Người trẻ và vấn đề quản lý tài chính cá nhân – Chia sẻ qua báo Thanh Niên (*)

Nhiều người trẻ ở Sài Gòn thu nhập tới chục triệu/tháng nhưng vẫn than không đủ sống, thậm chí là phải vay mượn thêm. Tại sao lại như vậy, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Cao Thị Thùy Liên – Giám đốc phát triển sản phẩm dịch vụ và đào tạo (Công ty BeRich, TP.HCM) về vấn đề này.

* Xin chào bà Thùy Liên, theo bà vì sao nhiều người trẻ làm văn phòng thu nhập 10 triệu/tháng nhưng không tính được bài toán chi tiêu hợp lý và ít tiết kiệm được?

Có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ qua các khóa đào tạo, tôi nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là do nhiều bạn chưa nhận thấy sự cần thiết phải dành dụm cho tương lai. Điều này là do chúng ta chưa có thói quen hoạch định dài hạn. Có thể trong ngắn hạn vài tháng hay 1 – 2 năm cuộc sống khá ổn không có gì phải lo, nhưng hầu hết lúc ngồi lại xem xét dài hạn đều bị thâm hụt. Khi tính ra con số cụ thể thì tự khắc ta chủ động tiết chế được ngay, nên rốt cuộc là do chúng ta cho rằng không cần thiết, chứ không phải là không làm được.

* Vậy theo bà nên phân chia tiền lương như thế nào là hợp lý?

Có 1 quy tắc kinh nghiệm giúp ta tính gần đúng một cách đơn giản là 50/20/30. Theo đó, ta chia thu nhập thành 3 phần: Phần dành cho những chi phí thiết yếu như nhà cửa điện nước, nhu yếu phẩm, thực phẩm, đi lại… chiếm tối đa 50%. Phần tiết kiệm lại 20% để đầu tư tích lũy cho các dự định chi tiêu trong tương lai như mua nhà, tiền học cho con, hưu trí… Còn lại là phần 30% dành cho những chi tiêu theo ý thích như giải trí hay mua sắm. Trong 3 phần trên thì phần dành cho những chi phí thiết yếu là cơ bản vì đó là những chi phí buộc phải chi.

Phần dành cho những chi tiêu theo ý thích có thể linh hoạt được, nếu phải tìm cách cắt giảm thì bạn ưu tiên xem xét các chi phí trong phần này. Phần dành dụm lại là quan trọng vì nó quyết định cho tương lai.

* Vậy các bạn trẻ phải làm thế nào để tích lũy tiền cho tương lai, thưa bà?

Có một thuật ngữ “pay yourself first” xem việc dành dụm tích lũy như là trả lương cho chính mình sau này và cần đặt nó lên hàng đầu. Bằng cách ưu tiên trích thu nhập vào phần dành dụm trước, sau đó gói ghém chi tiêu trong khoản còn lại. Mặt khác việc tích lũy cần thực hiện định kỳ, đều đặn để tạo thói quen và tăng hiệu quả.

* Xin hỏi bà, tiền tiết kiệm ngân hàng nên chiếm bao nhiêu % lương, vì sao?

Có thể tham khảo tỉ lệ 20%, đây là một con số thường được các chuyên gia tài chính cá nhân đề cập trong nhiều quy tắc kinh nghiệm. Tỉ lệ đó là bao nhiêu có thể khác nhau với từng người, theo mức sống cũng như các mục tiêu tương lai của họ. Ví dụ một gia đình có dự định cho con đi học ở nước ngoài sẽ phải dành dụm nhiều hơn.

Phần lớn chúng ta rằng khoản dành dụm lại tức là đem gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều sản phẩm tài chính khác mà chúng ta có thể lựa chọn, ví dụ chứng chỉ tiền gửi là sản phẩm rất “hot” trong mấy tháng gần đây, hoặc các quỹ tương hỗ cũng đã ra đời ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Trong trường hợp khả năng sinh lời của kênh tiết kiệm không đủ đáp ứng cho những mục tiêu tài chính trong tương lai, chúng ta có thể cân nhắc thêm các sản phẩm khác.

* Theo bà, những người trẻ cần phải làm gì để kiểm soát được chi tiêu?

Một phương pháp cơ bản là theo dõi chi tiêu trong 2 – 3 tháng, ghi nhận lại thành từng khoản mục  như: nhà cửa, thực phẩm, giải trí, quần áo,… sau đó xem khoản mục nào chưa hợp lý để đặt ra hạn mức cho nó, và qua tháng sau theo dõi khoản chi đó sao cho không vượt hạn mức. Thông thường, những khoản có thể cắt giảm là phần 30% các chi phí theo ý thích.

Nhiều bạn trẻ thấy phương pháp ghi nhận này hơi lắt nhắt nhưng đây giống như là “thuốc để chữa bệnh”, sau khi kiểm soát chi tiêu hiệu quả thì cũng không cần duy trì thường xuyên.

* Hiện nay nhiều người nghĩ cần tận hưởng cuộc sống chứ không nên dè dặt chi tiêu vì sẽ phải hạn chế nhiều thứ. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi đồng tình quan niệm cân bằng, vừa tận hưởng cuộc sống hiện tại vừa đảm bảo đủ cho cuộc sống tương lai. Nếu tận hưởng quá thoải mái trong hiện tại thì có thể tương lai không đủ sống, còn nếu lúc nào cũng quá dè sẻn thì cuộc sống lại mất đi nhiều ý nghĩa. Vấn đề ở đây là xác định bao nhiêu là đủ thì nó liên quan đến chuyện hoạch định tài chính, nhất là hoạch định dài hạn.

* Với những người đã đưa ra được kế hoạch chi tiêu thì họ cần phải làm gì để có thể hoàn thành được dự định của mình?

Kế hoạch chi tiêu thường là ngắn hạn theo tháng, quý hoặc năm. Vào đầu tháng hoặc đầu năm khi bắt tay lập kế hoạch, bạn sẽ dự trù các khoản thu nhập và chi tiêu trong tháng hoặc năm đó sao cho cân đối.

Kế hoạch chi tiêu cần cụ thể số tiền và thời điểm thu chi để xem xét tính khả thi. Ví dụ dự tính mua xe máy mới hoặc một chuyến du lịch vào tháng 7 thì số tiền phát sinh thêm trong tháng đó là 15 triệu, vậy số này sẽ trích từ đâu…

nguoi-tre-tai-chinh_jeraldinephneah

Đăng ký bản tin để cập nhật các bài chia sẻ mới về tài chính cá nhân và các chương trình ưu đãi của BeRich:

* Những người trẻ có nên tự lập cho mình những kế hoạch dài hơi? Ví dụ mục tiêu trong 10 năm, 20 năm, đến khi nghỉ hưu…

Hoạch định dài hạn là một việc cần thiết, vì nếu chỉ xem xét ngắn hạn 1 – 2 năm chúng ta dễ lâm vào tình trạng “thặng dư cục bộ”. Nhiều gia đình cuối năm dư ra một khoản bèn tự thưởng một chuyến du lịch hay mua sắm lớn, mà nếu không tính toán đúng thì có khi tiêu phạm vào các nhu cầu trong tương lai, đến lúc cần lại thiếu hụt.

Trong các mục tiêu tài chính phổ biến của mỗi gia đình thì mua nhà, tiền học cho con và hưu trí là 3 khoản chi tiêu lớn nhất và mang tính dài hạn, cần dành dụm tích lũy qua hàng chục năm mới đủ. Trong đó, hoạch định hưu trí là phần các bạn trẻ ít để ý nhất, nên mình đưa ra 2 con số minh họa: nếu bạn bắt đầu tích lũy từ 20 – 30 tuổi thì cần dành dụm 15% thu nhập mới đủ số tiền cần để nghỉ hưu, nhưng nếu để đến trên 40 mới bắt đầu thì phải dành dụm trên 50%, rõ ràng con số này là không khả thi.

Cũng cần nói thêm rằng hoạch định tài chính không chỉ về vấn đề chi tiêu mà còn bao gồm nhiều vấn đề khác như quản lý tài sản và đầu tư, quản lý rủi ro, thuế v.v…

* Cuối cùng, xin bà chia sẻ quan niệm của mình vấn đề thu nhập của người trẻ ở Sài Gòn bao nhiêu là đủ?

Bao nhiêu là đủ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và lối sống của mỗi người, có người 5 triệu nhưng ở chung với bố mẹ nên cũng đủ, có người 10 triệu nhưng phải chu cấp cho gia đình nên vẫn thấy thiếu.

Vì vậy, để có cái nhìn tổng quan thì mình chia sẻ số liệu thống kê thu nhập bình quân hộ gia đình tại các thành phố lớn (TNS, 2016):

– 13% dưới 6,5 triệu.

– 30% từ 6,5 – 13 triệu.

– 57% trên 13,5 triệu.

Còn cụ thể đối với từng người, chúng ta sẽ xem xét kế hoạch tài chính của người đó, mức chi tiêu thế nào, dành dụm bao nhiêu, có các dự định chi tiêu gì trong tương lai… Và “đủ” ở đây nghĩa là đáp ứng được nhu cầu chi tiêu hiện tại lẫn tương lai của người đó.

Xin cảm ơn bà!

Vũ Phượng (Bài gốc đăng tại Thanh Niên trong loạt bài viết về vấn đề thu nhập của người trẻ ở TP. (*): Tựa do BeRich đặt lại. Ảnh: jeraldinephneah)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH