Tôi nên dành dụm bao nhiêu?

Đây là một thắc mắc chung của nhiều người, nhưng lại không có câu trả lời chung cho mọi người. Đối với người ở độ tuổi 55, câu hỏi này thường được đặt ra với kỳ vọng số tiền tiết kiệm hiện tại đủ cho họ có thể nghỉ hưu sớm. Nhưng với một cặp vợ chồng trẻ vừa có con, câu hỏi này có thể hướng tới việc dành dụm cho chuyện học của con cái sau này hoặc dọn đến ngôi nhà lớn hơn. Nói cách khác, điều chúng ta thật sự muốn biết là liệu mình có đủ tiền để làm những việc mà mình đang dự tính thực hiện.

Vì vậy, để biết bạn có đi đúng hướng hay không, chúng ta sẽ cùng đào sâu hơn một chút.

Xác định nhu cầu chi tiêu

Trước tiên bạn cần suy ngẫm về cuộc sống mà bạn hướng đến, bạn sẽ chi tiêu ở mức độ nào cũng như bạn sẽ có mức thu nhập bao nhiêu. Xác định được nhu cầu chi tiêu của chính mình là một công việc khá khó khăn.

Là vì các quyết định chi tiêu đều bị chi phối bởi những cân nhắc về chất lượng cuộc sống. Một số người thuê người giúp dọn dẹp nhà cửa, trong khi những người khác lựa chọn tự thực hiện. Thường xuyên đi ăn ở ngoài có thể là gia vị cho cuộc sống của bạn, nhưng những người khác lại thích nấu ăn và thưởng thức ở nhà.

Các quyết định chi tiêu lớn đương nhiên sẽ có ảnh hưởng lớn hơn cả. Một ngôi nhà rộng sẽ đòi hỏi số tiền trả trước cao, đồng nghĩa với việc dành dụm cần chuẩn bị lâu hơn và kiên nhẫn hơn.

Xác định được những điều bạn cho là quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của mình sẽ giúp bạn tính toán được số tiền cần dành dụm để duy trì lối sống đó.

Đấu tranh để tiết kiệm

Nghiên cứu gần đây cho thấy: dù có 68% người tham gia nghĩ rằng họ đã tiết kiệm quá ít, thì chỉ có 3% đang cố gắng khắc phục bằng cách tiết kiệm nhiều hơn. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên lắm, chúng ta có thể tìm thấy sự thiếu nhất quán này trong tất cả những việc đòi hỏi sự kiên trì. Chúng ta thường rất hào hứng với những mục tiêu, nhưng đến giai đoạn thực hiện thì những hào hứng đó tắt ngóm đi nhanh chóng.

Nào là viễn cảnh tươi đẹp về các chuyến du lịch xa mà gia đình muốn đi vào kỳ nghỉ tới, hoặc về chiếc xe hơi sang trọng mà ta đã luôn ước ao. Chúng ta bắt đầu lên kế hoạch về việc dành dụm thêm tiền vào các quỹ tích lũy, nhưng rồi chợt nhận ra nếu làm vậy thì phải cắt giảm một số chi tiêu hiện tại. Hmm… dường như không phải là một ý tưởng tốt!

Đoạn này chính là lúc những gì có vẻ đơn giản trong lý thuyết (chỉ là tiết kiệm hơn thôi mà) trở nên vô cùng khó khăn. Những lựa chọn làm thay đổi chất lượng cuộc sống hiện tại gây nhiều bức bối và thường khiến chúng ta chùn bước.

Lời kết

Để biết bạn có đang tiết kiệm đủ hay không, cần đặt các nhu cầu chi tiêu và mục tiêu dành dụm của bạn lại với nhau và xem xét trong một bức tranh tổng thể.

Sau đó, hãy kiểm kê khoản bạn đã dành dụm và ước lượng số tiền bạn có thể tiết kiệm thêm. Thiết lập chuyển khoản tự động từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm.

Với một kế hoạch tài chính tốt, bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho mình đúng như bạn mong đợi.

(Chad Smith, chuyên viên hoạch định tài chính – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: lifehacker)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

 

TRUY CẬP BERICH