Ngay cả các chuyên gia về tiền bạc cũng mắc lỗi không thành thật về tài chính.
Scott Palmer thừa nhận sai lầm tài chính lớn nhất mà ông đã phạm phải là “dối” vợ mình, Bethany, cách đây 14 năm khi phá hủy gian bếp trong nhà mà không bàn với cô về kế hoạch này. Đó là lần đầu tiên trong nhiều khoảnh khắc mà họ phải quyết định xem họ sẽ để những hiểu lầm gây nguy hiểm cho tài chính và mối quan hệ của mình, hay đưa họ xích lại gần nhau hơn.
Họ đã chọn điều thứ hai. Giờ đây nhà Palmer là “Cặp đôi về tiền bạc”, chuyên viên hoạch định tài chính tại Colorado Springs, Colorado và đồng tác giả “First Comes Love, Then Comes Money”, một hướng dẫn để đối thoại về tài chính giúp các cặp vợ chồng tránh những cạm bẫy tiền bạc có thể làm hỏng mối quan hệ.
“Mỗi lần khách hàng của chúng tôi thông báo họ đã ly hôn, thì thường lý do là vì chuyện tiền bạc,” Bethany nói. “Khi nói đến các liên kết về khía cạnh tài chính, các cặp đôi sẽ tập trung vào chuyện hệ trọng như kế hoạch hưu trí chứ không phải là những quyết định thường lệ”. Bà nói rằng 70% vụ ly dị là do xung đột về tài chính từ các cuộc cãi vã hàng ngày. “Nếu chúng ta không hiểu người bạn đời của mình nhìn nhận tiền bạc như thế nào, thì chuyện xảy ra xung đột là không có gì lạ.”
Nói chuyện về tiền bạc
Bước đầu tiên mà vợ chồng nhà Palmer đề nghị để hướng tới hạnh phúc trong hôn nhân và tiền bạc là hãy nói với nhau về các khoản nợ, những kỳ vọng và mục tiêu. Lý tưởng nhất là bạn nên làm điều này trước khi tiến đến sống chung hoặc kết hôn. Đừng lo sợ rằng điều này sẽ dập tắt sự lãng mạn. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng một cuộc nói chuyện thành thật và nghiêm túc sẽ khiến bạn yêu và tôn trọng đối phương nhiều hơn, vì đã cởi mở với một chủ đề hết sức khó khăn.
Một số câu bạn có thể hỏi nhau:
- Cách cha mẹ các bạn đã chi tiêu và tiết kiệm như thế nào?
- Bạn có đồng ý rằng các tài khoản thanh toán chung và riêng là phù hợp cho hôn nhân?
- Bạn nghĩ rằng việc chi trả cho các hóa đơn nên được thực hiện riêng hay chung với nhau?
- Điều gì khiến bạn stress nhất khi nói đến tiền bạc?
- Chuyện lập kế hoạch cho nghỉ hưu quan trọng đối với các bạn như thế nào?
Đặc điểm tính cách của bạn trong chuyện tiền bạc là gì?
Đây là bước tiếp theo để hiểu lập trường của đối phương về tiền bạc. Vợ chồng Palmer nói rằng 65% các cặp vợ chồng có đặc điểm trái ngược nhau, vì vậy biết được mức độ chủ động và cách phản ứng của mỗi người trước các vấn đề tài chính sẽ giúp bạn đối thoại với nhau dễ dàng hơn và chuyện tiền bạc hàng ngày đỡ stress hơn. Có năm đặc điểm tính cách về tiền bạc là:
- Người Tiết kiệm: những người ghét phải “chia tay” với tiền
- Người Chi tiêu: họ thích mua, mua, mua cho mình và cho người khác
- Người Mạo hiểm: hiện thân của các doanh nhân, nhà phát minh và người tiên phong trong kinh doanh
- Người Tìm kiếm sự an toàn: người thiết lập các kế hoạch để đảm bảo tương lai tài chính của họ
- Người Bay bổng: không bao giờ muốn suy nghĩ – hay nói chuyện – về tiền bạc
“Nếu bạn hiểu được cách người khác nhìn nhận về tiền bạc, mọi chuyện sẽ ổn,” Scott nói. “Nhưng nếu bạn không hiểu đặc điểm tính cách này của nhau và tại sao anh hay cô ta lại làm thế, bạn sẽ gặp khó khăn. Vấn đề có thể vẫn tiếp diễn khi bạn chuyển sang một mối quan hệ mới.”
Biến việc hội ý về tiền bạc thành thói quen
Đây là bước cần theo đuổi thường xuyên. Điều này có nghĩa là cần dành chỗ trong lịch trình của bạn cho các cuộc trò chuyện định kỳ về tiền bạc. Đối với nhà Palmer là vào ngày 15 mỗi tháng. “Chúng tôi đặt sang một bên tất cả những chuyện gây phân tâm, thậm chí nhờ người giữ trẻ,” Bethany nói. “Chúng tôi ngồi lại để thanh toán các hóa đơn, rà soát tình hình chi tiêu, và bàn về các mục tiêu tài chính. Chúng tôi có một chủ đề cụ thể cho mỗi tháng. Vào tháng Tám hoặc tháng Chín chúng tôi bàn về những món quà Giáng sinh. Khi dự định có một kỳ nghỉ hè, chúng tôi bắt đầu bàn về nó từ mùa đông và lên kế hoạch sớm.”
Sự thành thật là điều quan trọng trong một mối quan hệ, và điều đó chắc chắn đúng với cả chuyện tiền bạc. Những bí mật sẽ tàn phá quan hệ dù là về tiền hay ngoại tình.
“Điều thường gây tổn thương cho các cặp vợ chồng mới cưới là những bất ngờ,” Scott nói. “Trò chuyện với nhau định kỳ về tiền bạc sẽ cứu bạn khỏi nhiều đau khổ. Hãy nói về đặc điểm tính cách của bạn, sau đó bắt đầu thảo luận. Việc xác định và hiểu được sự khác biệt của nhau sẽ giúp bạn xây dựng một mối quan hệ bền vững.”
(Vanessa Richardson – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: pinterest)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…