Khi làm thẻ tín dụng tại ngân hàng, chủ thẻ có thể lựa chọn mua bảo hiểm gian lận thẻ để tự bảo vệ trước rủi ro thẻ bị mất cắp hoặc thất lạc. Khi vay thế chấp bất động sản, người vay có thể lựa chọn mua bảo hiểm cho căn nhà thế chấp, để tự bảo vệ trước các rủi ro gây thiệt hại vật chất cho căn nhà… Những dạng bảo hiểm trên là ví dụ của sản phẩm bancassurance (bảo hiểm ngân hàng). Vậy bancassurance là gì và có lợi ích như thế nào đối với khách hàng?
Bancassurance (banca + assurance = ngân hàng + bảo hiểm) là một thuật ngữ tiếng Pháp dùng để chỉ việc bán sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng, tận dụng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp. Đây là kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm hiệu quả bên cạnh kênh truyền thống là các đại lý bảo hiểm.
Mô hình Bancassurance ra đời và phát triển mạnh mẽ tại Mỹ và các nước châu Âu. Ở châu Á, Bancassurance cũng đang hình thành và phát triển tại các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông…
Những lợi ích căn bản của Bancassurance dành cho khách hàng có thể kể đến như sau:
- Mua sản phẩm bảo hiểm với giá thấp (do công ty bảo hiểm giảm được chi phí phân phối)
- Có thêm kênh để mua sản phẩm
- Tiện lợi trong việc mua nhiều sản phẩm tại cùng một nơi
- Sử dụng kết hợp với nhiều dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng, như nộp phí, nhận bồi thường qua tài khoản ngân hàng.
Các sản phẩm Bancassurance hiện được các ngân hàng cung cấp theo dạng:
- Độc lập với sản phẩm ngân hàng: các sản phẩm bảo hiểm truyền thống.
- Liên kết, tích hợp với sản phẩm ngân hàng, như: sản phẩm bảo hiểm rủi ro tài sản, bảo hiểm tính mạng và sức khỏe cho người sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
- Bán kèm với các sản phẩm ngân hàng hoặc là điều kiện đưa ra khi khách hàng có nhu cầu vay ngân hàng. Ví dụ, khách vay tiền đương nhiên được sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tử kỳ mệnh giá khoảng 100 triệu đồng mà không cần đóng phí bảo hiểm (phí bảo hiểm có thể được ngân hàng tính vào lãi suất cho vay).
Vì dạng sản phẩm bảo hiểm tích hợp / bán kèm còn khá mới, nên nhiều khách hàng mang tâm lý miễn cưỡng trước cách tư vấn không rõ ràng của nhân viên ngân hàng do hạn chế nghiệp vụ hoặc chạy theo chỉ tiêu, nhất là trong trường hợp khách đi vay buộc phải mua thêm bảo hiểm. Có khách hàng nghĩ rằng trước đó mình đã mua bảo hiểm nhân thọ / tài sản rồi nên không cần thêm một hợp đồng bảo hiểm nữa.
Tuy nhiên, việc mua thêm bảo hiểm là cần thiết, nhằm mục đích bảo vệ khoản vay trong trường hợp rủi ro xảy ra phía khách hàng. Điều này tốt cho cả khách hàng (yên tâm không phát sinh gánh nặng tài chính nếu gặp rủi ro) và ngân hàng (không lo mất vốn trong trường hợp khách hàng chẳng may gặp rủi ro). Ở Mỹ, các khoản vay mua nhà thế chấp bắt buộc phải mua bảo hiểm nếu khoản vay lớn hơn 80% giá căn nhà.
Có thể thấy, những sản phẩm bảo hiểm tích hợp, bán kèm với sản phẩm ngân hàng như vậy thật sự là hữu ích. Tuy nhiên, sản phẩm do từng ngân hàng cung cấp sẽ đa dạng và tùy vào sự lựa chọn của khách hàng, chứ không có nghĩa là khách phải mua BHNT mới được vay tín chấp.
Nhằm tránh việc hiểu lầm này, vừa qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT yêu cầu các ngân hàng không được nhập chung giấy tờ của ngân hàng và hợp đồng bảo hiểm. Nhìn chung, khung pháp lý cho kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với khối bảo hiểm nhân thọ đã có, nhưng đối với khối bảo hiểm phi nhân thọ thì chưa. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã có kiến nghị lên Bộ Tài chính về việc phải sớm có hành lang pháp lý cho khối này để tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của bancassurance.
Thùy Liên
Bài viết có trích dẫn một số thông tin từ các nguồn:
- Tìm hiểu Bancassurance dưới góc độ ngân hàng (TS. Nguyễn Hữu Hiểu – Trường Đào tạo & PTNNL)
- Bancassurance tại các ngân hàng thương mại Việt Nam nhìn từ góc độ sự hài lòng của khách hàng (PGS. TS. Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thái Liêm)
- Báo Đầu tư chứng khoán…
Nguồn ảnh: RobertsonRyan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Các khóa học tài chính cá nhân với nhiều nội dung và hình thức
giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả cho mình và gia đình.