Kiếm tiền – Chi tiêu – Dành dụm, 3 mảnh ghép của Tài chính cá nhân

Tài chính cá nhân thông minh có thể tối giản thành một phương trình như sau:

[SỰ GIÀU CÓ] = [SỐ TIỀN BẠN KIẾM ĐƯỢC] – [SỐ TIỀN BẠN CHI TIÊU]

Nếu chi tiêu nhiều hơn số mình kiếm được, bạn sẽ có một dòng tiền âm và nguy cơ đi vào nợ nần (hoặc, nếu bạn đã mắc nợ thì sẽ càng chìm sâu hơn). Ngược lại, nếu bạn chi tiêu ít hơn số mình kiếm thì sẽ có một dòng tiền dương, cho phép bạn thoát khỏi nợ nần và tích lũy tiền bạc.

Hay nói cách khác, phương trình nhỏ của tôi cố gắng định lượng tài chính cá nhân cơ bản bao gồm ba kỹ năng cần thiết:

  • Kiếm tiền – khả năng tạo ra thu nhập.
  • Chi tiêu – khả năng sống đạm bạc và chi tiêu một cách khôn ngoan.
  • Dành dụm – khả năng tạo ra thặng dư và làm nó tăng trưởng.

Có những người giỏi kỹ năng này nhưng lại kém ở kỹ năng khác. Ví dụ, có thể bạn làm tốt việc kiểm soát chi tiêu nhưng lại vật vã để kiếm tiền. Và vẫn có những người khá cả ba kỹ năng – không thực sự xuất sắc, nhưng cũng không quá thất bại.

Để thành công trong việc quản lý tài chính cá nhân, bạn phải tối đa hóa năng lực của mình trong cả ba lĩnh vực này.

Tăng khả năng kiếm tiền

Với hầu hết mọi người, điều này có nghĩa là quản lý sự nghiệp một cách hiệu quả: tìm đúng việc, học cách làm thế nào để đề nghị tăng lương v.v… Một số người khác có thể tăng thu nhập bằng cách làm thêm ngoài giờ hoặc bắt đầu việc kinh doanh riêng của họ.

Dưới đây là các bước có thể giúp tăng thu nhập:

  • Nâng cao trình độ chuyên môn. Vì nhìn chung, trình độ của bạn càng cao thì thu nhập của bạn sẽ càng tốt.
  • Nếu có thể, hãy chọn một nghề nghiệp mà bạn yêu thíchvà được trả lương ổn. Tất nhiên điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Nhưng nếu bạn được trả tiền để làm những gì mình yêu thích, bạn sẽ sẵn sàng hết lòng với công việc và gặt hái kết quả tốt đẹp.
  • Tối đa hóa mức lương của bạn. Tìm hiểu xem làm thế nào để thương lượng tăng lương. Tận dụng tối đa các phúc lợi mà bạn có thể nhận.
  • Kiếm tiền từ sở thích. Tìm cách để có thêm thu nhập từ những việc bạn làm trong thời gian rảnh rỗi, như làm bánh hay đồ handmade chẳng hạn.
  • Bán bớt mớ đồ lộn xộn của bạn. Khi đang cố gắng thoát khỏi nợ nần, tôi đã bán đi cả đống thứ trước đó mua về bằng thẻ tín dụng. Tuy số tiền nhận lại không bằng số tôi đã bỏ ra để mua, nhưng không sao. Tôi xử lý được món nợ mới là quan trọng.

Mặc dù một số người không thích nghe điều này, nhưng thu nhập cao cũng đồng nghĩa với yêu cầu công việc khó hơn. Những người kiếm được nhiều tiền nhất thường là những người làm việc nhiều giờ nhất. (Tất nhiên, điều ngược lại thì chưa chắc, làm việc chăm chỉ không đảm bảo thu nhập cao).

kiem-tien-chi-tieu-danh-dum

Rèn tính kỷ luật trong chi tiêu

Trong khi một số người thấy khó khăn để gia tăng thu nhập, thì có người lại loay hoay với việc cắt giảm chi phí. Thậm chí có quan niệm cho rằng sự tằn tiện chẳng khác nào sống khổ hạnh. Nhưng cần hiểu rằng, mục tiêu của bạn là tạo ra một khoảng cách lớn nhất có thể giữa thu nhập và chi tiêu.

Làm thế nào để bạn đạt được điều đó?

  • Đi theo lối sống thanh đạm. Tận dụng các coupon giảm giá, mua sắm vào đợt khuyến mãi…
  • Thực hành chi tiêu có ý thức. Bạn không thể luôn luôn có được những gì mình muốn, vì vậy hãy quyết định cái nào là quan trọng để đặt ưu tiên. Gác lại những thứ không quan trọng.
  • Tránh phải trả lãi suất. Khi nói đến đầu tư, sức mạnh của lãi kép có thể giúp bạn xây dựng sự giàu có. Nhưng nó cũng có thể hút khô máu bạn nếu nói về nợ nần. Để cắt giảm chi phí lãi vay, hãy cố gắng thoát khỏi nợ nần. Đặt ra mục tiêu trả lãi vay thấp nhất có thể.
  • Giảm các chi phí định kỳ. Những khoản chi tiêu một lần có thể làm bạn “đau bụng”, nhưng các chi phí định kỳ như đăng ký tạp chí tháng, truyền hình cáp, hóa đơn điện thoại di động, vv – sẽ có ảnh hưởng lâu dài lên tài chính của bạn.
  • Lưu ý những chi tiêu lớn. Lối sống thanh đạm hàng ngày là một kỹ năng có giá trị. Nó giúp bạn tích tiểu thành đại theo thời gian. Nhưng nếu bạn thực sự muốn cắt giảm, thì hãy lưu ý những chi tiêu lớn, như nhà ở và đi lại.

Cần nhớ rằng: khả năng kiếm tiền có thể mang lại cho bạn sự giàu có; còn lối sống tằn tiện sẽ giúp bạn duy trì nó. Bằng cách cắt giảm chi tiêu trong khi gia tăng thu nhập, bạn sẽ có một khoản thặng dư để dành dụm lại.

Mặt khác, nhiều người lại chỉ chú trọng đến việc cắt giảm chi tiêu mà không quan tâm đến chuyện tăng thu nhập và các khoản dành dụm đầu tư. Khi đó, bạn không thể mong đợi tạo dựng được sự sung túc. Vì vậy mỗi kỹ năng đều là thiết yếu.

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

Khám phá bí mật của tiết kiệm

Kỹ năng tiết kiệm chủ yếu liên quan đến những gì bạn làm với khoản thặng dư mình có.

Ví dụ, nếu bạn giấu tiền trong tủ, thì kỹ năng của bạn không thật sự tốt. Bất cứ ai cũng có thể làm điều đó. Và mặc dù bạn nghĩ rằng mình đang bảo vệ số tiền mình dành dụm, nhưng thực ra bạn đang để nó bị ăn dần bởi lạm phát, sát thủ thầm lặng của sự giàu có.

Vậy cần làm gì mới trở thành một người dành dụm giỏi? Hãy tìm hiểu mọi thứ về cách làm tài sản của bạn tăng trưởng, hay nói cách khác, là kiến thức về đầu tư.

  • Hiểu được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch -và theo đuổi nó.
  • Đưa ra quyết định hợp lý thay vì sa vào cảm xúc.
  • Tránh mốt nhất thời. Không mua bất động sản chỉ vì nhiều người khác đã mua. Không mua cổ phiếu công nghệ chỉ vì giá đang cao. Và thận trọng với vàng khi nó ở mức cao kỷ lục.
  • Theo đuổi sự đa dạng hóa như là một cách cải thiện lợi nhuận trong khi giảm rủi ro.
  • Định kỳ bổ sung khoản thặng dư.

Quản lý tốt tiền bạc nghĩa là làm chủ cả ba kỹ năng trên. Nếu bạn có thể thực hành tốt việc thu nhập, chi tiêu, dành dụm, bạn sẽ đạt được các mục tiêu tài chính của mình với một tốc độ đáng ngạc nhiên. Còn chỉ cần một trong những kỹ năng này chưa tốt thì e rằng bạn sẽ phải chiến đấu khá khó khăn.

(J. D. Roth – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: lifehacker)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH