Tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi

Tháng 10/2016 tại diễn đàn Quốc hội, Chính phủ và các đại diện lãnh đạo Chính phủ lần lượt gợi mở hướng thí điểm cho phá sản ngân hàng yếu kém. Thông tin này khiến người gửi tiền tiết kiệm lo lắng ngộ nhỡ ngân hàng mình gửi tiền lâm vào hoàn cảnh trên thì tiền của mình sẽ thế nào. Mối lo này làm dấy lên sự quan tâm đến bảo hiểm tiền gửi (BHTG).

Bài này nhằm hệ thống lại các thông tin về chủ đề bảo hiểm tiền gửi, theo các câu hỏi được nhiều người thắc mắc:

  • 1. Vì sao Chính phủ lại có thay đổi trong chủ trương về việc phá sản ngân hàng vào lúc này?

    Thật ra từ nhiều năm nay đã có quy định của pháp luật về việc phá sản ngân hàng nhưng chúng chưa từng được áp dụng.Trong giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015, với bối cảnh thị trường vàng và ngoại tệ còn nhiều xáo trộn bất ổn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã xác định chưa thực hiện việc cho phá sản ngân hàng. Dù thực tế giai đoạn này số ngân hàng đã giảm từ 44 còn 34, thì vẫn là thông qua hình thức sáp nhập, hợp nhất với mua lại 0 đồng (theo Forbes).

    Đến nay, bối cảnh vĩ mô bình ổn hơn, nên vào tháng 10/2016 tại diễn đàn Quốc hội, Chính phủ đã bắt đầu gợi mở hướng thí điểm cho phá sản ngân hàng yếu kém.

  • 2. Tại sao việc cho phá sản ngân hàng lại cần thiết?

    Vì đây là điều dĩ nhiên trong nền kinh tế thị trường. Các ngân hàng nếu làm ăn không hiệu quả, gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính và nền kinh tế, làm ảnh hưởng đối với tiền gửi của người dân thì phải bị đào thải.

    Nhà nước không thể bảo hộ những ngân hàng làm ăn yếu kém mãi. Nếu ngân hàng thành lập rồi yên tâm lỡ hoạt động yếu kém có Nhà nước mua lại và đứng ra lo thì sẽ không có tác dụng cảnh tỉnh. Chưa kể một số ngân hàng khi được Nhà nước bảo hộ lại dùng số tiền đó đi thâu tóm các ngân hàng khác.

    Nếu mạnh dạn để ngân hàng yếu kém bị đào thải bởi thị trường, các ông chủ ngân hàng sẽ phải suy nghĩ cẩn thận do họ có thể mất vốn khi đầu tư vào ngân hàng.

    Có thể thấy bài học này qua vụ phá sản ngân hàng được cho là lớn nhất lịch sử nước Mỹ, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008:

    Tháng 3/2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ cung cấp những khoản vay lớn cho các ngân hàng đủ tiêu chuẩn trong trường hợp có sự cố xảy ra, sau khi cùng Bộ Tài chính Mỹ dàn xếp để JPMorgan Chase mua lại Bear Stearns.

    Nhưng chỉ 6 tháng sau, FED lại quyết định đứng ngoài khi ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn xin phá sản, sau 158 năm hoạt động và là ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ lúc bấy giờ.

    Theo giới phân tích, việc FED không can thiệp vào Lehman Brothers là do tình hình lúc này đã thay đổi. Thị trường đã sẵn sàng chứng kiến tình huống phá sản của Lehman, còn vào tháng 3, nếu Bear sụp đổ hoàn toàn sẽ là một cú sốc quá lớn đối với hệ thống tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. Ngoài ra, FED cũng không muốn thị trường cho rằng, FED phải ra tay cứu giúp bất kỳ một ngân hàng đầu tư gặp nguy nào (theo VnEconomy).

  • 3. Hệ thống pháp lý về việc phá sản ngân hàng được quy định ra sao? Quá trình thực hiện việc phá sản ngân hàng có gì khác với phá sản doanh nghiệp thông thường?

    Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đặc thù như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, do ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế, xã hội, nên việc phá sản cũng được xử lý một cách đặc biệt thận trọng, chặt chẽ.

    Ngoài những quy định chung trong Luật Phá sản năm 2004, đến năm 2010 – 2011 Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều Thông tư, Nghị định khác quy định cụ thể về việc phá sản ngân hàng.

    Đến nay, các quy định về việc phá sản ngân hàng đã được quy định thành hẳn một chương riêng trong Luật Phá sản năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015.

    *

    Quá trình thực hiện việc phá sản ngân hàng khác xa so với cho phá sản doanh nghiệp khác: Dù cho ngân hàng có bị lâm vào tình trạng bị phá sản, thì cũng chưa được phép sử dụng thẳng Luật Phá sản, mà buộc phải vòng qua một giai đoạn tự xử trong ngành ngân hàng: giai đoạn kiểm soát đặc biệt.

    Ở giai đoạn này có những luật định đặc thù như: Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng khác có trách nhiệm cho ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt vay vốn. Nếu ngân hàng vẫn không phục hồi được thì mới đi đến quyết định phá sản ngân hàng.

    Tháng 8/2015, qua các kênh truyền thông chúng ta từng nghe tin Ngân hàng Đông Á bị đặt vào kiểm soát đặc biệt vì những sai phạm trong quản lý tài chính và cấp tín dụng giai đoạn trước 2012. Trong gần 10 ngân hàng đã bị kiểm soát đặc biệt, DongA Bank là trường hợp đầu tiên mà Ngân hàng Nhà nước công bố rộng rãi trên các kênh truyền thông.

    Trong 4 ngày từ 14-18/8, chênh lệch số tiền gửi vào và rút ra trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm và thanh toán qua tài khoản ngân hàng Đông Á bị âm 4.834 tỷ đồng (trong đó tiền rút ra 15.424 tỷ đồng và gửi vào là gần 10.592 tỷ đồng). Ngoài ra, số vàng giữ hộ trong bốn ngày này cũng sụt giảm hơn 7.400 lượng. Toàn bộ số tiền, vàng chi trả cho khách hàng đều do DongA Bank tự cân đối, chưa sử dụng nguồn vay cấp vốn nào từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác.

    Từ tháng 9 đến tháng 12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết định thay đổi nhân sự cấp cao của DongA Bank. Sau hơn 4 tháng, ngân hàng này hoạt động trở lại gần như bình thường, song song với việc tiến hành đệ trình và triển khai đề án tái cấu trúc DongA Bank (theo VnExpress).

  • 4. Khi ngân hàng phá sản thì tiền gửi của tôi như thế nào?

    Trường hợp ngân hàng được một ngân hàng khác mua lại hay sáp nhập thì ngân hàng trong tương lai sẽ tiếp quản, giải quyết các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng cũ.

    Trường hợp ngân hàng nộp đơn xin phá sản thì khách hàng gửi tiền tại đó được bảo hiểm tiền gửi chi trả tối đa 50 triệu đồng (theo Luật Bảo hiểm tiền gửi).

    Số còn lại cùng với lãi ngân hàng sẽ được giải quyết theo Luật Phá sản: phần tiền thu được từ việc thanh lý tài sản sẽ được trả cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên là 1) cơ quan thuế, 2) người gửi tiền, 3) các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, 4) người sở hữu trái phiếu của ngân hàng, 5) các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là 6) cổ đông của ngân hàng.

    Quay lại câu chuyện về ngân hàng Lehman Brothers:

    Sau khi tuyên bố phá sản, theo Luật Phá sản Mỹ, Lehman Brothers bước vào quá trình bảo hộ sau phá sản, nghĩa là vẫn tiếp tục hoạt động nhằm thiết kế và thực thi kế hoạch tái cơ cấu, đồng thời được trì hoãn việc trả nợ đến khi sẵn sàng.

    Trong quá trình này, hoạt động ngân hàng đầu tư cốt lõi được bán cho Barclays Capital. Ngoài ra có Nomura mua lại Lehman’s European & Middle East với giá $2 (và Lehman Asia Pacific với giá 225 triệu đô). Các khách hàng của Lehman được chuyển giao cho chủ mới.

    Đến 3/2012, Lehman Brothers tuyên bố thoát khỏi tình trạng bảo hộ phá sản và đi đến bước cuối cùng là thanh lý cũng như chi trả cho các chủ nợ, bao gồm các công ty phố Wall như Goldman Sachs Group Inc và các quỹ đầu tư như Paulson & Co…, riêng các cổ đông ngân hàng không nhận lại được gì (theo IBTimes, Reuters, Daily Mail).

  • 5. Vậy bảo hiểm tiền gửi là gì?

    BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm (ở đây là người gửi tiền) trong hạn mức trả tiền bảo hiểm, khi tổ chức tham gia bảo hiểm (ở đây là ngân hàng) lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản.

    Phí bảo hiểm do tổ chức tham gia BHTG buộc phải nộp.

    Tổ chức BHTG là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, giám sát và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

  • 6. Bảo hiểm tiền gửi có ý nghĩa gì? Vì sao mục đích bảo hiểm tiền gửi – bảo vệ tiền của người gửi – là đúng đắn mà lại có những ý kiến chỉ trích?

    Bảo hiểm tiền gửi là một công cụ được triển khai ở nhiều nước nhằm bảo vệ người gửi tiền  trong trường hợp ngân hàng mất khả năng chi trả.

    Nếu không có bảo hiểm tiền gửi thì trong trường hợp này, người gửi tiền sẽ đổ xô đến ngân hàng có vấn đề để mong rút được tiền của mình trước những người khác. Làn sóng rút tiền này nhiều khi mới chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng đó và kéo theo nhiều ngân hàng khác trong hệ thống.

    *

    Mặt trái của bảo hiểm tiền gửi, nhất là khi bảo hiểm 100% số tiền gửi, là tạo ra rủi ro đạo đức khi cả ngân hàng lẫn người gửi tiền đều chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hệ quả.

    Nếu không có bảo hiểm tiền gửi thì các ngân hàng phải nỗ lực cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ và độ an toàn.

    Nếu có bảo hiểm tiền gửi, các ngân hàng có xu hướng cho vay và đầu tư rủi ro hơn, không phải lo chuyện người gửi chuyển sang ngân hàng khác cho an toàn hơn.

    Về phía người gửi tiền, khi được bảo hiểm thì họ không quan tâm đến việc ngân hàng nào an toàn mà chỉ chú trọng chọn ngân hàng nào chào lãi suất tiền gửi cao nhất.

  • 7. Mô hình bảo hiểm tiền gửi ở các nước ra sao?

    Mỹ là nước thứ 2 trên thế giới (sau Tiệp Khắc) thành lập tổ chức BHTG (FDIC).  FDIC chính thức hoạt động từ tháng 2/1934 sau cuộc Đại khủng hoảng ngân hàng 1933, khi các vụ đổ vỡ ngân hàng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nước Mỹ.

    Thành công trong quá trình hoạt động của FDIC là động lực cho các quốc gia khác xây dựng tổ chức BHTG. Tính đến tháng 1/2014, số quốc gia có hệ thống BHTG là 113, tăng từ 12 nước năm 1974. Tổ chức BHTG VN (DIV) là tổ chức tài chính Nhà nước chính thức hoạt động từ 7/2000.

    Thử xem qua BHTG tại Singapore (SDIC):

    • Chính sách bảo hiểm 100% chấm dứt hiệu lực vào ngày 31/12/2010.
    • Hiện nay hạn mức bảo hiểm tiền gửi là $50,000. Theo tính toán, con số này đủ bảo hiểm toàn bộ cho 91% người gửi tiền cá nhân và phi ngân hàng. Cao hơn tiêu chuẩn quốc tế là 80% – 90%.
    • Trường hợp bạn đang có những khoản vay với ngân hàng, thì SDIC vẫn bồi thường lên đến $50,000 mà không trừ lại số tiền nợ. Còn bạn vẫn sẽ phải hoàn trả các khoản vay để ngân hàng thực hiện thanh lý.
  • 8. Vì sao người gửi tiền không được bảo hiểm tiền gửi toàn bộ?

    Điều này liên quan đến một trong những nguyên tắc của mô hình BHTG (được đặt ra bởi Ủy ban giám sát ngân hàng Basel BCBS và Hiệp hội BHTG quốc tế IADI). Đó là nguyên tắc về việc Hạn chế rủi ro đạo đức:

    • Khi người gửi tiền tin rằng họ được bảo vệ không bị mất tiền, cũng như khi ngân hàng tin rằng họ được bảo hộ không phá sản, họ sẽ có động cơ hành động rủi ro. Vì vậy, mô hình BHTG cần đảm bảo các tính năng như: đặt giới hạn cho số tiền bảo hiểm; giới hạn loại tiền gửi được bảo hiểm v.v… Ở nước ta, theo Luật BHTG, tiền gửi được bảo hiểm là “tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu”…
    • Hạn mức bảo hiểm được xác định dựa trên thống kê về phân bố giá trị các khoản tiền gửi tại các ngân hàng. Cách này cho phép các nhà hoạch định chính sách có một độ đo khách quan để đánh giá một hạn mức bảo hiểm nào đó có phù hợp hay không: dựa trên tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm.
    • Hạn mức bảo hiểm có thể được xem xét điều chỉnh theo sự thay đổi của các nhân tố: lạm phát, tăng trưởng thu nhập thực tế, sự phát triển của các sản phẩm tài chính mới…
  • 9. Vì sao hạn mức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 50 triệu đồng?

    Điều này liên quan đến một nguyên tắc khác của mô hình BHTG về Mức bảo hiểm: Mục tiêu BHTG là “bảo vệ đủ cho số đông” những người gửi tiền nhỏ.

    Theo thông lệ quốc tế thì, hạn mức bảo hiểm gấp 3-12 lần thu nhập bình quân trên đầu người ở nước đó.

    Tại Việt Nam, hạn mức chi trả tiền bảo hiểm hiện nay là 50 triệu VNĐ (cho các khoản tiền gửi của 1 người tại 1 ngân hàng), số này được điều chỉnh từ năm 2006 (so với mức 30 triệu khi thành lập BHTG năm 2000).

    Để có cơ sở cho điều chỉnh này, tổ chức BHTG đã tiến hành cuộc điều tra trên toàn hệ thống ngân hàng vào năm 2002, theo đó có đến 80% số người gửi tiền trong tài khoản mức 50 triệu đồng trở xuống, 20% còn lại ở mức trên 50 triệu đồng.

    Hạn mức 50 triệu được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế vào thời điểm xây dựng, tương đương gấp 5,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2005 và bảo vệ được toàn bộ tài khoản của khoảng 80% số người gửi tiền nếu ngân hàng bị phá sản, giải thể.

    Đến nay, bản thân tổ chức BHTG Việt Nam cũng nhìn nhận rằng con số này đã không còn phù hợp, xét ở các yếu tố như thu nhập GDP bình quân đầu người, lạm phát, tốc độ tăng trưởng tiền gửi… Trên website của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trong mục “Cẩm nang cho người gửi tiền” có đoạn rằng hạn mức chi trả tối đa này “đang được đề nghị nâng lên mức cao hơn để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, duy trì niềm tin công chúng và tránh gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tổ chức tín dụng”.

    TS Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã có đề xuất mức bảo hiểm lên 200 triệu đồng/tổ chức. Nghĩa là nếu người gửi tiền ở 5 ngân hàng khác nhau, khi gặp rủi ro thì bảo hiểm tiền gửi sẽ đền bù cả 5 nơi với tổng số tiền đền bù là 1 tỉ đồng.” (theo PLO).

  • 10. Vậy người giữ tiền nên làm gì?

    Sau đây là một số lưu ý mà người giữ tiền có thể cân nhắc:

    • Lựa chọn ngân hàng uy tín về chất lượng dịch vụ và độ an toàn, thay vì chỉ chú trọng vào tiêu chí lãi suất tiền gửi cao
    • “Không bỏ trứng vào một rổ”: phân bổ tiền gửi vào nhiều tài khoản ở một vài ngân hàng. Bạn có thể chia theo từng mục tiêu tài chính, hoặc theo nhu cầu sử dụng dịch vụ tiện ích của từng ngân hàng, ví dụ như có ngân hàng cung cấp sản phẩm tiết kiệm trực tuyến, trong khi ngân hàng khác thì có sản phẩm tiết kiệm định kỳ v.v…
    • Mặt khác, với số tiền dành dụm tích lũy bạn không nên chỉ gửi tiết kiệm mà cần phân bổ đa dạng vào các kênh đầu tư khác. Bằng cách đó ngoài việc phân tán rủi ro chúng ta còn có thể đạt được sự cân bằng hơn về lợi tức, vì lãi tiền gửi tiết kiệm thấp thường không đủ giúp bạn đạt được những mục tiêu tài chính mà mình mong muốn.
    • Một điều lưu ý là, các kênh đầu tư khác nhau có quy định khác nhau về cơ chế bảo vệ tiền gửi của bạn. Ví dụ như với kênh đầu tư qua quỹ mở thì theo luật định, tài sản nhà đầu tư được quản lý tách biệt với tài sản công ty quản lý quỹ. Nên nếu công ty quản lý quỹ phá sản, tài sản của nhà đầu tư vẫn còn nguyên và tùy quyết định của nhà đầu tư mà được hoàn trả hay chuyển cho công ty khác tiếp tục quản lý.

 

Thùy Liên

Bài viết có tổng hợp thông tin từ các nguồn: WorldBank, DIV, BIS, Maybank Singapore, IBTimes, Reuters, Daily Mail, Forbes Vietnam, TBKTSG, VnEconomy, TVSI, PLO, CafeF, VnExpress, thebank, Wikipedia…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Khóa học Hoạch định tài chính cá nhân và gia đình

dành cho người đi làm – không chuyên về tài chính,

giúp bạn biết cách quản lý tài chính toàn diện cho cá nhân và gia đình mình,

từ Chi tiêu, Tiết kiệm đến Đầu tư, Bảo hiểm và Hưu trí…

TRUY CẬP BERICH