Kế hoạch tài chính là gì và tại sao chúng ta cần có?

Việc có một kế hoạch tài chính khá giống với việc lập một kế hoạch du lịch – nó xác định nơi bạn định đi, làm thế nào và khi nào bạn đến đích, tốn bao nhiêu chi phí, và những điều gì sẽ làm trên đường đi. Kế hoạch tài chính của bạn có thể khái quát hay chi tiết tùy vào nhu cầu cá nhân của bạn. Nhưng nếu không có kế hoạch, bạn có thể sẽ bị mắc kẹt giữa hư không.

Một bản kế hoạch tài chính trả lời ba câu hỏi chính:

  1. Bạn sẽ dành dụm lại bao nhiêu? Hãy thống kê thu nhập, các khoản nợ, chi phí sinh hoạt và các mục ngân sách khác của bạn để xác định tỷ lệ dành dụm.
  2. Số tiền tích lũy của bạn nên được đầu tư như thế nào trong thời gian chưa cần dùng đến? Hãy xác định những kênh để đầu tư, tỷ lệ phân bổ cho mỗi kênh, và lựa chọn sản phẩm cụ thể trong từng kênh. Việc đa dạng hóa sẽ giúp bạn quản lý rủi ro trong đầu tư.
  3. Khi nào bạn sẽ cần rút số tiền tích lũy, rút bao nhiêu và từ tài khoản nào? Xác định những thời điểm mà nhu cầu chi tiêu vượt quá số tiền mặt có sẵn từ thu nhập, dẫn đến bị thâm hụt và phải được bổ sung bằng cách rút tiền dành dụm. Các nhu cầu chi tiêu đó có thể là trung hạn như tiền học đại học của con cái, hoặc dài hạn như chi phí sinh sống khi nghỉ hưu.

Để giải quyết đúng 3 câu hỏi này, bạn cần xác định được các mục tiêu tài chính của mình. Hãy tự trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Hiện tại bạn muốn hoặc cần duy trì lối sống như thế nào? Lối sống đó cho phép bạn dành dụm lại được bao nhiêu?
  • Tương lai bạn muốn hoặc cần duy trì lối sống như thế nào? Lối sống đó sẽ cần bạn phải chi tiêu bao nhiêu?
  • Khi nào bạn muốn hoặc cần phải ngừng dành dụm và bắt đầu sử dụng số tiền đã tích lũy?
  • Khi đầu tư bạn có thể chấp nhận được mức rủi ro đến đâu?

Sẽ hữu ích khi chúng ta nghĩ về cả hai khía cạnh muốn và cần. Một số mục tiêu sẽ thiên về bên “muốn”, trong khi số khác có thể gần hơn với bên “cần”. Ví dụ, bạn có thể chọn tiếp tục làm việc và dành dụm trong thời gian dài hơn, để có thể giảm tỷ lệ tiết kiệm định kỳ và có một khoản dư cho du lịch. Hoặc bạn có thể lên kế hoạch chi tiêu ít hơn trong tương lai để giảm rủi ro đầu tư hiện tại. Việc hoạch định giúp bạn cân bằng giữa sự thoải mái và cái giá phải trả.

ke-hoach-tai-chinh

Bản kế hoạch tài chính cần có một phương pháp nhất quán để đánh giá hiệu quả, sao cho bạn có thể tái xem xét nó định kỳ để theo dõi tiến độ. Một khi bạn có kế hoạch hiệu quả, bạn có thể dựa vào đó để đưa ra những lựa chọn. Ví dụ như bạn có thể kiểm tra việc điều chỉnh cắt giảm một thói quen chi tiêu sẽ tác động đến mình như thế nào, để từ đó quyết định nó có đáng thực hiện hay không. Hay bạn có thể kiểm tra những tình huống giả định nếu bạn mất việc làm, gặp rủi ro thương tật hoặc tử vong thì kế hoạch tài chính của bạn và gia đình sẽ bị tác động thế nào; điều này có thể giúp xác định nhu cầu bảo hiểm của bạn. Có rất nhiều thông tin hữu ích bạn có thể thu thập được từ một bản kế hoạch tài chính tốt.

Cuối cùng, đây là một vài lời khuyên và một số sai lầm phổ biến cần tránh khi bạn thực hiện kế hoạch của mình. Ngay cả những lỗi nhỏ cũng có thể gây hệ quả lớn theo thời gian.

  • Hãy thực tế với lợi nhuận đầu tư; đừng tham vọng chiến thắng thị trường.
  • Hiểu về rủi ro thị trường; đừng cho rằng lợi nhuận sẽ giống nhau qua các năm.
  • Đừng quên tính đến các yếu tố lạm phát, thuế và phí.
  • Khi giả định về tuổi thọ, hãy sử dụng con số cao hơn trung bình.
  • Tái xem xét kế hoạch của bạn định kỳ.

(Dylan Ross, chuyên viên hoạch định tài chính, chủ doanh nghiệp Swan Financial Planning, LLC – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: yourarticlelibrary)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH