Tầm quan trọng của việc hoạch định tài chính cá nhân (phát sóng trên HTV7)

Bạn có biết: TIẾT KIỆM SỚM VÀ ĐỀU ĐẶN cũng như KIỂM SOÁT CHI TIÊU là 2 đáp án chung nhất cho câu hỏi “Ông bà đã làm gì để đạt được thành công tài chính?” trong một cuộc khảo sát dành cho những người giàu. Đây là những việc mà ai cũng có thể làm được, chứng tỏ rằng sự thành công hay an toàn về tài chính không phải chỉ đến từ những bí quyết làm giàu cao siêu.

BeRich trong chuyên mục Câu chuyện ngày mới – Chương trình Chào ngày mới trên HTV7 chia sẻ về Tầm quan trọng của việc hoạch định tài chính cá nhân.

NỘI DUNG:

MC 1: Thưa quý vị theo một báo cáo mới đây của ngân hàng Montreal ở Canada thì có đến 59% người dân xứ này lên kế hoạch tài chính cá nhân cho mỗi năm. Trong khi đó thì hoạch định tài chính cá nhân dường như vẫn là một khái niệm mới mẻ đối với người Việt Nam. Phân chia tiền lương như thế nào, các chi phí nào quan trọng nhất, là những câu hỏi người ta thường đặt ra…

MC 2: Vâng, và còn có những băn khoăn về kế hoạch tài chính dài hạn chẳng hạn để dành mua nhà hoặc nghỉ hưu. Những câu hỏi về việc chúng ta làm thế nào để có thể tích lũy và có được những kế hoạch tài chính cho tương lai…

MC 1: Còn về khoản tiền tiết kiệm ngân hàng sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập của chúng ta… Đó là những câu hỏi cần câu trả lời.

MC 2: Và để giải đáp câu hỏi vì sao việc hoạch định tài chính cá nhân lại cần thiết trong cuộc sống, chúng tôi mời quý vị cùng gặp gỡ ThS. Cao Thị Thùy Liên, chuyên viên tài chính BeRich.vn.

oOo

MC Kiều Khanh: Xin chào chị Liên.

Ms. Liên: Chào Kiều Khanh, và chào quý vị khán giả của chương trình Chào ngày mới.

MC Kiều Khanh: Có nhiều bạn trẻ tiết lộ rằng lương của họ rất cao nhưng họ lại không thể tiết chế được chi tiêu cũng như không kiểm soát được việc tiết kiệm của mình. Như vậy có phải là do việc hoạch định tài chính cá nhân của họ chưa được tốt?

Ms. Liên: Mình nghĩ hoạch định tài chính cá nhân chưa tốt là nguyên nhân đầu tiên. Vì đúng ra, thu nhập của mình cần chia thành các khoản khác nhau với mục tiêu sử dụng và tỷ trọng khác nhau. Nếu mình không hoạch định hoặc hoạch định chưa tốt, sẽ dẫn đến việc hoặc là mình chi tiêu quá mức cho một khoản nào đó, hoặc là mình bị thiếu hụt cho những khoản khác.

Nhưng mình nghĩ còn một nguyên nhân thứ hai, là ngay cả khi mình hoạch định tốt, thì vẫn có thể mình chưa kiểm soát tốt kế hoạch. Việc kiểm soát tốt ở đây thứ nhất là mình sẽ ghi nhận lại chi tiêu hàng ngày, và thứ hai là những khoản chi tiêu nào chưa hợp lý, mình sẽ đặt hạn mức hàng tháng để theo dõi. Và khi những khoản đó sắp vượt hạn mức, mình sẽ để ý tiết chế lại.

MC Kiều Khanh: Nói đến việc hoạch định tài chính cá nhân, ta thường nghĩ là chỉ có những người giàu mới làm. Bởi vì lương ba cọc ba đồng thì hàng tháng xài đủ đã là một vấn đề rất khó, thì nói chi đến việc hoạch định tài chính cá nhân. Chị nghĩ như thế nào về nhận định này?

Ms. Liên: Thật ra thì đây là một cách nghĩ ngược. Mình hay nghĩ rằng khi nào mình giàu và có nhiều tiền rồi thì mới quan tâm đến việc quản lý tiền bạc. Nhưng thật ra chỉ khi nào chúng ta quản lý và kiểm soát tốt tiền bạc và chi tiêu của mình, thì mới tích lũy được nhiều và giàu có hơn.

Mình xin dẫn ra đây một khảo sát của PNC Wealth Management. Khảo sát hỏi những người giàu một câu như thế này: Hành động nào đã đóng góp nhiều nhất cho thành công tài chính của ông bà? Những người giàu họ có chung các câu trả lời: 1. Tiết kiệm sớm và đều đặn, 2. Có những lựa chọn đầu tư thông minh, 3. Kiếm được nhiều tiền, 4. Kiểm soát chi tiêu. Mình thấy hai việc tiết kiệm sớm và đều đặn cũng như kiểm soát chi tiêu là những việc mà ai cũng có thể làm được.

MC Kiều Khanh: Thông thường khi phác thảo ra một bản kế hoạch tài chính, chị sẽ tư vấn như thế nào để người được tư vấn sẽ bám sát được mục tiêu hoạch định tài chính của mình?

Ms. Liên: Ví dụ như mình tư vấn cho Khanh, thì thứ nhất mình sẽ bám sát vào mục tiêu và động lực của bạn khi bạn muốn hoạch định một kế hoạch tài chính.

Thứ hai là người tư vấn sẽ dựa trên những dữ liệu thực tế và định lượng, ví dụ như những tài nguyên tài chính mà Khanh đang có, từ đó đưa ra một kế hoạch rõ ràng.

Thứ ba là người tư vấn sẽ dựa trên đặc điểm lối sống cũng như khả năng chấp nhận rủi ro của Khanh để đưa ra một kế hoạch khả thi. Ví dụ một người không quen tiết kiệm quá mức, mà mình đưa ra một kế hoạch quá ngặt nghèo thì người ta sẽ không thực hiện được.

Còn về các bước hoạch định, thì để mỗi người tự quản lý chi tiêu, chúng ta có thể tham khảo phương pháp JARS hoặc là của tỷ phú Li Kashing mà gần đây mình thấy các bạn trẻ chia sẻ rất nhiều ở trên mạng. Mình nói thêm về phương pháp JARS, cũng khá đơn giản, phương pháp này chia thu nhập của mình thành 6 khoản với mục tiêu và tỷ trọng khác nhau. Ví dụ như chi tiêu cần thiết 55-60%, tiết kiệm 10%, đầu tư 10%… Chỉ cần mình áp dụng thường xuyên được phương pháp này cho việc phân bổ thu nhập hàng tháng thì đã có thể quản lý tương đối tốt tài chính của mình.

y nghia hoach dinh

MC Kiều Khanh: Nói đến hoạch định tài chính chúng ta sẽ nghĩ đến việc hoạch định lâu dài. Chẳng hạn nhiều người muốn hoạch định sao để có một khoản tiền trước khi nghỉ hưu. Nhưng nếu một kế hoạch quá lâu dài thì lại thường trở nên khó thực thi. Về điều này chị có nhận định gì?

Ms. Liên: Có những cách để mình cảm thấy một kế hoạch dài hơi trở nên dễ thực thi hơn. Thứ nhất là nó chỉ khó trong thời gian đầu, cho đến khi đã thành thói quen thì mình sẽ áp dụng rất dễ dàng. Hoặc mình cũng có thể sử dụng một số công cụ để giúp cho kế hoạch của mình được thực thi dễ dàng hơn, ví dụ như dịch vụ tiết kiệm tự động của ngân hàng, những phần mềm quản lý chi tiêu, hay mình có thể sử dụng những dịch vụ tư vấn. Cuối cùng, một kế hoạch dài hơi kéo dài nhiều năm nhưng mình chia nhỏ thành các khoảng thời gian ngắn, định kỳ hàng năm nhìn lại và điều chỉnh kế hoạch, để đảm bảo nó khả thi còn mình thì có động lực tiếp tục thực hiện.

MC Kiều Khanh: Trong chia sẻ vừa rồi của chị, Kiều Khanh có lưu ý một điểm là mình có thể dùng các công cụ hỗ trợ trong việc hoạch định tài chính cá nhân. Vậy những công cụ này hoạt động như thế nào và chúng ta sẽ tận dụng chúng ra sao?

Ms. Liên: Đầu tiên khi nhắc đến công cụ hỗ trợ, chúng ta có thể nghĩ đến các dịch vụ của ngân hàng, ví dụ như lúc nãy mình có nhắc đến dịch vụ tiết kiệm tự động. Ngoài ra còn có dịch vụ thanh toán hóa đơn tự động. Rồi khi thanh toán qua thẻ, những giao dịch sẽ được tự động lưu lại trong sao kê, mình có thể tra cứu lại để quản lý chi tiêu tốt hơn.

Công cụ thứ hai là những dạng phần mềm quản lý chi tiêu. Thứ nhất chúng giúp mình ghi nhận lại chi tiêu vì thông thường người Việt vẫn còn thói quen chi tiêu tiền mặt khá nhiều… Sau đó phần mềm đưa ra những báo cáo cho mình biết trong tháng mình đã chi tiêu từng khoản như thế nào. Ngoài ra phần mềm còn có tính năng giúp mình đặt ra những hạn mức để kiểm soát chi tiêu…

MC Kiều Khanh: Cảm ơn chị rất nhiều vì đã đến và đưa ra những chia sẻ mà theo Kiều Khanh là rất bổ ích cho những đối tượng khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ có một kế hoạch tài chính cá nhân thật tốt. Xin cảm ơn chị.

Ms. Liên: Cảm ơn Kiều Khanh.

(BeRich.vn – Nguồn ảnh: FPA AU)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Các khóa học tài chính cá nhân với nhiều nội dung và hình thức

giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả cho mình và gia đình.

TRUY CẬP BERICH