Số tháng 3 năm 2010 của Consumer Reports Money Adviser có một bài viết thú vị về cách để tránh những hối tiếc khi nghỉ hưu.
Dựa trên một cuộc khảo sát gần 25.000 người, bài báo vừa là lời an ủi vừa mang tính cảnh báo: Trong khi chỉ có khoảng 20% những người chưa về hưu hài lòng với kế hoạch hưu trí hiện tại của họ, đến 70% người đã nghỉ hưu cho biết họ đang rất hài lòng.
Theo tác giả, điều rút ra là: Dù nhiều người trong chúng ta băn khoăn liệu mình có đang chuẩn bị nghỉ hưu đúng cách, một khi bước vào giai đoạn đó rồi, chúng ta sẽ có xu hướng điều chỉnh tình hình của mình và thích nghi nhanh chóng.
Cuộc khảo sát cho thấy tiền không phải là tất cả. Đương nhiên, nó đóng một vai trò lớn đối với mức độ mãn nguyện khi về hưu, nhưng các yếu tố khác cũng quan trọng. Bài báo nói rằng để hạnh phúc khi về hưu bạn cần phải:
- Tiết kiệm sớm. Bốn mươi phần trăm số người đã nghỉ hưu ước rằng họ bắt đầu tiết kiệm sớm hơn. Tôi biết tôi đã lặp đi lặp lại điều này nhiều lần rồi, nhưng bạn nên dành dụm nhiều nhất có thể trong thời gian sớm nhất có thể. Ngay cả bắt đầu với $10 một tháng vẫn còn hơn không có gì.
- Tiết kiệm đều đặn. Đương nhiên là bạn không muốn sống trong nghèo túng bây giờ để có thể sống như ông hoàng khi về hưu, nhưng cũng đừng hy sinh tương lai của bạn cho những chi tiêu không cần thiết hiện tại. Hãy làm những gì bạn có thể để tăng tỷ lệ dành dụm trong thời gian tới. (Vợ tôi tiết kiệm hơn 25% thu nhập của mình!)
- Giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe là tài sản quan trọng nhất của bạn. Nếu không có nó, bạn sẽ chẳng có gì. Và sức khỏe dễ bị cho là điều đương nhiên khi chúng ta trẻ. Tôi đã ngu ngốc lãng quên sức khỏe của mình để giờ đây bước vào độ tuổi trung niên (tháng sau tôi tròn 41 tuổi), tôi bắt đầu nhìn thấy các chi phí liên quan đến thừa cân và thiếu sức khỏe. (Mới sáng nay tôi ngã nhào trên chiếc xe đạp của mình, chuyện không thể xảy ra nếu tôi nhẹ hơn 15-20kg.) Giữ thói quen sức khỏe lành mạnh, nó sẽ đền đáp cho bạn về lâu dài.
- Xây dựng tình bạn. Những kết nối chúng ta tạo dựng được khi dành thời gian cho hàng xóm láng giềng, bạn bè, và gia đình có thể nói là quan trọng hơn cả tiền bạc. Các mối quan hệ đóng vai trò lớn hơn trong hạnh phúc của bạn. Hãy lạc quan, cởi mở, và là một thành viên tích cực trong cộng đồng.
- Có sở thích. Cuối cùng, bài báo Money Adviser khuyến nghị bạn tích cực theo đuổi những sở thích giữ cho mình bận rộn với cuộc sống. Chia sẻ sở thích của bạn với những người khác. Còn nếu bạn không có sở thích, hãy tham gia vào các tổ chức tình nguyện và cộng đồng.
Một mục tiêu tôi đang thực hiện là viết cuốn sách về những điều tôi ước gì mình đã hoàn thành lúc còn 20. Quá trình này khiến tôi tự hỏi: Điều gì mà tôi lúc 60 tuổi sẽ ước chi mình biết khi còn 40? Kết quả là, tôi bắt đầu chú ý đến các bài viết về hưu trí như thế này. Tôi đang làm hết sức để thu thập các gợi ý và lời khuyên từ người đã nghỉ hưu để sau này không phải rơi vào cảnh ngu ngơ không biết gì.
Hầu hết những gì tôi đã học được khớp với bài viết này: Để được hạnh phúc khi về hưu, tôi cần phải dành dụm, tôi cần phải sống tích cực và ăn uống đúng cách, tôi cần phải có bạn thân, và tôi cần phải làm những thứ khiến mình vui thích.
(J.D. Roth – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: telegraph)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình
dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,
giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,
từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…