nhưng theo realtor.com bạn có thể ước tính tốn từ 1% đến 4% giá trị nhà cho việc bảo trì mỗi năm. Ví dụ nếu nhà của bạn trị giá 2 tỷ thì chi phí này khoảng 20 đến 80 triệu / năm.

Vì vậy nếu bạn muốn có lời khi bán nhà, thì cần tính cả các khoản này vào giá bán.

Dù vậy thì mua nhà cũng không phải là một động thái tài chính tồi tệ

Bạn vẫn cần một nơi để sống, và sở hữu một căn nhà có thể rẻ hơn đi thuê trong nhiều trường hợp.

Sở hữu nhà còn mang đến cho bạn sự linh hoạt về tài chính. Ví dụ: bạn có thể cho thuê một phần nhà của mình để kiếm thêm tiền.

Nhà ở cũng cung cấp những ý nghĩa khác: nơi trú ẩn cho gia đình, nơi tụ họp cùng người thân và bạn bè, và chốn về bình yên sau một ngày vất vả.

Điều quan trọng là phải thực tế về tiềm năng đầu tư của nhà ở. Nếu bạn muốn đầu tư, hãy tìm đến quỹ tương hỗ, thậm chí các khoản đầu tư lãi suất thấp nhưng an toàn như trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi cũng có thể là lựa chọn tốt hơn.

(Dan Rafter, cây bút tài chính viết cho Chicago Tribune, Washington Post và BusinessWeek; tổng biên tập của tạp chí Law Bulletin và là biên tập viên của Midwest Real Estate News – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: wisebread)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH