Nghiên cứu cho thấy thẻ tín dụng kích thích tiêu xài quá tay

Chúng ta thường nghĩ người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn khi họ sử dụng thẻ tín dụng so với khi họ sử dụng tiền mặt (hoặc thẻ ghi nợ). Có thật vậy không?

Trong The Money Answer Book, Dave Ramsey viết:

Khi bạn trả bằng tiền mặt, bạn có thể “cảm thấy” tiền đang rời khỏi mình. Điều này không xảy ra với thẻ tín dụng. Quẹt thẻ tại quầy không gây cảm xúc gì. Nếu bạn dùng thẻ thay vì tiền mặt, bạn sẽ tiêu nhiều hơn từ 12 đến 18 phần trăm. Đây là số tiền mà đúng ra bạn có thể tiết kiệm.

Dù không trích dẫn rõ nguồn gốc số liệu này từ đâu, nhưng Ramsey nói đúng – hầu hết mọi người chi tiêu nhiều hơn khi họ trả bằng thẻ tín dụng. Số tháng 9 năm 2008 của tạp chí Journal of Experimental Psychology: Applied có bài nghiên cứu ảnh hưởng của loại hình thanh toán lên hành vi người tiêu dùng:

Các kết luận rằng tiền mặt làm giảm kích thích tiêu xài trong khi thẻ tín dụng hoặc thẻ quà tặng thì ngược lại, phát sinh từ bốn cuộc nghiên cứu về hai yếu tố trong hành vi mua sắm: thời điểm người tiêu dùng phải trả tiền (tiền sẵn có hay vay) và các hình thức thanh toán (tiền mặt, phiếu quà tặng hay thẻ tín dụng). Kết quả cho thấy “Hình thức thanh toán càng rõ ràng, ác cảm với chi tiêu càng lớn, ‘cơn đau tốn tiền’ càng cao.” Tiền mặt được xem là dạng thanh toán có thể thấy rõ nhất.

Trong cuộc nói chuyện giữa Ari Shapiro của NPR’s Morning Edition với giáo sư kinh tế trường Cornell, Robert Frank, về lý do tại sao người dân chi tiêu nhiều hơn khi sử dụng thẻ tín dụng so với dùng tiền mặt. Frank dẫn lời Dave Ramsey: “Bỏ tiền ra là một cảm giác sống động hơn so với hành động ký tên rồi trả tiền sau.”

Shapiro nói thêm: “Khi McDonald bắt đầu cho phép mua hàng bằng thẻ tín dụng, giá trị mua trung bình tăng từ $4,50 lên $7.00. Đó là một sự gia tăng rất lớn.”

Tôi không thể tìm thấy số liệu dẫn chứng cho tuyên bố Shapiro; Tuy nhiên, tôi đã tìm được bài viết trích dẫn lời một nhân viên công ty lắp đặt hệ thống xử lý thẻ tín dụng cho McDonald: “Chúng tôi dự đoán giá trị mua hàng trung bình sẽ gia tăng 40 phần trăm cho những đơn vị lắp đặt xử lý thẻ tín dụng lần đầu tiên.”

tieu xai qua tay

Các thông tin trên cho thấy, nhận thức được khuynh hướng tiêu xài quá tay với thẻ tín dụng có thể giúp bạn kiềm chế tốt hơn. Dưới đây là một số cách khác:

  • Không dùng thẻ tín dụng để mua hàng xa xỉ. Chỉ sử dụng nó mua những thứ bạn cần, như hàng tạp hóa hoặc đổ xăng. Tôi tuân theo quy tắc này và tôi tin rằng nó là một trong những lý do giúp tôi tránh chi tiêu quá nhiều.
  • Chỉ sử dụng thẻ tín dụng cho các chi tiêu lớn. Kris bạn tôi không dùng thẻ cho những mua sắm nhỏ, tự phát như quà sinh nhật cho cháu gái. Thay vào đó, cô giữ nó cho những mua sắm lớn, chẳng hạn như máy rửa chén. Các khoản chi phí này đều được lên kế hoạch trước.
  • Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quản lý chi tiêu, hãy bỏ thẻ tín dụng của bạn ở nhà. Đừng mang theo nó khi đến các trung tâm mua sắm, nếu bạn biết mình sẽ bị cám dỗ.
  • Đừng chỉ nhìn vào số tổng cộng trên hóa đơn – hãy chú ý đến chi phí của mỗi món bạn mua. Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, bạn sẽ có khuynh hướng tập trung vào con số tổng thay vì từng mục chi phí.

Tất nhiên là không phải ai cũng tiêu xài nhiều hơn với thẻ tín dụng. Một số độc giả phản hồi kinh nghiệm ngược lại – họ tiêu ít hơn khi dùng thẻ tín dụng so với tiền mặt. Dù rơi vào trường hợp nào thì bạn cũng cần hiểu chính mình, biết được điểm yếu của mình trong chi tiêu để có thể kiểm soát chi phí.

(J.D. Roth – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: nerdwallet)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH